Bố Trạch - Quảng Bình: Xã đề ra nhiều khoản phí vô lý khiến dân bức xúc

27/06/2018 09:09

(TN&MT) - Hàng loạt khoản lệ phí được UBND xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch đề ra rồi thông báo về buộc dân nộp một cách khó hiểu khiến họ hết sức bức xúc. Trong đó, có các khoản phí như: tiền bảo vệ nhà văn hóa xã, tiền xây dựng đường ra nghĩa trang, xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội thôn... Đáng nói hơn là có nhiều hộ gia đình dù con đã lớn và không học tại địa phương nhưng vẫn phải nộp tiền xây dựng trường học.

UBND xã Cự Nẫm đã gửi thông báo Về việc thu nộp các khoản năm 2018
UBND xã Cự Nẫm đã gửi thông báo về việc thu nộp các khoản năm 2018

Người dân tại xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) phản ánh về việc UBND xã đặt ra nhiều khoản thu không đúng với quy định của pháp luật nhiều năm nay. Dùng phiếu thu nội bộ để thu tiền phí, lệ phí chứ không phải là hóa đơn có mã số thuế theo quy.

Cụ thể, mới đây UBND xã Cự Nẫm đã gửi thông báo về các thôn về việc thu nộp các khoản năm 2018. Phiếu thu được gửi về cho hộ dân N.D (xin giấu tên) tại thôn Tây Nẫm, xã Cự Nẫm yêu cầu nộp các khoản ngày vào 16/6/2018, trong đó gồm các khoản: Hương ước 480.000 đồng/4 khẩu; đối ứng xây dựng đường giao thông nông thôn 600.000 đồng/4 khẩu; đối ứng xây dựng trường học 480.000 đồng/4 khẩu; xây dựng đường giao thông nông thôn 600.000 đồng; bảo vệ nhà văn hóa 15.000 đồng; dẫn nước 45.000 đồng; nộp tiền xây dựng đường ra khu nghĩa trang Chó Nổ 200.000 đồng; thầu khác 186.000 đồng; các khoản dịch vụ khác 200.000 đồng. Tổng số tiền mà hộ dân này phải nộp 2.662.000 đồng.

Một điều lạ là, nhiều khoản thu có sự trùng lặp, trong phiếu thu có ghi đối ứng xây dựng đường giao thông nông thôn 600.000 đồng/4 khẩu, nhưng phía sau còn có khoản thu xây dựng đường giao thông nội nông thôn 600.000 đồng. Đặc biệt còn xuất hiện khoản nộp tiền xây dựng đường ra khu nghĩa trang Chó Nổ 200.000 đồng cũng nằm tại thôn này. Mặc dù 3 khoản phí này đều là xây dựng đường giao thông nông thôn nhưng lại được tách ra nộp riêng một cách khó hiểu với tổng số tiền 1.400.000 đồng. Bên cạnh đó, còn có khoản thu bảo vệ nhà văn hóa thôn nộp vào ngân sách của xã và xã cũng đứng ra thu một hộ 15.000 đồng.

Ông N.D, thôn Tây Nẫm bức xúc: “Năm nào chúng tôi cũng phải nộp những khoản thu như vậy. Ngoài xã thông báo về là thôn triển khai và các hộ dân đều phải nộp. Con tôi không có ruộng cũng phải nộp, đang học Đại học, không học tại địa phương cũng phải nộp tiền xây dựng trường học, tính theo khẩu nộp hết. Xây dựng làm trên không biết mấy nhưng về đây chia đều ra từng khẩu của từng hộ dân. Họ thông báo về nộp tiền hàng năm mình đều phải nộp. Dù các khoản thu hết sức vô lý, khó hiểu nhưng không ai dám nói, mà cũng không biết kêu ai, sợ nói ra sẽ bị trù dập, ảnh hưởng đến cuộc sống”.

Người dân cho biết, nếu chưa đóng tiền đúng thời gian quy định, họ đến từng nhà để thu. Khi họp thôn hộ dân nào chưa nộp hoặc nộp chậm trễ thì sẽ nêu tên tại buổi họp và buộc người dân phải nộp. Có những hộ không nộp tiền theo quy định của xã thì khi đi làm các thủ tục, giấy tờ tại cơ quan hành chính xã sẽ không được kí, khi nào nộp đủ tiền mới ký.

Tiền thu của người dân nộp vào Kho bạc Nhà nước nhưng lại dùng phiếu thu nội bộ
Tiền thu của người dân nộp vào Kho bạc Nhà nước nhưng lại dùng phiếu thu nội bộ

Bà H. thôn Tây Nẫm phản ánh: “ Năm nào gia đình gì đây đều phải nạp hết khoảng 3 triệu mà có đủ các loại xây dựng trường, xây dựng nông thôn,…Ở đây họ nộp hết, nên mình cũng nộp”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Hùng- Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm cho biết: “Việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, thì các khoản này đều được thông qua người dân hết, bàn bạc từ dưới thôn đi lên. Về khoản hương ước, một tháng người lao động nộp 10 ngàn, 120.000 đồng/năm để chi phục vụ cho các hoạt động của thôn, phụ cấp cho các phó trưởng thôn. Về khoản đối ứng xây dựng giao thông, nguồn 150.000 đồng nộp lên xã là nguồn xã hội hóa, nộp vào ngân sách xã để điều tiết chung của toàn xã theo nghị quyết hội đồng, mọi người trong độ tuổi phải nộp để xã dùng đầu tư đối ứng và làm chung toàn bộ đường của xã. Xây dựng thôn nào thì họp dân và nộp tại đó. Như ở Thôn Tây Nẫm họ có đoạn đường trong nội thôn của họ thì họ đối ứng, xã đối ứng cho họ 60% là mình lấy từ đóng góp 150.000 đồng đóng góp toàn xã này đối ứng về đó còn 40% của họ nộp trực tiếp đó”.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi việc thu tiền của từng người dân dựa vào đâu thì được ông Hùng cho biết dựa vào một bản thiết kế mẫu, chia bình quân theo các khẩu ở thôn nhưng khẳng định là dân tự nguyện nộp.

Điều đáng nói hơn là, khi người dân nộp tiền UBND xã Cự Nẫm dùng phiếu thu nội bộ, chỉ đóng dấu của UBND xã Cự Nẫm chứ không có mã số thuế theo quy định trong khi số tiền người dân nộp theo như lý giải của chủ tịch UBND xã là nộp vào Kho bạc Nhà nước, “Phiếu thu này giao cho dưới thôn thu chung cho các khoản khi đưa lên xã thì phân tích theo nguồn, còn hộ dân nào nói lên nộp trực tiếp thì xã sẽ trực tiếp thu cho từng hộ. Khoản nào thuộc ngân sách thì chúng tôi nộp vào kho bạc, có các khoản như bảo vệ nhà văn hóa đó là thôn vận động thu nên các thôn ghép vào để thu luôn”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết, những khoản thu này đều do dân tự nguyện đóng góp và đều họp dân thông qua dân cả. Thế nhưng, người dân cho biết nhiều năm qua xã chỉ gửi thông báo về yêu cầu nộp chứ không hề thông qua dân và cũng không có chuyện dân tự nguyện đóng góp như thế.

Phần lớn người dân sống tại xã Cự Nẫm đều làm nông, cuộc sống hết sức bấp bênh, thu nhập rất thấp, đời sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Người dân xã Cự Nẫm đang hết sức bức xúc trước việc UBND xã đề ra nhiều khoản thu không hợp lý rồi thông báo bắt dân nộp một cách vô lý.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bố Trạch - Quảng Bình: Xã đề ra nhiều khoản phí vô lý khiến dân bức xúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO