Bộ TN&MT: Đánh giá hạn hán, xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các giải pháp  

Thúy Hằng| 21/04/2020 17:35

(TN&MT) - Chiều 21/4, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp nghe các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước báo cáo về việc triển khai Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020 về việc đánh giá hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các giải pháp.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: Theo Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và các bộ, cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá toàn diện nguyên nhân hạn hán, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến nghe các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước báo cáo về việc triển khai Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020 về việc đánh giá hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các giải pháp chiều 21/4.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ giao Cục Quản lý Tài nguyên nước phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ trên, Cục Quản lý tài nguyên nước đã dự thảo nội dung các đơn vị tham gia thực hiện.

Dự kiến Kế hoạch, tháng 4/2020 sẽ chuẩn bị đề cương, kế hoạch, phân công nhiệm vụ và trình Thứ trưởng ký gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải và 13 tỉnh – thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đề nghị hoàn thành các nội dung phối hợp. Trong tháng 5/2020, sẽ tổng hợp các nội dung từ các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan trong Bộ và hoàn thành Dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Lãnh đạo Bộ.

Theo đề cương phân công nhiệm vụ, Cục quản lý tài nguyên nước sẽ trình Thứ trưởng ký công văn gửi các bộ, ngành, địa phương về các nội dung phối hợp; Ký công văn gửi các đơn vị liên quan trong Bộ về nội dung phối hợp; Tổng hợp các nội dung về hạn, mặn Đồng bằng sông Cửu Long do Cục phụ trách, kiến nghị giải pháp (quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quy hoạch…). Đồng thời, tổng hợp các nội dung phối hợp từ các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan; hoàn thành Dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Lãnh đạo Bộ

Tổng cục Khí tượng thủy văn báo cáo đặc điểm khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn, triều ĐBSCL; Diễn biến một số đợt hạn hán, xâm nhập mặn gần đây (bao gồm cả 2015-2016 và 2019-2020); nguyên nhân gây ra các đợt hạn hán, xâm nhập mặn; Nhận định xu thế hạn hán, XNM vùng ĐBSCL; Các giải pháp quan trắc, cảnh báo, dự báo đã thực hiện; đánh giá hiệu quả và hạn chế, bất cập.

Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia đánh giá về diễn biến nước dưới đất vùng ĐBSCL những năm qua, đặc biệt là năm 2019-2020 (hạ thập mực nước, ô nhiễm, xâm nhập mặn nước dưới đất) kèm theo đánh giá nguyên nhân. Trung tâm cũng cần đưa các giải pháp sử dụng nước dưới đất cho sản xuất và sinh hoạt đã thực hiện; nhận định xu thế diễn biến tài nguyên nước dưới đất; đánh giá các giải pháp chính sách sử dụng nước dưới đất hiện nay vùng ĐBSCL; Các thông tin tổng hợp từ công tác Lập nhiệm vụ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long liên quan đến diễn biến hạn, mặn; nguyên nhân, xu thế; giải pháp…

Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phân tích diễn biến khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn lưu vực sông Mê Công những năm qua và năm 2015-2016, 2019-2020 (tập trung vào phần lưu vực ngoài lãnh thổ Việt Nam). Kèm theo là nguyên nhân (biến đổi khí hậu, sử dụng nước ở thượng lưu…); Kế hoạch phát triển và sử dụng tài nguyên nước ở các nước thượng lưu; nhận định các tác động đến xu thế, diễn biến hạn mặn vùng ĐBSCL…

Viện Khoa học tài nguyên nước phân tích, đánh giá diễn biến KTTV, dòng chảy, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, các yếu tố ảnh hưởng; Phân tích các đợt hạn hán, xâm mặn điển hình gần đây (bao gồm cả 2015-2016 và 2019-2020), nguyên nhân; Đánh giá xu thế hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, nguyên nhân gây gia tăng hạn hán, xâm nhập mặn…

Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu phân tích, đánh giá diễn biến KTTV, dòng chảy, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, các yếu tố ảnh hưởng. Phân tích các đợt hạn hán, xâm mặn điển hình gần đây (bao gồm cả 2015-2016 và 2019-2020), nguyên nhân; Đặc biệt, Viện sẽ đi sâu vào các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng…; Nhận định xu thế hạn hán, xâm nhập mặn, nguyên nhân gây gia tăng.

Cục Quản lý tài nguyên nước cũng kiến nghị các Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thêm một số đánh liên quan đến tài nguyên nước và hạn, mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và giải pháp liên quan.

Đối với 13 tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cục cũng dự kiến đề nghị đánh giá tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh/thành phố; diễn biến đợt mặn điển hình 2015-2016 và 2019-2020 trên địa bàn tỉnh/thành phố; những ảnh hưởng, thiệt hại đến sản xuất và đời sống người dân…

Tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa

Các ý kiến đại biểu tham dự cuộc họp đều nhất trí cao với dự kiến Kế hoạch mà Cục Quản lý tài nguyên nước đưa ra.

Ông Lê Đức Trung – Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết, Văn phòng sẽ tham gia vào đánh giá tình hình diễn biến tài nguyên nước trong mùa khô năm 2020 và có liên hệ đến đợt hạn của năm 2016. Cùng với đó đánh giá nguyên nhân hạn, mặn cho vùng Tân Châu, Châu Đốc (cửa ngõ khu vực ĐBSCL). Đánh giá nguyên nhân chính gây hạn hán, xâm nhập mặn trong 3 tháng mùa khô.

Ông Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn tán thành quan điểm cho rằng cần phải đánh giá cho lâu dài. Đầu tháng 4/2020, Tổng cục đã có văn bản báo cáo Bộ về dự báo, cảnh báo khu vực ĐBSCL và Tây Nguyên. Trong đó, cũng đã nêu rõ cảnh báo nguy cơ hạn, mặn.

Ông Trần Hồng Thái cũng nêu một số bất cập hiện nay, đó là, hiện các thông tin từ lưu vực sông quốc tế còn hạn chế nên công tác cảnh báo đôi khi còn chưa chính xác. Bên cạnh đó, tại khu vực ĐBSCL hiện còn thiếu nhiều trạm quan trắc mặn. Đặc biệt, cần sớm có sự phối hợp để thông tin các hồ chứa có thể hòa nhập vào số liệu khí tượng thủy văn.

Về nhiệm vụ Thủ tướng giao, theo ông Trần Hồng Thái, nhìn rộng ra, Bộ TN&MT là đơn vị chủ trì của chương trình quốc gia về tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu. Ở đó, khu vực ĐBSCL là địa bàn trọng điểm được tập trung nghiên cứu và có nhiều nghiên cứu, giải pháp như: dùng Đồng Tháp Mười làm nơi trữ nước hay chuyển đổi sang giống lúa ngắn hạn thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, mô hình cộng đồng để sống chung với lũ. Ông Thái cho rằng đây là những giải pháp xuyên suốt cần tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho rằng đây là việc hết sức cấp bách, quan trọng cần phải triển khai ngay. Về cách thức triển khai, Trung tâm sẽ thực hiện nhiệm vụ theo phân công và phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước hoàn thiện báo cáo.

Ông Lê Anh Đức – Phó Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước thông tin, hiện Viện đã có nghiên cứu sơ bộ về các giải pháp trữ nước ĐBSCL. Viện sẽ sử dụng thông tin đang nghiên cứu và đóng góp cho báo cáo tổng hợp tài nguyên nước trong thời gian tới.

Theo bà Huỳnh Thị Lan Hương – Phó Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, nội dung quan trọng nhất cần đề cập đến là các dự báo về xu thế trong thời gian tới và công tác liên quan tới quan trắc KTTV và dự báo, cảnh báo hạn hán trong thời gian tới. Ngoài ra, Viện sẽ đưa ra thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tới hạn hán, xâm nhập mặn để có thể sớm đưa ra cảnh báo.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và biểu dương Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước trong thời gian ngắn đã hoàn thiện và bàn giao 13 điểm cấp nước cho các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, kịp thời giúp người dân chống hạn, mặn.

Về đề cương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, cần vận dụng số liệu, nghiên cứu, đánh giá hiện có tổng hợp thành báo cáo không chỉ cho mùa hạn mặn năm nay mà lâu dài. “Tôi nghĩ rằng đây là thách thức đối với Bộ TN&MT đồng thời là cơ hội để chúng ta thể hiện tri thức, quan điểm nhìn nhận về những vấn đề tài nguyên nước nói riêng và phát triển ĐBSCL”.  

Thứ trưởng Lê Công Thành nhất trí với đề cương Cục Quản lý tài nguyên nước xây dựng và đề nghị tận dụng sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương. Muốn vậy, Cục Quản lý tài nguyên nước cần tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với các đơn vị về các nội dung cụ thể để các Bộ và địa phương cung cấp thông tin một cách đầy đủ và chuẩn xác nhất.

Thứ trưởng đồng ý với ý kiến phân tích, đánh giá, giải pháp đã thực hiện để định hướng cho tương lai. Thứ trưởng đánh giá, đợt hạn, mặn năm 2020 diễn ra khốc liệt nhưng thiệt hại không đáng kể. Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cùng phối hợp rà soát đánh giá đợt hạn mặn 2020.

“Trong phân tích đánh giá không chỉ dừng lại ở năm 2016, 2020 mà cần đưa bức tranh dài hơn về vấn đề hạn, mặn và lũ lụt ở ĐBSCL. Đồng thời, đưa thêm nhận định đánh giá hạn hán, xâm nhập mặn trong 20 -30 năm trở lại đây. Như vậy, mới thấy được mối liên hệ, diễn biến về biến động dòng chảy trong mùa cạn, biến động về bùn, cát… Đây là dịp Bộ TN&MT thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước.” – Thứ trưởng Lê Công Thành lưu ý.

Thứ trưởng chỉ đạo, Cục Quản lý tài nguyên nước cần trao đổi với Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, bởi đây không chỉ là vấn đề hạn, mặn mà là cả vấn đề tài nguyên nước khu vực ĐBSCL.

Thứ trưởng cho rằng, cần phải làm nhanh vì đây là thời điểm hết sức quan trọng. Sắp tới chúng ta xây dựng quy hoạch ĐBSCL, triển khai một loạt vấn đề về đối sách Mê Công, vì thế, cần phải sớm đưa ra các giải pháp. Trong các năm tiếp theo, chúng ta sẽ đầu tư mạng lưới quan trắc các nước trong lưu vực sông Mê Công, môi trường, nước mặt ĐBSCL, khảo sát dòng chảy ven bờ ảnh hướng lớn tới quá trình hình thành bồi đắp, sạt lở biển, bờ sông. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước nghiên cứu các báo cáo của Bộ về tài nguyên nước để đưa ra các giải pháp kịp thời và toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT: Đánh giá hạn hán, xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các giải pháp  
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO