Bình Thuận: Khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp

31/05/2016 00:00

(TN&MT) – Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn thường xuyên xảy ra,  gây thiệt hại,  làm...

 

(TN&MT) – Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn thường xuyên xảy ra,  gây thiệt hại nhiều tỷ đồng, làm tăng nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và nhiều hệ lụy khác...

Nhiều điểm “nóng” khai thác trái phép

Mặc dù Sở TN- MT tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác trái phép trên địa bàn, nhưng đến nay tình trạng khai thác trái phép vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Tại xã Hàm Thắng (huyện Hàm Thuận Bắc), tình trạng khai thác đất, cát diễn ra tràn lan, gây sạt lở hai bên bờ sông Cái đoạn chảy qua thị trấn Phú Long và xã Hàm Thắng khiến nhiều hộ dân mất đất canh tác. Bên cạnh đó, đường vào khu sản xuất của người dân thôn Kim Ngọc, xã Hàm Thắng cũng bị những xe chở cát làm xuống cấp. Con đường chỉ chịu được xe có trọng tải từ 6 - 8 tấn, nhưng xe chở cát nặng hơn 10 tấn vẫn chạy vào. Không chỉ con đường mà cầu xóm Hộ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ những xe chở đất, cát trái phép này.

Còn tại huyện Tánh Linh, nạn khai thác đất sét trên địa bàn xã Gia An, đang rất “nóng”. Bởi theo người dân nơi đây, từ đầu năm 2016, một số chủ lò gạch đã mua lại ruộng lúa của dân ở cánh đồng Bồ (đây là khu vực thuộc Cụm công nghiệp huyện Tánh Linh) sau đó lựa thời cơ để khai thác đất sét. Mỗi ngày có hàng chục xe ben loại 15 tấn nối đuôi nhau chở đất sét về các lò gạch. Đến thời điểm này, cánh đồng Bồ, xã Gia An có nhiều diện tích bị đào khoét sâu. Ước tính số tài nguyên đất sét bị lấy đi trị giá hàng tỷ đồng.

Ông Trần Đình Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Gia An cho biết: Việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Gia An không chỉ năm nay mới xảy ra mà năm nào cũng có, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng của xã Gia An phát hiện 8 vụ việc liên quan đến việc khai thác khoáng sản trái phép, trong đó chỉ có 1 vụ khai thác đất sét trái phép và chỉ bị xử phạt 35 triệu đồng. 

Theo báo cáo của Sở TN- MT Bình Thuận, trong 02 năm gần đây (năm 2014 và 2015), đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh (do Sở TN-MT làm trưởng đoàn) đã xử lý 24 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép với số tiền phạt hàng chục tỷ đồng.

Khai thác cát trái phép ở huyện Hàm Thuận Bắc
Khai thác cát trái phép ở huyện Hàm Thuận Bắc

Nên đơn giản thủ tục cho loại khoáng sản thông thường

Ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN –MT tỉnh Bình Thuận cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 61 giấy phép khai thác còn hiệu lực (Bộ Công nghiệp (cũ) và Bộ TN&MT cấp 18 giấy phép, UBND tỉnh cấp 43 giấy phép). Trong 61 giấy phép có 42 giấy phép đang thực hiện khai thác, 04 giấy phép đang tạm dừng khai thác, 15 giấy phép đang hoàn tất thủ tục để khai thác.

Theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, việc cấp phép khai thác khoáng sản đều phải thông qua công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản; các quy định về giải quyết việc tận dụng khoáng sản tại các khu vực công trình, dự án, từ việc hạ thấp mặt bằng, cải tạo đất... chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng. Cho nên, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh chỉ cấp mới 05 giấy phép khai thác cát xây dựng, cát san lấp nền, gia hạn 04 giấy phép khai thác cát xây dựng trên sông và cho phép tận dụng khoáng sản làm vật liệu san lấp, đất sét cho 15 tổ chức, cá nhân. Do chưa đáp ứng đủ nhu cầu, từ đó phát sinh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, tận dụng khoáng sản khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép ở một số nơi trên địa bàn tỉnh.

Bình Thuận sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý  hoạt động khai thác khoáng sản trái phép
Bình Thuận sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép

Bên cạnh đó, hiện nay, trách nhiệm trong việc giám sát, phát hiện, xử lý hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép là của chính quyền các địa phương. Bởi theo khoản 5 Điều 11 và khoản 4 Điều 12 Quyết định số 41/2015/QĐ-UBND ngày 08/9/2015 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc Quy định quản lý hoạt động khoáng sản thì trường hợp để xảy ra tình trạng thăm dò, khai thác, khai thác tận thu khoáng sản, tận dụng khoáng sản không có giấy phép hoặc văn bản cho phép của cấp thẩm quyền, đem khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp tặng, cho hoặc  bán cho tổ chức, cá nhân khác mà UBND cấp xã không phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo kịp thời cho UBND cấp huyện để đến khi các cơ quan chức năng kiểm tra mới phát hiện thì UBND cấp huyện sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp xã nơi đó; trường hợp UBND cấp xã phát hiện nhưng vượt thẩm quyền xử lý, đã có báo cáo cho UBND cấp huyện nhưng UBND cấp huyện chậm xử lý thì UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp huyện.

Tuy nhiên, cũng không phủ nhận việc quản lý ở một số địa phương về tài nguyên khoáng sản hiện nay vẫn chưa tốt nên dẫn đến tình trạng khai thác trái phép ngày càng nhiều, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Nhưng nguyên nhân dẫn đến khó khăn nhất là do lợi nhuận lớn nên các đối tượng cố tình vi phạm; có nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng (khai thác vào ban đêm, tổ chức cảnh giới, lợi dụng giấy phép nạo vét lòng sông, ...); việc kiểm tra bắt giữ tàu khai thác trái phép khoáng sản ở trên sông, cửa biển tiềm ẩn nhiều phức tạp, đối tượng manh động chống đối bằng nhiều cách...

Để ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, thời gian tới, Sở TN-MT Bình Thuận sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh kịp thời hơn nữa các vấn đề liên quan đến khai thác khoáng sản trái phép.

Theo đó, sẽ đề xuất với Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong quản lý hoạt động khoáng sản mà UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị thời gian qua như: chỉnh sửa thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản đối với loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng đơn giản thủ tục, không như thủ tục cấp phép các loại khoáng sản quý, hiếm hoặc có giá trị cao như vàng, titan, cát trắng thạch anh...

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về khoáng sản theo quy định, tham mưu giải quyết kịp thời các điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ít nhất 02 cuộc thanh tra và 20 cuộc kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

                                                                                                                                                                                                               Bài & ảnh: Linh Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO