Sáng 28/12/2018, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ quý IV, năm 2018 nhằm thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí về kết quả mà Bộ TN&MT đã đạt được trong quý IV năm 2018 cũng như thông tin về nhiều vấn đề được dư luận cả nước quan tâm hiện nay. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì buổi họp báo.
Tại đây, Bộ TN&MT đã thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí về 4 nội dung chính gồm: Thông báo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV của Bộ TN&MT; thông tin về cơ chế, mô hình, giải pháp tích tụ, tập trung đất đai; thông tin về các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với quản lý nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; thông tin kết quả Đoàn công tác của Việt Nam tham gia Hội nghị lần thứ 24 (COP24) các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Ngoài ra Bộ TN&MT cũng cung cấp thông tin về kết quả phiên họp của Hội đồng Uỷ hội sông Mê Công quốc tế và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Bộ TN&MT đánh giá cao các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực phối hợp, tuyên truyền về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong năm 2018. Với xu thế phát triển lớn mạnh của lĩnh vực tài nguyên và môi trường như hiện nay thì báo chí tiếp tục là công cụ góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật tới nhân dân. Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn các phóng viên, nhà báo tiếp tục đồng hành trong nhiệm vụ tuyên truyền, truyền thông về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, năm 2018, Bộ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường; tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn từ thực tế. Bộ đã hoàn thành tổng kết Nghị quyết 09 – NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khoá X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 24 – NQ/TW về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; trên cơ sở kết quả tổng kết Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 …. Trong quý IV năm 2018, Bộ đã cán đích hoàn thành 100% nhiệm vụ, đề án, văn bản được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và hoàn thành chương trình xây dựng văn bản pháp luật 2018.
Bộ TN&MT đã cắt giảm, bãi bỏ, sửa đổi 102/163 điều kiện (chiếm 62,6% và vượt 12,6%) tập trung chủ yếu ở 6 lĩnh vực: đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thuỷ văn và đo đạc bản đồ. Bộ ước tính trung bình hàng năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 2.755 giờ công lao động và khoảng 37.095 triệu đồng/năm.
Bộ TN&MT cũng đã cắt giảm được 38/74 hàng hoá, sản phẩm theo diện phải kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường (đạt 51,3%). Đối với đề xuất sửa đổi, bãi bỏ thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật Bảo vệ môi trường (dự thảo đang lấy ý kiến các thành viên chính phủ), Bộ đã cắt giảm và đề xuất cắt giảm 14/15 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (đạt 93,3% và vượt 43,3%). Bộ ước tính hàng năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 50.989 giờ công lao động và khoảng 3.038 triệu đồng/năm.
Cũng theo báo cáo, 100% văn bản của Bộ được số hoá và cập nhật vào Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Bộ là cơ quan đầu tiên thuộc Chính phủ triển khai thực hiện liên thông thủ tục hành chính. Đối với các lĩnh vực cụ thể như quản lý đất đai, tài nguyên nước, môi trường, địa chất khoáng sản … Bộ TN&MT cũng đã rà soát, xây dựng, trình Chính phủ các dự thảo, nghị định sửa đổi đối với những lĩnh vực nóng bỏng nhằm đáp ứng kịp thời điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại cuộc họp báo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đã trả lời nhiều câu hỏi được báo chí và dư luận quan tâm như: đẩy mạnh giải quyết đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực đất đai; quá trình thanh tra nhập khẩu phế liệu; dự án nhận chìm hơn 15 triệu m3 vật chất xuống biển của tập đoàn Hòa Phát tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi); việc thanh tra công ty Urenco 6 xả thải gây ô nhiễm môi trường; công tác xử lý dầu rò rỉ tại khu lọc hóa dầu Nghi Sơn; về việc thành lập quỹ Biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long …
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc giúp cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt thêm nhiều vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, đồng thời truyền tải được những thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đề nghị Vụ Thi đua khen thưởng và Tuyên truyền thu thập, ghi nhận ý kiến, câu hỏi của các phóng viên báo, đài để gửi đến những đơn vị chức năng của Bộ TN&MT trả lời theo quy định. Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ tin tưởng rằng, sự hợp tác, chia sẻ phối hợp giữa các cơ quan thông tấn, báo chí với Bộ TN&MT sẽ tiếp tục được củng cố, khăng khít hơn nữa trong thời gian tới.