Bộ TN&MT làm việc với Bộ Công an để hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Khương Trung | 04/06/2020 20:22

(TN&MT) - Chiều 4/6, tiếp tục quá trình hoàn thiện Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với Lãnh đạo Bộ Công An do Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn.

Cuộc họp có sự tham của Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy; Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Trần Văn Minh; Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương; cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các thành viên Ban soạn thảo.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường luôn đồng hành với các hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thời gian qua. Tuy nhiên, để hoàn thiện công tác bảo vệ môi trường cho phù hợp, dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ hoàn thiện hơn nữa để bắt kịp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại mới.

Cùng quan điểm với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cơ bản đồng tình với những quan điểm mới của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần phải chặt chẽ hơn để công tác quản lý bảo vệ môi trường hiệu quả hơn nữa nhưng vẫn cần phải phòng ngừa để ngăn chặn tội phạm môi trường. Với những vấn đề đang giao thoa về nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng các cơ quan chức năng của hai Bộ cần bàn thảo thêm để đưa ra một ý kiến chung vấn đề giao thoa giữa chức năng nhiệm vụ, bảo đảm nguyên tắc xây dựng luật sát với thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Công An, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu

 

Về nguyên tắc phân định trách nhiệm, thẩm quyền trong kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tại cuộc họp, các bên đơn vị tham gia cùng nhau trao đổi, thảo luận về việc phân định nhiệm vụ bám sát và phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của hai Bộ.

Đồng thời, việc phân định phải được thực hiện trên nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện” và “những việc liên quan đến nhiều cơ quan cùng thực hiện thì phải xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; thẩm quyền của cơ quan phối hợp; cơ chế phối hợp”.

Trong cuộc họp, Ban soạn thảo đề nghị Bộ Công an chấp thuận nội dung quy định “theo dõi việc tuân thủ pháp luật, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường nơi công cộng”, vì hiện nay các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường nơi công cộng đang diễn ra phổ biến và thường xuyên. Mặc dù pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã giao cho rất nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt (trong đó có lực lượng Công an nhân dân) nhưng thực tế không có ai tiến hành kiểm tra, giám sát, phát hiẹn và xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm tại các khu vực này. Đây là một khoảng trống trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Bảo vệ môi trường.

Toàn cảnh cuộc họp chiều 4/6

Hiện nay, lực lượng công an chính quy đã được tăng cường đến cấp phường, xã; ngoài các nhiệm vụ thực hiện theo quy định của ngành công an cũng nên giao trách nhiệm phát hiện, xử phạt các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường nơi công cộng cho lực lượng này, bảo đảm phù hợp với thẩm quyền quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Cuộc họp cũng thảo luận về việc đề xuất đưa vào dự thảo luật vấn đề An ninh môi trường Quốc gia; thảo luận về cấp thẩm quyền được ra quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất để phù hợp với Luật Thanh tra.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cũng tiếp thu các ý kiến của Bộ Công an chỉnh sửa một số điều khoản, quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) để tránh chồng chéo với pháp luật Công an nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT làm việc với Bộ Công an để hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO