Bình Thuận: Kiến nghị Chính phủ giám sát đặc biệt các DA Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân

09/12/2016 00:00

(TN&MT) - Liên quan đến vấn đề môi trường tại các dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, mới đây UBND tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo nêu rõ quan điểm của tỉnh là...

 

(TN&MT) - Liên quan đến vấn đề môi trường tại các dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, mới đây UBND tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo nêu rõ quan điểm của tỉnh là “không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến người dân, đến khu bảo tồn biển”. Đồng thời, nêu rõ các giải pháp xử lý trong thời gian tới, trong đó đáng chú ý là tỉnh đã kiến nghị Chính phủ đưa các dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào chương trình giám sát đặc biệt để kịp thời phát hiện và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tránh gây ảnh hướng đến môi trường tại khu vực nêu trên.

                                                                                                         Linh Nga UNBD tỉnh Bình Thuận họp báo thông tin các giải pháp giải quyết hai vấn đề lớn về tài nguyên môi trường đang được dư luận quan tâm
UNBD tỉnh Bình Thuận họp báo thông tin các giải pháp giải quyết hai vấn đề lớn về tài nguyên môi trường đang được dư luận quan tâm

Hai vấn đề lớn được dư luận quan tâm

Ông Phạm Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Thời gian gần đây, theo báo chí phản ánh, cử tri và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận quan tâm nhiều đến vấn đề giải quyết 1,5 triệu m³ khối lượng nạo vét tại biển Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 và việc điều chỉnh phạm vi Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Do vậy, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có chỉ đạo UBND tỉnh cần có báo cáo thông báo rộng rãi vấn đề này đến công đồng dân cư, cử tri và nhân dân để tránh gây hoang mang cho người dân…

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo cụ thể về việc giải quyết 1,5 triệu m3 khối lượng nạo vét tại biển Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong; liên quan việc điều chỉnh phạm vi Khu bảo tồn biển Hòn Cau và công tác quản lý nhà nước về môi trường tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân hiện nay.

Theo đó, báo cáo nêu rõ trong dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có hạng mục Bến chuyên dùng được Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo thiết kế, để đảm bảo độ sâu nước (-12,7) m cho tàu 30.000 – 50.000 DWT cập cảng thì chủ đầu tư phải thi công nạo vét tại các khu vực mặt nước trước bến và vũng quay tàu. Hạng mục này cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo ĐTM. Trong đó nêu rõ: khối lượng nạo vét (không phải khối lượng bùn thải) của hạng mục này là 1.569.524 m3, khối lượng nạo vét duy tu hàng năm là 268.615 m3/năm, toàn bộ khối lượng nạo vét được đổ tại bãi đổ ngoài biển.

Theo nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt thì vị trí bãi đổ vật liệu nạo vét cách Hòn Cau khoảng 8 km, luồng tàu vào cảng cách Hòn Cau khoảng 4 km; trong giai đoạn hoạt động của cảng không tác động đến vành đai bảo vệ, là vùng nằm ngoài khu bảo tồn biển có chiều rộng 500 m tính từ mép ngoài của khu bảo tồn biển Hòn Cau. Tuy nhiên, việc đổ vật liệu nạo vét xuống biển sẽ có những tác động nhất định đến hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, hoạt động sản xuất tôm giống, nuôi trồng thủy sản của địa phương, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông thủy; đặc biệt hoạt động đổ vật liệu nạo vét của cảng Vĩnh Tân 1 sẽ gây tác động lớn đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ lý do việc đề nghị điều chỉnh phạm vi Khu bảo tổn biển Hòn Cau do diện tích đất bị chồng lấn khi thực hiện các dự án. Cụ thể, sau khi tiến hành rà soát quy hoạch mặt bằng Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Cảng tổng hợp Vĩnh Tân và Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Diện tích chồng lấn của Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân là 141,42 ha; diện tích chồng lấn của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân khoảng 300 ha; diện tích chồng lấn của tuyến luồng vào cảng là 150 ha; và phần diện tích khu vực lân cận để thiết lập vành đai bảo vệ là 468,58 ha.

Để đảm bảo thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác các dự án theo quy định, UBND tỉnh Bình Thuận đã có gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến thống nhất điều chỉnh phạm vi Khu bảo tồn biển Hòn Cau do các công trình Cảng tổng hợp Vĩnh Tân và Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân chồng lấn. Tổng diện tích đề nghị điều chỉnh giảm 1.060 ha, diện tích còn lại 11.440 ha (bao gồm 140 ha diện tích đảo Hòn Cau)...

Thi công nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4
Thi công nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4

Tuyệt đối không đánh đổi môi trường

Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Để hạn chế ô nhiễm tại khu vực Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa các dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vào chương trình giám sát đặt biệt. Được biết, hiện nay, Chính phủ đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan để đưa các dự án trên vào chương trình giám sát đặc biệt nhằm sớm phát hiện và kịp thời xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tránh gây ảnh hưởng đến môi trường tại khu vực, đặc biệt là Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Ngoài ra, để tiếp tục ổn định tình hình, hạn chế ô nhiễm môi trường tại khu vực Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Cảng tổng hợp Vĩnh Tân trong quá trình thi công, cũng như khi đưa các dự án vào hoạt động thì quan điểm của tỉnh là kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành đánh giá lại tác động, ảnh hướng tổng thể của việc nạo vét và đổ khối lượng nạo vét của các dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Đồng thời, mời các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành phản biện kỹ thuật. Nếu việc nhấn chìm gây tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái biển, đặc biệt là khu Bảo tồn Hòn Cau là ảnh hướng đến kinh tế - xã hội khu vực, hoạt động sản xuất tôm giống và đời sống nhân dân thì kiên quyết đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án khác cho phù hợp, bảo đảm sự phát triển bền vững, hài hòa của khu vực này trong quá trình xây dựng, vận hành khai thác Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân nói chung và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nói riêng.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng: Việc thành lập khu bảo tồn Hòn Cau, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Cảng tồng hợp Vĩnh Tân đều thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương. Quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án nêu trên, qua rà soát có sự chồng lấn diện tích lẫn nhau. UBND tỉnh Bình Thuận đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan căn cứ ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu báo cáo các bộ ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ.

“Tuyệt đối không có việc UBND tỉnh tự ý cắt xén diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho bất cứ doanh nghiệp nào. Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đến khu bảo tồn biển; bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế…” – ông Phạm Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh.

                                                                                                         Linh Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Kiến nghị Chính phủ giám sát đặc biệt các DA Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO