(TN&MT) - Sau những nghỉ Tết nguyên đán cùng với gia đình ở quê nhà, từ ngày 20/2 (tức mùng 5 Tết), hàng trăm nghìn người dân bắt đầu trở lại TPHCM để chuẩn bị đi làm, đi học. Nếu ngày về quê họ vất vả, chen chúc với tàu xe như thế nào, thì ngày trở lại cũng gian nan không kém.
Nhọc nhằn ngày trở lại
Sau hơn 4 năm mưu sinh ở TPHCM, đây là lần đầu tiên chị Nguyễn Ngọc Tánh, nhân viên một tiệm uốn tóc tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức (TPHCM) mới về quê đón Tết cùng gia đình. Một phần vì không có tiền, hơn nữa nghĩ đến cảnh tàu xe đi lại khó khăn, giá cả đắt đỏ nên mỗi mùa Tết đến, chị Tánh lại giấu nỗi buồn và nỗi nhớ nhà để đón Tết tại TPHCM cùng những người bạn cùng cảnh ngộ.
Năm nay cũng thế, chị dự định tiếp tục đón Tết xa nhà, thế nhưng thấy bạn bè xung quanh bàn tán chuyện về quê, chị quyết định gom góp số tiền ít ỏi mua vé tàu về với gia đình. Vì mua vé khi đã cận ngày nên suốt hành trình từ TPHCM về huyện Hoài Nhơn (Bình Định), chị Tánh chỉ được ngồi chen chúc trên chiếc ghế súp cùng hàng chục người khác trên chuyến tàu lửa chật chội.
Sau những ngày vui vẻ bên gia đình, ngày 22/2 (tức mồng 7 Tết), chị Tánh trở lại TPHCM làm việc. Không may mắn như ngày về quê, ngày trở lại TPHCM, ngay cả ghế phụ chị cũng không mua được nên chuyển sang đi xe khách. Nhờ người bạn thân giúp đỡ, chị Tánh mua được vé của một hãng xe lớn chạy tuyến Bình Định – TPHCM, tuy nhiên vé này cũng là vé phụ nên chỗ của chị là trên sàn xe.
“Ngày Tết, vé xe đắt gấp đôi ngày thường nhưng ai cũng bấm bụng để mua. Mà mua được vé nhưng chưa chắc đã có được chỗ ngồi đàng hoàng. Như tôi mua vé xe giường nằm, đắt ngang với hành khách khác nhưng chỉ được ngồi dưới sàn, vừa mệt mỏi vừa chật chội. Như thế vẫn còn may vì có xe để về, chứ ở quê tôi, nhiều người khóc dở vì không mua được vé. Đi làm ăn xa khổ vậy đó, không về quê ăn Tết thì buồn và nhớ nhà, mà về thì tốn kém, vất vả quá”, chị Nguyễn Ngọc Tánh chia sẻ.
Không những chị Tánh mà hàng nghìn người ở các tỉnh, thành phố khác sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán dài ngày giờ bắt đầu ùn ùn trở lại TPHCM. Từ ngày 20/2, trên các tuyến quốc lộ từ miền Tây và miền Đông hướng về TPHCM, xe cộ lưu thông như mắc cửi. Lẫn trong các chuyến xe khách nối đuôi nhau là từng đoàn xe máy lỉnh kỉnh hành lý. Trên tuyến quốc lộ 14, hàng trăm xe gắn máy mang biển số các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk… lao vun vút về hướng TPHCM, trong đó có không ít em bé mệt mỏi cùng cha mẹ trong một hành trình dài.
Anh Phạm Khôi Nguyên, sinh sống tại phường 14, quận Gò Vấp, nhân viên một công ty phần mềm vi tính cho biết: “Vợ chồng tôi quê ở tỉnh Kon Tum, vào TPHCM lập nghiệp gần 7 năm rồi. Vì cha mẹ hai bên đều ở quê nên năm nào vợ chồng con cái tôi cũng về quê ăn Tết cùng ông bà. Quê tôi không có phương tiện tàu lửa và máy bay nên đường di chuyển chính là xe khách. Tuy nhiên, những ngày Tết mua vé rất khó. Mọi năm, trước Tết 2 tháng tôi đã đặt vé cho cả gia đình. Năm nay, tôi không mua được vé do đặt vé cận Tết quá. Vé không mua được, nhưng Tết thì phải về nên vợ chồng tôi quyết định đi xe máy. Người lớn thì không sao, chỉ tội 2 đứa con phờ phạc vì mệt”.
Nhiều cung đường ùn tắc
Ghi nhận của phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường online, tại Bến xe miền Đông, chiều 24/2, mặc dù đã là mùng 9 Tết nhưng lượng xe chở khách từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung trở về thành phố vẫn còn rất đông. Mỗi một chuyến xe khách đỗ bến, hàng chục con người mệt mỏi túa ra. Người dáo dác tìm người thân đến đón, người lỉnh kỉnh mang theo hành lý ra đón taxi, xe ôm… Xe vào, xe ra, người lên người xuống liên tục nên phía trong bến xe miền Đông luôn ồn ào, đông đúc.
Ở đoạn cổng trước Bến xe miền Đông, có một số thời điểm liên tục bị ùn ứ do một số xe chở khách từ các nơi trở về bến không vào bến trả khách mà dừng trả khách ngay trạm chờ xe buýt nằm trên đường Đinh Bộ Lĩnh. Thêm nữa, tại hai bãi đỗ xe tự phát nằm đối diện Bến xe miền Đông, có một số xe khách ra vô trả khách, kết hợp với taxi, xe ôm chạy vô đón khách khiến tình hình lưu thông tại khu vực này hơi lộn xộn.
Trong sáng 24/2, chỉ tính quãng thời gian một giờ đồng hồ - từ 5 giờ đến 6 giờ sáng, tại Bến xe miền Đông, có cả trăm xe khách từ các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận… vào bến bỏ khách. Lượng người đổ ra đường Đinh Bộ Lĩnh rất đông, khiến nơi đây ùn tắc cục bộ.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông cho hay, những ngày sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, mỗi ngày bến xe đón khoảng gần 1.400 xe, chở trên 40.000 lượt hành khách. Từ khoảng mùng 7 trở đi, lượng khách có giảm nhưng không đáng kể. Các xe chở khách sau khi vào bến, được bộ phận chức năng của bến xe giải quyết nhanh thủ tục ra vào bến để xe tiếp tục quay đầu trở lại các tỉnh, thành đón khách. Bến xe miền Đông cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà xe, với mong muốn mọi hành khách được trở lại TPHCM làm việc một cách nhanh chóng, an toàn.
Trong khi đó, tại khu vực cửa ngõ phía Tây TPHCM, chiều 24/2, các nẻo đường về thành phố vẫn còn hết sức đông đúc. Ngoài các chuyến xe khách, xe buýt xuôi ngược, nhiều người dân từ các tỉnh miền Tây chở theo vợ con, người thân trở về TPHCM bằng xe gắn máy với đủ thứ hành lý, nhiều đứa trẻ ngủ ngon lành trên tay mẹ trong cái nắng chói chang. Do lưu lượng xe lưu thông nhiều nên một số tuyến đường như khu vực vòng xoay Nguyễn Văn Linh – Quốc lộ 1 thuộc huyện Bình Chánh, đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân có xảy ra tình trạng ùn ứ nhưng không đáng kể.
Tại ga Sài Gòn, trong ngày 24/2, các đoàn tàu Bắc – Nam chở khách trở về ga khá nhộn nhịp. Do các đoàn tàu chạy theo khung giờ cố định và các đoàn tàu chở khách từ các tỉnh, thành về ga Sài Gòn rải đều trong ngày nên không gây cảnh quá tải cho nhà ga. Hành khách xuống tàu, nét mặt đầy hân hoan khi đi đến nơi, về đến chốn, kịp lịch làm việc của công ty, đơn vị. Theo tính toán của ga Sài Gòn, trong các ngày từ 19/2 đến ngày 2/3 (tức từ mùng 4 đến 15 tháng Giêng), bình quân mỗi ngày ga Sài Gòn đón khoảng 20 đến 22 đoàn tàu, với khoảng 14.000 đến 16.000 lượt hành khách.
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong các ngày cao điểm sau Tết, tránh tình trạng hành khách bị nhà xe nhồi nhét, bắt khách dọc đường cùng với tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khuyến cáo người dân phải chấp hành nghiêm tất cả những quy định về an toàn giao thông, nhất là quy định về tốc độ, nồng độ cồn. Đặc biệt là việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy.
Khi người dân tham gia giao thông bằng các phương tiện vận tải, công cộng, hành khách phải tìm hiểu thông tin, mua vé tại bến, không đón xe khách ngoài bến. Đặc biệt là hành khách không tiếp tay cho hành vi vi phạm của các đơn vị vận tải. Điều cần thiết là hành khách phải nắm bắt trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá vé, về vận tải cũng như số điện thoại đường dây nóng của các lực lượng chức năng, để kịp thời thông báo về những hành vi vi phạm và gây mất trật tự an toàn giao thông trong quá trình tham gia giao thông của nhà xe.