Bộ TN&MT trả lời ĐBQH về việc xử lý "quy hoạch treo", "dự án treo"

18/02/2016 00:00

(TN&MT) - Bộ trưởng Bộ TN&MT vừa có văn bản trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Văn Minh, Đoàn ĐBQH TP.HCM tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII về kết...

 

(TN&MT) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo các Nghị quyết của Quốc hội, việc xử lý các dự án đã được duyệt nhưng không triển khai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Minh như sau:

“Xin Bộ trưởng cho biết thực hiện Nghị quyết số 57/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010) của cả nước, có đạt được việc “xử lý dứt điểm trước ngày 30/6/2007 tình trạng quy hoạch, kế hoạch đã được duyệt mà không thực hiện trong thời hạn” được ghi ở Mục 7 Điểm 2 hay không? Xin cho biết kết quả của việc thực hiện trên.

Xin Bộ trưởng cho biết kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 17/2011/QH13 ngày 22/11/2011 của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia hiện nay đạt như thế nào?

Hiện nay trên cả nước có bao nhiêu dự án được quy hoạch, có bao nhiêu dự án đã được duyệt mà không triển khai hay còn gọi là “dự án treo” ảnh hưởng bao nhiêu hộ dân và nhân khẩu, ở bao nhiêu tỉnh, thành phố. Bộ trưởng đánh giá thế nào về các dự án này?

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu như thế nào với Quốc hội, Chính phủ về việc xử lý các dự án được gọi là “quy hoạch treo”, “dự án treo” để người dân được yên tâm, ổn định sống trên mảnh đất của mình. Đến lúc nào mới xử lý dứt điểm các dự án treo?”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Minh như sau:

Về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Sau khi kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010) của cả nước được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 57/2006/QH11, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 27 Luật Đất đai năm 2003, đưa ra khỏi quy hoạch đối với những chỉ tiêu sử dụng đất không thực hiện hoặc không phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của cả nước.

Mặt khác, để khắc phục tình trạng các dự án đã được giao đất, cho thuê đất mà không thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 391/QĐ-TTgngày 18/4/2008 về việc rà soát, kiểm tra thực trạng việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn cả nước.

Đến cuối năm 2008, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, đưa ra khỏi quy hoạch đối với những chỉ tiêu sử dụng đất không thực hiện hoặc không phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của cả nước. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh còn chậm so với yêu cầu do nhiều địa phương khó khăn về ngân sách, chưa thật sự quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 17/2011/QH13, ngày 26/11/2015, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký Báo cáo số 663/BC-CP về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 17/2011/QH13 của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia.

Kết quả kiểm tra tình hình sử dụng đất của các dự án

Vấn đề Đại biểu nêu đã và đang là những vấn đề xã hội quan tâm, tác động không tốt đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để khắc phục tình trạng này, Luật Đất đai năm 2013 đã bổ sung các quy định cụ thể, trong đó có quy định chủ đầu tư phải có đủ 3 điều kiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 58 Luật Đất đai năm 2013 mới được giao đất hoặc thuê đất.

Về số liệu theo đề nghị của Đại biểu liên quan đến trách nhiệm báo cáo của địa phương, trách nhiệm quản lý của các ngành khác có liên quan như đầu tư, xây dựng, tài chính của địa phương; tại thời điểm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có đầy đủ số liệu trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra của các địa phương và của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các dự án đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin báo cáo kết quả như sau:

Để kiểm tra, xử lý vi phạm của các tổ chức sử dụng đất do các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 4118/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 12/10/2010, Công văn số 1515/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 10/5/2011 và Công văn số 3283/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 5/9/2011 đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp báo cáo.

Tổng hợp số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến ngày 30/6/2013 có 8.161 tổ chức vi phạm với diện tích 128.033,131 ha.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử lý 5.178/8.161 tổ chức (đạt 63,45%) với diện tích đất 105.037,467 ha/128.033,131 (đạt 82,04%), trong đó có: 479 tổ chức với diện tích 25.138,792 ha; 158 tổ chức sự nghiệp công với diện tích 551,181 ha; 17 nông, lâm trường với diện tích 12.794,534 ha; 161 cơ quan Nhà nước với diện tích 275,120 ha; 2 tổ chức chính trị với diện tích 1,590 ha; 2 tổ chức chính trị - xã hội với diện tích 10,085 ha và 6 tổ chức xã hội nghề nghiệp với diện tích 0,576 ha.

Năm 2015, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình quản lý sử dụng đất tại một số địa phương, trong đó tổng hợp tình trạng chậm triển khai các dự án đầu tư, tình trạng đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng của một số địa phương như sau:

Đất khu công nghiệp đã có quyết định giao đất, cho thuê đất những chưa xây dựng sơ sở hạ tầng tại tỉnh Bắc Ninh còn 37,06%; Vĩnh Phúc còn 47,06%; Hưng Yên còn 76,15%; Bắc Giang còn 60,95%; Phú Thọ còn 71,51%. Đối với đất đô thị tại tỉnh Bắc Ninh còn 37,60% diện tích đã có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất chưa xây dựng hạ tầng; Hưng Yên còn 75,06%; Phú Thọ còn 55,09%.

Các dự án chậm triển khai gây lãng phí nguồn lực quốc gia, gây bức xúc trong dư luận. Để khắc phục tình trạng trên, các ngành, các cấp, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất ở địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư dự án có sử dụng đất cần nghiêm túc triển khai đúng tiến độ đã được phê duyệt và kịp thời xử lý theo quy định những dự án, công trình chậm triển khai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đề xuất giải pháp quyết liệt hơn khắc phục tình trạng dự án, quy hoạch treo

Để khắc phục tình trạng quy hoạch treo, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, gây thất thu ngân sách Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời có những giải pháp quyết liệt trong việc xử lý các dự án treo, nhằm thu hồi lại đất để chuyển cho các dự án khác hiệu quả hơn hoặc giao cho người dân phục vụ sản xuất, cụ thể như sau:

Theo quy định tại Điều 49 Luật Đất đai năm 2013 “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất. Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định”.

Theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.

Hiện nay, công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) các cấp đang được triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 20/5/2015 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Công văn số 4957/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 3/12/2013, Công văn số 2505/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 18/6/2014, Công văn số 187/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 21/1/2015) trong đó, có rà soát, xử lý các dự án treo và đề xuất những giải pháp quyết liệt hơn nhằm khắc phục dự án treo, thu hồi lại đất để chuyển cho các dự án khác hiệu quả hơn hoặc giao cho người dân phục vụ sản xuất.

PV

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT trả lời ĐBQH về việc xử lý "quy hoạch treo", "dự án treo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO