Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) cấp huyện thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, có kế hoạch bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ, thường trực tại địa phương để sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng.
Chỉ đạo UBND cấp xã có rừng, các cơ quan chức năng đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình sống gần rừng, trong và ven rừng thực hiện cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng với chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng; tăng cường công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu để phát hiện và ngăn chặn không cho người không có trách nhiệm ra vào rừng, nhất là các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Đồng thời, chỉ đạo xử lý nghiêm theo đúng pháp luật đối với các đối tượng cố ý gây cháy rừng, hủy hoại rừng; các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu của các chủ rừng, cơ quan, đơn vị mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả và khi có cháy rừng xảy rảy ra, không tổ chức chữa cháy kịp thời.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chủ rừng nhà nước tổ chức lực lượng thường trực (gồm lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách làm nồng cốt, có sự tham gia thường xuyên của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng và Kiểm lâm địa bàn) tại những khu vực trọng điểm cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không để những đối tượng vào rừng hoặc sử dụng lửa trong những khu rừng có nguy cơ cháy cao nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy gây thiệt hại tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tài sản, nhà cửa của nhân dân ở trong rừng và ven rừng. Bố trí thường trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, trực chỉ huy và báo cáo tình hình phòng cháy, chữa cháy trong thời kỳ có dự báo cấp cháy rừng cấp 03 trở lên theo quy định. Chủ động tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, truy quét phát hiện và ngăn chặn từ đầu các vụ vi phạm về phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra, chuyển hồ sơ kịp thời cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Tổ chức rà soát, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn (nhất là các huyện có điều kiện khí hậu khô hạn) để xây dựng kế hoạch triển khai công tác xử lý thực bì tạo băng trắng cản lửa phù hợp, hiệu quả.Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo sớm cháy rừng, cung cấp vị trí có nguy cơ xảy ra cháy rừng cho các đơn vị chủ rừng để chủ động kiểm tra và có biện pháp ứng phó kịp thời; báo cáo ngay khi phát sinh cháy rừng về Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng – Cục Kiểm lâm (số điện thoại 098.666.8333) để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết. Yêu cầu Kiểm lâm Cơ động – Phòng cháy chữa cháy tỉnh đảm bảo lực lượng, dụng cụ, phương tiện phòng cháy chữa cháy rừng sẵn sàng tăng cường lực lượng, phương tiện cho các đơn vị khác khi có lệnh điều động của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm để tập trung chữa cháy rừng kịp thời đạt hiệu quả cao nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương và chủ rừng tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và chống người thi hành công vụ.
Trước đó, ngày 7-8/4, tại khu vực rừng trồng thuộc Tiểu khu 296B, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam xảy ra một vụ cháy rừng khoảng trên diện tích 5 - 7 ha. Các đơn vị chức năng đã kịp thời xử lý, dập tắt đám cháy.