Bộ TN&MT đã sẵn sàng về hạ tầng dịch vụ công trực tuyến

28/09/2017 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, Bộ TN&MT đã giao cho Cục Công nghệ thông tin xây dựng vững chắc “hạ tầng” để việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng nhu cầu người dân và thực hiện yêu cầu kết nối Chính phủ điện tử. Đến nay, “hạ tầng” công nghệ thông tin phục vụ hành chính công cơ bản đã xong, có thể trực tiếp kết nối và giải quyết cấp phép ở một số lĩnh vực tới cấp độ 4.

Cấp phép online, người dân hưởng lợi

Việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm tải áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn. Qua đó, người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian làm các thủ tục hành chính (TTHC).

Dịch vụ này có 4 cấp độ, mức độ 1: Dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó; mức độ 2 là DVCTT mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; mức độ 3 là DVCTT mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; mức độ 4 là DVCTT mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Bộ TN&MT đã sẵn sàng về hạ tầng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: MH
Bộ TN&MT đã sẵn sàng về hạ tầng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: MH

Như vậy, triển khai các DVCTT ở mức độ 3 có nghĩa là công dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền nói chung, với ngành TN&MT nói riêng 24/24giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối Internet. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Như vậy, công dân, tổ chức chỉ phải đến duy nhất một lần để thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan, đơn vị.

Quản lý Nhà nước minh bạch hơn

Dịch vụ công trực tuyến sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước chuyên ngành. Trên thực tế, một số quy trình TTHC liên quan tới lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ còn nhiều bất cập, hồ sơ trùng lặp về thông tin, thời gian xử lý kéo dài gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong quá trình khai báo, nộp hồ sơ TTHC. Với phương thức quản lý hiện đại thông qua áp dụng các phương thức kiểm tra, đối chiếu và xử lý tự động một số bước trong quy trình thủ tục, một số giấy tờ thuộc bộ hồ sơ cấp phép cũng như một số thủ tục hành chính được cắt giảm khi thực hiện thủ tục cấp phép điện tử mà vẫn đảm bảo công tác quản lý. Khi được thực hiện chính thức, mức độ áp dụng được mở rộng, hiệu quả sẽ càng được tăng cao.

Hệ thống dịch vụ công trực tuyến được thực hiện trên nền tảng quản lý rủi ro, kiểm tra trọng tâm trọng điểm, do vậy, tập trung được nhiều nguồn lực vào các đối tượng nghi ngờ. Đồng thời, đảm bảo tính chính xác trong việc thống kê: các thông tin được người khai trực tiếp khai báo, đảm bảo tính pháp lý và trách nhiệm về các thông số, loại trừ khả năng sai lệch trong công tác nhập số liệu của cơ quan quản lý thủ tục cấp phép như thực hiện thủ tục truyền thống; góp phần tăng sự minh bạch, giảm tham nhũng và các tệ nạn khác liên quan đến quản lý các tài nguyên của ngành, tạo điều kiện cho cán bộ của ngành phục vụ xã hội, nhân dân ngày càng tốt hơn.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ công nhằm nâng cao tính minh bạch, tiết kiệm thời gian và kinh phí thực hiện các thủ tục hành chính thuộc phạm vi xử lý của Bộ TN&MT, ngày 30/10/2015 Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ra Quyết định số 2793/QĐ-BTNMT phê duyệt Dự án “Xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc Bộ TN&MT”. Dự án sẽ được thực hiện trong 3 năm (từ năm 2016 - 2018).

Cần có giải pháp đẩy mạnh sử dụng dịch vụ hành chính công

Bộ TN&MT giao cho Cục Công nghệ thông tin xây dựng và cung cấp nền tảng cơ bản cho việc triển khai Chính phủ điện tử (e-government) tại Bộ TN&MT một cách đồng bộ tạo điều kiện thuận tiện cho việc phát triển và tích hợp các phần mềm ứng dụng của ngành; xây dựng hệ thống dịch vụ lõi dùng chung cho hệ thống cung cấp dịch vụ công của Bộ TN&MT, đảm bảo cho việc phát triển và tích hợp các dịch vụ công của ngành cũng như kết nối cung cấp dữ liệu cho các hệ thống của các Bộ, ban ngành và Chính phủ; xây dựng, cung cấp các dịch vụ công của Bộ TN&MT tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, có tính sẵn sàng cao hỗ trợ tích hợp với các hệ thống dịch vụ công khác ở Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc ứng dụng điện tử hỗ trợ xử lý nghiệp vụ; phát triển nguồn nhân lực CNTT ngành TN&MT để nâng cao hiệu quả trong công việc.

Đến nay, dự án đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 61 TTHC. Ngoài 4 thủ tục giai đoạn thí điểm về cơ chế một cửa quốc gia tại Bộ TN&MT là đăng ký xuất khẩu chất thải nguy hại, đăng ký nhập khẩu Polyol HCFC-141B, đăng ký xuất khẩu HCFC, xác nhận đăng ký nhập khẩu các chất HCFC (để Bộ Công Thương cấp phép) còn có 6 thủ tục trong lĩnh vực bản đồ, 10 thủ tục trong lĩnh vực khoáng sản, 27 thủ tục trong lĩnh vực môi trường, 14 thủ tục trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Trong đó, có 56 DVC mức độ 3 tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, 1 DVC mức độ 3 tại Hệ thống cung cấp dữ liệu Đo đạc và Bản đồ và 4 DVC mức độ 4 tại Hệ thống Hải quan một cửa quốc gia. Riêng lĩnh vực môi trường đã hoàn thành vượt mức kế hoạch Chính phủ giao 17 TTHC. Chỉ tính riêng năm 2017, tính đến ngày 14/9, trên hệ thống có 6 trên tổng số 61 TTHC được cung cấp DVCTT đã phát sinh, tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến. Với 6 TTHC này, số được tiếp nhận và xử lý trực tuyến là 58 hồ sơ, số được tiếp nhận trực tiếp theo phương thức truyền thống (tại Bộ phận một cửa) là 154 hồ sơ.

Như vậy, hiện nay, đã cung cấp chính thức được số lượng DVCTT tương đối nhiều. Tuy vậy, theo ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, đến thời điểm này các hồ sơ thực hiện theo phương thức điện tử còn thấp, ngoài trừ các TTHC của lĩnh vực biến đổi khí hậu thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia chỉ thực hiện dạng điện tử từ ngày 1/7/2017 các TTHC khác chưa được người dân và doanh nghiệp biết và thực hiện.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ TN&MT cần có giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thủ tục này.

Vũ Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT đã sẵn sàng về hạ tầng dịch vụ công trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO