Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mê Công

14/07/2017 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, cùng với sự giúp đỡ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang phối hợp cùng với các Bộ, ngành...

(TN&MT) - Thời gian qua, cùng với sự giúp đỡ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang phối hợp cùng với các Bộ, ngành tích cực triển khai Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2” nhằm tăng cường hợp tác và quản lý xuyên biên giới các hệ sinh thái rừng giữa các quốc gia trong Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS).
 
Hướng tới xây dựng khung chính sách quản lý cho 530.000 ha rừng
 
Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Công mở rộng, giai đoạn 2” (Dự án BCC) do ADB tài trợ được triển khai trong giai đoạn 2011 - 2019 với tổng số vốn là 34.083 triệu USD. Đến nay, Dự án đã triển khai đến giai đoạn 2.
 
Dự án này được triển khai với mục tiêu thiết lập một hệ thống hành lang đa dạng sinh học tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế nhằm phục hồi và duy trì tính liên kết của hệ sinh thái trong khu vực (liên kết khu vực 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia). Đồng thời, bảo đảm dịch vụ hệ sinh thái rừng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Trung Trường Sơn, đem lại lợi ích sinh kế cho cộng đồng địa phương góp phần phát triển kinh tế khu vực; kế hoạch quản lý khu vực và thực hiện khung chính sách của Trung ương và địa phương nhằm đạt được sự ổn định bền vững của dịch vụ hệ sinh thái; hành lang đa dạng sinh học và các kế hoạch quản lý dự kiến sẽ được thiết lập và đưa vào hoạt động hoàn toàn trong năm 2018.
Khu vực Trung Trường Sơn của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều lòai động vật quý như Sao La
Khu vực Trung Trường Sơn của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều lòai động vật quý như Sao La
Dự án sẽ thực hiện tại 34 xã thuộc 6 huyện của 3 tỉnh; tổng dân số của 3 tỉnh năm 2009 ước tính gần 3,1 triệu người; 34 xã có dân số là 72.881 người. Dự án chủ yếu thuộc vùng núi, được bao quanh bởi các khu rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Khu vực dự án chủ yếu là các nhóm các dân tộc thiểu số chiếm từ 77% tại Quảng Trị đến 92% tại Quảng Nam và 91% tại Thừa Thiên Huế. Tất cả các nhóm dân tộc thiểu số trong khu vực dự án thuộc nhóm sử dụng ngôn ngữ Khơ Me. Một phần nhỏ theo các hoạt động sản xuất nông nghiệp du canh của Giẻ Triêng, còn phần lớn chuyển sang thâm canh lúa nước.
 
Trong số 5 nhóm dân tộc thiểu số, người Vân Kiều ở Quảng Trị là dân tộc duy trì hình thức canh tác nương rẫy lâu nhất. Ước tính có 15.500 hộ  gia đình hưởng lợi trực tiếp từ dự án, trong đó khoảng 50% là phụ nữ và 85% là dân tộc thiểu số.
 
Vào năm 2019, dự án này hướng tới xây dựng được kế hoạch quản lý và thực thi khung chính sách của trung ương và địa phương, nhằm đạt được tác động lâu dài của dịch vụ hệ sinh thái bền vững và dự kiến thiết lập được các hành lang đa dạng sinh học với các kế hoạch quản lý và đưa vào hoạt động hoàn toàn.
Cán bộ kiểm lâm và đồng bào dân tộc giải cứu cá thể chồn
Cán bộ kiểm lâm và đồng bào dân tộc giải cứu cá thể chồn
Dự kiến sau 8 năm triển khai tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, dự án sẽ đạt được các kết quả như: xây dựng các kế hoạch quản lý, các chính sách về hành lang đa dạng sinh học ít nhất cho 530.000 ha rừng và đất không có rừng tại 34 xã tại Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vào năm 2018; xác định ranh giới và lập bản đồ hành lang bảo tồn đa dạng sinh học để duy trì và bảo vệ; xây dựng khung chính sách và cơ chế quản lý hành lang bảo tồn đa dạng sinh học để duy trì các dịch vụ hệ sinh thái. Đồng thời, tăng thu nhập hoặc tài sản cho 50% hộ gia đình được lựa chọn so với năm 2011, ít nhất 30% thành viên ban quản lý hành lang cấp thôn/xã là phụ nữ.
 
Khẩn trương, tăng tốc để hoàn thành
 
Báo cáo tại cuộc họp báo cáo Ban chỉ đạo dự án vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục bảo tồn đa dạng sinh học cho biết: mặc dù đã tích cực triển khai tuy nhiên tiến độ thực hiện Dự án ở cả cấp Trung ương và các địa phương còn chậm so với kế hoạch.
 
Tháng 5/2017, Tổng cục Môi trường đã có Công văn hướng dẫn việc hoàn thiện và thí điểm thành lập, quản lý hành lang đa dạng sinh học. Đây được xem là điểm mốc quan trọng trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác quy hoạch hành lang đa dạng sinh học, tạo điều kiện để các Ban quản lý dự án cấp tỉnh có đủ cơ sở tiến hành triển khai xây dựng kế hoạch chi tiết. Dự kiến đến tháng 10/2017, UBND các tỉnh sẽ ban hành hành lang đa dạng sinh học cấp tỉnh.
 
Hoạt động cải thiện sinh kế nông nghiệp đã được các Ban quản lý dự án cấp tỉnh thực hiện tốt, các mô hình sinh kế hỗ trợ rất phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác và đối tượng hưởng lợi của dự án. Hiện tại, các mô hình vẫn được duy trì và phát triển tại các huyện như A Lưới, Nam Đông,…
Cán bộ của Dự án đang hướng dẫn người dân cách trồng và bảo vệ rừng
Cán bộ của Dự án đang hướng dẫn người dân cách trồng và bảo vệ rừng
Đánh giá về những kết quả đã đạt được, tại cuộc họp Ban chỉ đạo, nhiều chuyên gia cho rằng các hoạt động của dự án đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng Ban quản lý dự án Trung ương cần tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng địa phương; xây dựng kế hoạch truyền thông tới các thành phần của xã hội nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng; xem xét hướng dẫn các Ban quản lý cấp tỉnh thực hiện một số nội dung của dự án, tránh chồng chéo…
 
Sau khi lắng nghe báo cáo về những mặt tích cực cũng như tồn tại của việc triển khai dự án, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, Dự án BCC có ý nghĩa quan trọng không những trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường mà còn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặc dù, Ban quản lý dự án đã tích cực triển khai tuy nhiên nhiều hạng mục của dự án vẫn bị chậm, tồn tại nhiều hạn chế.
 
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Ban quản lý dự án Trung ương và các tỉnh cần khẩn trương lên kế hoạch, đưa ra các phương án cụ thể nhằm đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án. Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án cần tăng cường công tác truyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để các kết quả của dự án vẫn tiếp tục được thực hiện, triển khai, mang lại lợi ích sinh kế cho người dân sau ngay khi dự án kết thúc.
Thái Bình
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mê Công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO