Bộ TN&MT giám sát sai phạm tại dự án 38 triệu USD

28/11/2015 00:00

  Trao đổi với PV, ông Lương Duy Hanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định...

 

Trao đổi với PV, ông Lương Duy Hanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định sẽ giám sát chặt những sai phạm về xây dựng và môi trường xảy ra tại Công ty TNHH URC Hà Nội và Công ty TNHH URC Việt Nam.

Theo ông Lương Duy Hanh, việc đình chỉ hoạt động 3 tháng đối với nhà máy của Công ty TNHH URC Việt Nam được tính từ ngày công ty nhận được văn bản xử phạt của Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương sẽ giám sát chặt chẽ việc đó.

“Thời hạn đình chỉ hoạt động tối đa là 3 tháng nhưng nếu họ hoàn tất khắc phục hậu quả trong thời gian 1 tháng, nộp đủ số tiền phạt thì theo đúng quy định của Nghị định 179, cơ quan nhà nước sẽ xuống kiểm tra thực tiễn, ban hành văn bản khắc phục xong hậu quả vi phạm và coi như không đình chỉ nữa”- ông Hanh nói.

Bên cạnh việc giám sát khắc phục những sai phạm tại nhà máy ở Bình Dương, ông Lương Duy Hanh cho biết sắp tới Tổng cục Môi trường sẽ có văn bản đốc thúc việc xử lý sai phạm tại dự án 38 triệu USD của Công ty TNHH URC Hà Nội (Khu công nghiệp Thạch Thất- Quốc Oai). “Sai phạm ở đây thuộc dự án mở rộng, nâng công suất nhà máy. Chỉ khi họ lập hồ sơ đề nghị xác nhận đảm bảo về môi trường và chúng tôi thành lập đoàn xuống kiểm tra mới tóe loe ra là chưa có giấy phép xây dựng, không đảm bảo quy hoạch”- ông Hanh nói.

Ông Hanh khẳng định việc xử lý sai phạm trong xây dựng tại dự án 38 triệu USD của Công ty TNHH URC Hà Nội thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và UBND TP Hà Nội.

“Đến nay họ chưa gửi thêm văn bản nào cho chúng tôi về hướng xử lý sai phạm cả. Nhưng với trách nhiệm cơ quan phê duyệt ĐTM (đánh giá tác động môi trường-PV), chúng tôi đang chỉ đạo, yêu cầu báo cáo chi tiết xem họ đã triển khai xây dựng thế nào”- ông Hanh thông báo.

Trước đó, tại công văn số 7211/VP-CT, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội kiểm tra, rà soát thông tin mà báo Dân trí đã phản ánh trong hai bài viết “Phát hiện nhà máy 38 triệu USD xây dựng sai phép ở Hà Nội” và “Đề nghị Hà Nội “hợp thức hóa sai phạm” của dự án 38 triệu USD”; báo cáo UBND TP Hà Nội trước ngày 30/10.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, những phản ánh của báo chí thời gian qua về sai phạm của Công ty TNHH URC Hà Nội là đúng. Những sai phạm này bao gồm: Xây dựng nhà máy trên phần diện tích theo quy hoạch là khu xử lý rác thải và kho tàng; công trình xây dựng chưa được cấp phép; công trình xử lý nước thải giai đoạn 2 chưa được cấp xác nhận hoàn thành và hiện trạng xử lý rác thải như thế nào.

“Những sai phạm, tồn tại đã xảy ra từ thời điểm tháng 8/2009. Sự việc sai phạm đã được các cấp, các ngành và các cơ quan có thẩm quyền của thành phố rà soát, xử lý, giải quyết. Thanh tra thành phố và Tổng cục Môi trường đã vào cuộc kiểm tra và có kết luận cụ thể về những sai phạm trên”- thông báo của Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội nêu rõ.

PV  đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội để tìm hiểu thêm về trách nhiệm để sai phạm diễn ra kéo dài và hướng xử lý sắp tới nhưng không nhận được hồi âm.

Tiếp đó, mới đây Tổng cục Môi trường tiếp tục phát hiện Công ty TNHH URC Việt Nam (đại lộ Tự Do, khu công nghiệp Việt Nam-Singapore, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) không có giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức (đối với dự án thay đổi, nâng công suất Nhà máy số 1 và số 2).

Chính vì thế, Tổng cục Môi trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 280 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động với các Dự án thay đổi sản phẩm và nâng công suất Nhà máy URC Việt Nam số 1 và số 2 của công ty này trong thời hạn 3 tháng.

Trước ít nhất 15 ngày làm việc kể từ thời điểm hết hạn đình chỉ hoạt động của các dự án nêu trên, công ty phải có văn bản báo cáo kèm theo các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương và Tổng cục Môi trường để được kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 4 Điều 55 Nghị định số 179/2013 của Chính phủ.

Theo Dân trí

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT giám sát sai phạm tại dự án 38 triệu USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO