Bộ TN&MT đề xuất 7 giải pháp quản lý đất nông, lâm trường

Trường Giang| 21/11/2019 10:54

(TN&MT) - Theo Bộ TN&MT, qua việc rà soát, sắp xếp lại đất của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp theo Nghị quyết 30 và Nghị dịnh 118, đến nay, đã xác định được những khu vực diện tích giữ lại và khu vực có thể tạo ra quỹ đất phục vụ mục tiêu giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Mặc dù, đã thực hiện được một số kết quả, nhưng vẫn còn hạn chế cần giải quyết.

Với phương châm phải có những quyết sách đột phá trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, trong đó, tập trung ổn định người sử dụng đất tại chỗ có đất sản xuất, bảo vệ đất đai và tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, thời gian tới, Bộ TN&MT đề xuất Chính phủ triển khai thực hiện 7 giải pháp trọng tâm:

Cụ thể, rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, tài chính, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và dân di cư tự do, các hộ nghèo thiếu đất sản xuất... để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.

Rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, tài chính, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết, ưu tiên nguồn lực đất đai, kinh phí và con người để thực hiện chính sách đất sản xuất cho đồng bào DTTS thiếu đất và dân di cư tự do để giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất.

Rà soát đánh giá hiệu quả các mô hình quản lý sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp để đề xuất phương án xử lý đảm bảo cân đối giữa mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình sản xuất, nguồn lực lao động với diện tích đất giữ lại, mang lại nguồn thu cho ngân sách tương xứng. Phần diện tích dôi dư ưu tiên giao hoặc cho thuê cho người dân tại chỗ là những người đang trực tiếp nhận khoán, thuê, mướn lại đất của nông, lâm trường để đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả.

Tập trung nguồn lực để đến 2021 hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng. Cung cấp thông tin làm cơ sở xác định và thu nghĩa vụ tài chính của các đối tượng sử dụng đất.

Hoàn thành việc chuyển giao đất và hồ sơ đất không có nhu cầu sử dụng, hiệu quả sử dụng thấp, hoang hóa về địa phương quản lý để đưa vào quy hoạch bố trí quỹ đất cho các mục tiêu tổng thể của địa phương.

Quy hoạch, bố trí quỹ đất cho các mục tiêu tổng thể của địa phương.

Xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu về tình hình quản lý, sử dụng đất đai cho khu vực biên giới để Chính phủ và các địa phương huy động, phân bổ và khai thác hợp lý nguồn lực đất đai; làm cơ sở để các Bộ ngành triển khai các chương trình, nhiệm vụ nhằm phát triển kinh tế xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về đất đai chung, đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường nói riêng cho đồng bào, người dân sinh sống tại khu vực đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.

Cuối cùng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, trong đó quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương.

Theo Đất đai
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT đề xuất 7 giải pháp quản lý đất nông, lâm trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO