(TN&MT) - Chiều 10/8, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng đoàn đã khảo sát thực địa tại Bến Tre về tình hình xói lở bờ biển nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre Bùi Văn Lâm cho biết: Những năm qua, tình hình thiên tai trên địa bàn Bến Tre diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những mối lo lớn nhất của các cấp chính quyền địa phương và người dân. Bên cạnh đó, tác động của BĐKH, thiên tai đã và đang diễn ra hết sức nghiêm trọng với những yếu tố cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo. Một trong những loại hình thiên tai đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh trên địa bàn tỉnh đó là sạt lở bờ sông, bờ biển.
Do đặc điểm địa hình Bến Tre có hệ thống sông ngòi chằn chịt, bờ biển dài 65km kết hợp với tác động của BĐKH, nước biển dâng dẫn đến tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông ngày càng nghiêm trọng, mức độ nhanh hơn, gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ,… ảnh hưởng rất lờn đến đời sống dân sinh, nhất là đối với 03 huyện ven biển gồm Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.
Theo ông Bùi Văn Lâm, qua thống kê đến nay toàn tỉnh có 8 điểm sạt lở, trên tổng chiều dài 19km bờ biển. Sạt lở lấn sâu vào trong đất liền trung bình hàng năm khoảng 10 - 15m, làm mất trên 120ha đất và 54ha rừng phòng hộ ven biển. Đối với 8 điểm sạt lở bờ biển thì có đến 3 điểm cần xử lý cấp bách. Trong đó, bờ biển khu vực Cồn Ngoài, thuộc ấp Thạnh Hải, huyện Ba Tri có chiều dài sạt lở 4km gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng phục vụ bố trí sắp xếp dân cư vùng kinh tế mới Cồn Nhàn - Cồn Ngoài; Khu vực bãi bắn của Quân sự huyện Ba Tri và mất hàng cây phi lao ven biển.
Riêng bờ biển khu vực xã Thạnh Phong và xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, chiều dài sạt lở khoảng 10km, gây ảnh hưởng trực tiếp đến Khu di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển thuộc Cồn Bửng; mất dần dãy rừng phòng hộ ven biển thuộc 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải. Ngoài ra, có 5 điểm sạt lở tại khu vực xã Thừa Đức, huyên Bình Đại chiều dài sạt lở 5,3km có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của tuyến đê biển làm giảm khả năng phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: ĐBSCL đang hứng chịu một thách thức, tổn thương rất lớn trước BĐKH. Hiện nay Bộ NN&PTNT là một trong những đơn vị cùng với các tỉnh, thành và các Bộ khác tổ chức thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần phải tập trung tìm mọi giải pháp để ứng phó một cách chủ động, kịp thời với tình hình sạt lở rất nghiêm trọng của 6 tỉnh ven biển ĐBSCL. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định gói đầu tư 1.500 tỉ cho tất cả 29 điểm trọng điểm sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL, trong đó tỉnh Bến Tre được ưu tiên hỗ trợ khắc phục 3 điểm sạt lở nghiêm trọng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre cần có giải pháp ứng phó với sạt lở công trình và phi công trình, và cả áp dụng công nghệ hiện đại lẫn truyền thống. Đồng thời, cần huy động để nhà nước và nhân dân cùng làm. Công tác phòng chống sạt lở phải có tầm nhìn ngắn, trung và cả dài hạn để đạt hiệu quả cao.