Tại Hội nghị, đã nghe báo cáo những kết quả nổi bật trong những tháng vừa qua, đồng thời tập trung trao đổi, thảo luận, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng cuối cùng năm 2022 và xây dựng kế hoạch công tác 2023.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để chúng ta vừa bàn các giải pháp, thể hiện nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022 và bàn về các nhiệm vụ trọng tâm sẽ triển khai trong năm 2023.
“Nhìn lại hơn 10 tháng qua, toàn ngành đã đặt quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các nhiệm vụ được giao; nhạy bén trong phản ứng chính sách để điều hành linh hoạt giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Đặc biệt, cách chúng ta cầu thị, lắng nghe, huy động được trí tuệ trong gải quyết những vấn đề hết sức khó khăn như chủ trương, chính sách về đất đai, ứng phó với biến đổi khí hậu,…được Quốc hội, Chính phủ và dư luận Nhân dân đánh giá cao.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ cho năm 2023
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Tân Tuyến, Chánh văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo Chương trình công tác năm 2022 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao 28 văn bản, đề án nhiệm vụ; trong 10 tháng đầu năm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung 08 văn bản, đề án, nhiệm vụ. Kết quả đến nay, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 15/28 đề án theo Chương trình công tác; 08/08 đề án được giao bổ sung; Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh lùi thời điểm trình 01 văn bản (Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian trình theo Kế hoạch xây dựng Luật và pháp lệnh của Chính phủ); xin rút khỏi Chương trình công tác 03 đề án của Tổng cục Biển và Hải đảo; còn 09 đề án, văn bản phải hoàn thành trong các tháng cuối năm.
Về một số nhiệm vụ trong tâm trong năm 2023, Báo cáo cho biết, trên cơ sở rà soát Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của Chính phủ và của Bộ; các đơn vị thuộc Bộ đã đề xuất 14 đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đó:
Lĩnh vực đất đai, đề xuất trình Quốc hội dự án Luật đất đai sau khi lấy ý kiến nhân dân và trình Chính phủ 03 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật; Lĩnh vực môi trường, đề xuất xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ: Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành môi trường đến năm 2030.
Lĩnh vực quản lý tổng hợp biển và hải đảo, đề xuất trình Chính phủ 01 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2022: Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Lĩnh vực địa chất khoáng sản, đề xuất xây dựng, trình Chính phủ 02 văn bản gồm: Luật Địa chất và Khoáng sản; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản; Lĩnh vực Khí tượng thủy văn, đề xuất xây dựng, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn.
Bên cạnh đó, lĩnh vực tài nguyên nước, đề xuất xây dựng, trình Chính phủ Luật Tài nguyên nước (sửa đổi; Lĩnh vực biến đổi khí hậu, đề xuất xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ 02 nhiệm vụ gồm: Quyết định ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát; Quyết định ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cập nhật).
Về nội dung Kế hoạch dự toán NSNN năm 2023, báo cáo cho biết, hiện nay, Quốc hội vừa phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, trên cơ sở danh mục nhiệm vụ chuyên môn mở mới và danh mục mua sắm, sửa chữa đã được Bộ trưởng phê duyệt, các đơn vị cần khẩn trương lập đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở phân bổ dự toán NSNN năm 2023 theo đúng quy định.
Về định hướng công tác thanh tra, kiểm tra sẽ thanh tra diện rộng, thanh tra chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực tập trung việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và một số dự án; trong việc lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; quản lý, cấp phép, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, quản lý chất thải rắn… Một số nhiệm vụ khác trong lĩnh vực quản lý của Bộ cũng được lãnh đạo các đơn vị bổ sung, làm rõ để xây dựng kế hoạch công việc trong thời gian tới.
Tập trung cao độ, quyết tâm, sáng tạo chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ
Trên cơ sở tổng kết báo cáo, thảo luận cũng như ý kiến của các đồng chí Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kết luận và chỉ đạo một số nội dung quan trọng đề nghị các đơn vị tập trung triển khai trong thời gian còn lại của năm 2022. Trong đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phải quyết liệt, thẳng thắn hơn nữa để chia sẻ những vướng mắc cũng như tham mưu những ý tưởng, giải pháp thực tế với Lãnh đạo Bộ để từ đó cùng tháo gỡ, đưa ra những chỉ đạo kịp thời, giải quyết được các nhiệm vụ chính trị, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
Về chương trình công tác năm 2023, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị bám sát Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ yêu cầu từ thực tiễn rà soát hoàn thiện đề xuất để xây dựng Chương trình công tác, Chương trình xây dựng văn bản pháp luật; Kế hoạch thanh tra; Kế hoạch chuyển đổi số báo cáo Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực trước khi gửi các đơn vị tổng hợp báo cáo Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ.
Đối với những nhiệm vụ cụ thể, về công tác kiện toàn tổ chức cán bộ, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị mới được bổ nhiệm cũng như lãnh đạo các đơn vị đã kiện toàn tổ chức sẵn sàng bắt tay vào triển khai các công việc được phân công, điều hành, xây dựng được bộ máy, nhân sự chuyên nghiệp, tinh gọn, các đơn vị mới đảm bảo sự ổn định, kế thửa, kết hợp với phát hiện những nhân tố mới, phát huy năng lực sở trưởng công tác của cán bộ để từ đó có được tập thể đoàn kết, vững mạnh.
Về chương trình xây dựng văn bản pháp Luật, Bộ trưởng đề nghị, ngoài các văn bản theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh; kế hoạch triển khai các Luật của Thủ tướng Chính phủ Thủ trưởng các đơn vị trên cơ sở thực tiễn công tác chỉ đạo, điều hành, vướng mắc từ thực tiễn nghiên cứu đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng văn bản pháp luật. Tập trung tốt công tác chuẩn bị như xác định các chính sách, khảo sát đánh giá thực tiễn, nghiên cứu các tác động, xây dựng kế hoạch để đảm bảo chất lượng, tiến độ đã đăng ký.
Về công tác kế hoạch tài chính, phải đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện nguyên tắc đầu tư tập trung, tránh dàn trải; ưu tiên các dự án hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; dự án triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đã được nêu trong các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nghiên cứu để đưa ra các giải pháp cho nhu cầu vật liệu san lập phục vụ các công trình trọng điểm. Phối hợp với Cục Quản lý Tài nguyên Nước kiểm tra vấn đề người dân miền tây phản ánh tình trạng khai thác cát dẫn đến tình trạng sát lở ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây.
Cục Công nghệ Thông tin và Dữ liệu Tài nguyên Môi trường triển khai các nhiệm vụ được giao để đến năm 2025 hoàn thành được phần mềm, hạ tầng, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Đối với lĩnh vực quản lý đất đai, bên cạnh những nhiệm vụ chuyên môn, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn tiếp tục lấy tổ chức lấy ý kiến nhân dân cũng như các tổ chức, chuyên gia để bổ sung cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Trong đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng nên lấy ý kiến rộng rãi nhân dân tập trung vào những chủ trương mới, chính sách mới, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân để tổng hợp trình Quốc hội xem xét. “Với những vấn đề mà còn nhiều phương án khác nhau, còn phân vân từ các cơ quan của Chính phủ, đại biểu Quốc hội thì ý kiến đóng góp của nhân dân sẽ là giải pháp tốt nhất để đưa vào Luật” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục xây dựng và triển khai công tác cải cách hành chính để đơn giản háo các thủ tục; công tác hợp tác quốc tế kiện toàn lại tổ chức để có tiến hành các nhiệm vụ hợp tác với các đối tác quốc tế; công tác thanh tra, kiểm tra bám sát các định hướng thanh tra của Thanh tra Chính phủ để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023, tập trung vào các vấn đề bức xúc từ dư luận, từ thực tiễn đặc biệt bám sát các Nghị quyết giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí; khiếu nại, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn…
“Với tinh thần trách nhiệm tôi đề nghị các đồng chí Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các đơn vị tập trung cao độ, quyết tâm, sáng tạo chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đã đặt ra.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.