Các KCN khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại các công văn số 2628/TTg-KTN ngày 22 tháng 12 năm 2014, số 1815/TTg-KTN ngày 13 tháng 10 năm 2015, số 1189/TTg-CN ngày 15 tháng 8 năm 2017 và số 02/TTg-CN ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; quy mô diện tích, vị trí đề xuất bổ sung quy hoạch KCN Đồng Sóc; sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án phát triển hệ thống KCN trên địa bàn Tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch; đảm bảo không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.
Đồng thời, chỉ đạo cập nhật nhu cầu sử dụng đất của KCN Đồng Sóc vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để tổ chức thực hiện; chịu trách nhiệm đảm bảo việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong khu vực Dự án trong chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất được Chính phủ cho phép tại Nghị quyết số 49/NQ-CP; đảm bảo tuân thủ quy định tại Điều 58 Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan. Có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai năm 2013.
Chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn và yêu cầu nhà đầu tư hạ tầng các KCN Bá Thiện và Tam Dương II - khu A sớm xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tập trung thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển các KCN với các công trình nhà ở công nhân, các công trình xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong KCN; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của KCN.
Thực hiện lựa chọn và thu hút nhà đầu tư hạ tầng có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm để đầu tư KCN Đồng Sóc theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan có liên quan và nhà đầu tư cụ thể hóa phương án đền bù giải phóng mặt bằng, kết nối hạ tầng, phương án cung cấp nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng điện nước và các yếu tố cần thiết khác để đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội của các KCN trong quá trình lập dự án và lựa chọn nhà đầu tư.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, làm rõ nguyên nhân của việc chưa cập nhật đầy đủ diện tích quy hoạch phát triển các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào Nghị quyết số 49/NQ-CP; trên cơ sở đó báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện việc điều chỉnh các quyết định đã ban hành, đảm bảo tổng diện tích quy hoạch phát triển các KCN phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp phân bổ cho tỉnh Vĩnh Phúc.
Thực hiện kiểm tra việc quy hoạch và thành lập KCN; cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đảm bảo các khu công nghiệp đã thành lập trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN chậm triển khai; xem xét việc đưa ra khỏi quy hoạch hoặc điều chỉnh giảm diện tích KCN theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP đối với KCN nằm trong quy hoạch nhưng không có khả năng triển khai. Áp dụng quy định của pháp luật để thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng KCN không có khả năng thực hiện.