Bình Thuận: Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng

19/10/2017 00:00

(TN&MT) – UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản chỉ đạo các sở ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp tăng cường công tác bảo vệ rừng trên địa bàn.

Theo đó,  Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương và cơ quan chức năng liên quan tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Trung ương về công tác quản lý bảo vệ rừng; đặc biệt tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, theo chức năng nhiệm vụ được giao tập trung chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý đất lâm nghiệp để nhân dân biết và thực hiện; phát hiện, xử lý kịp thời các vụ vi phạm pháp luật về đất đai.

Thu hồi toàn bộ đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật để trồng lại rừng; chấm dứt tình trạng mua, bán và “hợp thức hóa” quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật.

Một  góc  rừng Tánh Linh - Bình Thuận
Một góc rừng Tánh Linh - Bình Thuận

Chỉ đạo kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại địa phương đã được phát hiện trong thời gian vừa qua; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tổ chức và các cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng vi phạm, đặc biệt là những cán bộ thiếu trách nhiệm, tiêu cực, bao che, tiếp tay các vi phạm trên.

Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội) phối hợp chính quyền cơ sở, hỗ trợ chủ rừng kiểm tra, truy quét để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm đất rừng, chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật; mua bán lâm sản, động vật hoang dã, kiên quyết xoá các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật.

Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chủ rừng đóng trên địa bàn tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép; đồng thời, tổ chức rà soát, thống kê báo cáo thực trạng diện tích rừng tự nhiên bị phá trong thời gian qua (từ năm 2016 đến nay), trong đó nêu rõ bao nhiêu vụ đã xử lý và việc phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng trong việc xử lý các vụ vi phạm đó như thế nào? Việc xác định và xử lý trách nhiệm để xảy ra tình trạng rừng tự nhiên bị phá trong thời gian vừa qua.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành và địa phương liên quan tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với 02 dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt đã triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh (của Công ty Lâm nghiệp Sông Dinh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sơn Trang);

Ngoài ra, nhằm đảm bảo duy trì và phát triển diện tích rừng tự nhiên hiện có, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chủ rừng ưu tiên áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi rừng. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra tình trạng phá rừng; chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật; cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để thì lãnh đạo địa phương, đơn vị đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định pháp luật.

Linh Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO