(TN&MT) - Ngày 26/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra công bố chính thức về quy chế kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015.
Sau 45 ngày lấy ý kiến rộng rãi của người dân, sau khi tiếp thu, nhiều quy định quan trọng đã được thay đổi so với dự thảo công bố ban đầu.
Trong đó, thời gian đăng ký dự thi của thí sinh sẽ thay đổi. Hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi trước ngày 15/4 hàng năm, thay vì hạn cuối đăng ký trước ngày 1/4 như trước đây. Bài thi cũng sẽ được chấm theo thang điểm 10 với điểm lẻ đến 0,25; không quy tròn điểm. Dự kiến quy định về thang điểm 20 ban đầu được bãi bỏ.
Kỳ thi THPT quốc gia 8 môn thi: Toán, ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Trong đó, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi. Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng, được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Các cụm thi liên tỉnh được tổ chức gồm ít nhất 2 tỉnh; cụm thi tỉnh cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đối với những vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Giáo dục sẽ thống nhất với UBND tỉnh để đặt địa điểm thi phù hợp, tạo thuận lợi nhất cho các thí sinh này. Các trường đại học được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi.
Ngoài ra, theo dự thảo thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục, thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học sẽ nộp phí dự thi 35.000 đồng mỗi môn. Thí sinh nộp phí dự tuyển vào các trường 30.000 đồng một hồ sơ.
PV