Bình Thuận: Cần tập trung khai thác thế mạnh nguồn tài nguyên

20/04/2017 00:00

(TN&MT) - Tại Hội nghị xúc tiến  đầu tư năm 2017 của tỉnh Bình Thuận ngày 19/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh này cần tập trung khai thác thế mạnh nguồn tài nguyên biển, khoáng sản, du lịch trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, Bình Thuận là mảnh đất thiên thời, địa lợi, nhân hòa với nhiều tiềm năng về tài nguyên biển, khoáng sản... Có thể thấy rõ nhất là Bình Thuận đang là một trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam; là trung tâm du lịch quốc tế và là trung tâm chế biến sâu về titan mà ít có nơi khác có được…Do vậy, thời gian tới tỉnh Bình Thuận cần tập trung khai thác thế mạnh vốn có. Theo đó, tỉnh cần phát triển đầu tư nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển giao thông đường bộ, sân bay…để thu hút các dự án đầu tư với quy mô lớn.

Giàu tiềm năng về tài nguyên

Được thiên nhiên ban tặng nhiều nắng, gió với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, Bình Thuận có những tiền đề hết sức thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời và năng lượng gió), phát triển du lịch xanh - nhất là du lịch thể thao biển và chế biến khoáng sản. Vùng đất này còn có lợi thế để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, nhất là diện tích 27.000 ha cây thanh long, sản lượng hàng năm trên 600.000 tấn và nằm trong tốp đầu những địa phương có tiềm năng lớn nhất phát triển cây thanh long của cả nước. Với 192 km bờ biển, hải sản khai thác hàng năm trên 200.000 tấn, Bình Thuận là một trong 4 ngư trường lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, Bình Thuận còn sở hữu trữ lượng quặng Titan lên đến gần 600 triệu tấn (chiếm trên 92% trữ lượng cả nước).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư vào tỉnh Bình Thuận
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư vào tỉnh Bình Thuận

Bên cạnh đó, Bình Thuận còn là Trung tâm năng lượng quốc gia với công suất theo quy hoạch trên 12.000 MW. Trong đó, phát triển điện gió đang là thế mạnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cũng như hiện thực hóa chiến lược phát triển xanh của đất nước.

Ngoài ra, nói đến Bình Thuận không thể không nhắc đến thương hiệu   “thủ đô resort Mũi Né - Hòn Rơm” và nhiều địa danh nổi tiếng khác hàng năm tiếp đón trên 4,5 triệu khách du lịch (trong đó khoảng 10% là khách quốc tế).  

Với lợi thế về địa lý, tiềm năng và sự phát triển kinh tế nêu trên, đến nay, 1.281 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư tại Bình Thuận với tổng vốn đầu tư trên 230.000 tỷ đồng; trong đó có 113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,69 tỷ USD thuộc 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.    

Ưu tiên các dự án gắn liền với môi trường xanh

 Mặc dù có lợi thế về nhiều tiềm năng, song đến nay Bình Thuận vẫn chưa khai thác, phát huy và sử dụng hiệu quả. Do vậy, Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh Bình Thuận cần có tư duy đổi mới, cách làm mới. Trong đó, tỉnh và các nhà đầu tư cần nâng cao chất lượng quy hoạch, coi đây là điều kiện thiết yếu của phát triển bền vững. Cụ thể,  quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch các loại sản phẩm thế mạnh không được mâu thuẫn, không phá hoại và không triệt tiêu nhau; trong đó cần tăng cường và phối hợp với vùng kinh tế phía Nam và các tỉnh lân cận.  “Bình Thuận không phải là nơi diễn ra buôn bán bất động sản, chiếm bờ biển, chiếm đất đai”, Thủ tướng cho rằng cần minh bạch vấn đề này.

Phát triển điện gió góp phần tạo môi trường xanh ở Bình Thuận
Phát triển điện gió góp phần tạo môi trường xanh ở Bình Thuận

Thủ tướng còn khẳng định rằng,  mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ sẽ sớm triển khai một số dự án hạ tầng lớn tại Bình Thuận như đường cao tốc, đường ven biển, sân bay lưỡng dụng Phan Thiết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đầu tư vào tỉnh. Do đó, tỉnh Bình Thuận cần có cơ chế phù hợp, chính sách cụ thể thu hút, tôn vinh tất cả các nhà đầu tư đến với địa phương. Tuy nhiên, tỉnh cần tập trung lựa chọn những nhà đầu tư có tiềm lực, có khả năng để song hành lâu dài với tỉnh nhà trên mọi lĩnh vực. 

 Đồng thời, nên ưu tiên thu hút đầu tư với những dự án thuộc các lĩnh vực thế mạnh như năng lượng sạch bao gồm cả năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Tập trung vào du lịch - động lực phát triển của tỉnh, nhất là những mô hình khu du lịch liên hợp gắn liền với hoạt động vui chơi giải trí biển, khắc phục tình trạng manh mún, thiếu đồng bộ. “Bảo vệ môi trường luôn xanh, sạch để phát triển lâu dài ở Bình Thuận là rất quan trọng. Không vì quyền lợi kinh tế trước mắt mà chúng ta quên việc đảm bảo môi trường trong lành cho du khách, cho doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Linh Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Cần tập trung khai thác thế mạnh nguồn tài nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO