Bình Phước: Làng quê căng thẳng vì dịch bệnh

17/07/2016 00:00

(TN&MT) - Chỉ vẻn vẹn trong 20 ngày (24/6 đến 14/7/2016), dịch bạch hầu "lướt" qua huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), đã khiến 3 người tử vong và hàng chục...

  

(TN&MT) - Chỉ vẻn vẹn trong 20 ngày (24/6 đến 14/7/2016), dịch bạch hầu “lướt” qua huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), đã khiến 3 người tử vong và hàng chục người nhập viện. Các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước đã vào cuộc kịp thời, chủ động ngăn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Ngành y tế tổ chức tiêm phòng dịch bạch hầu tại huyện Đồng Phú
Ngành y tế tổ chức tiêm phòng dịch bạch hầu tại huyện Đồng Phú

Ba người tử vong vì dịch

Tại 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú (huyện Đồng Phú), trong những ngày vừa qua, dịch bạch hầu bùng phát đã “cướp” đi sinh mạng của 3 người xấu số. Ngày 17/7, chúng tôi gặp bà Thị Huệ (dân tộc Stiêng, trú tại tổ 5, ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú), mẹ của anh Điểu Trít, người vừa qua đời vì bệnh bạch hầu, bà buồn rầu nói với chúng tôi: “Thằng Điểu Trít ngày thường siêng năng lắm. Hôm đi cạo mủ cao su về, nó đứng trước sân than với mình là tức ngực, rát cổ. Hôm sau nó lên Trạm y tế xã Thuận Lợi xin thuốc uống mấy ngày nhưng không khỏi. Gia đình đưa nó qua mấy bệnh viện để chữa trị, nhưng rồi nó đã không qua khỏi. Mình mất đứa con trai rồi, bây giờ buồn quá”.

Theo hồ sơ bệnh án, vào sáng ngày 27/6, bệnh nhân Điểu Trít than đau họng, ho nhiều, sốt nhẹ và được gia đình đưa đến Trạm y tế xã Thuận Lợi. Qua thăm khám, bệnh nhân được xác định mắc phải căn bệnh viêm Amidan và tiếp tục được trạm y tế cho uống thuốc trong 2 ngày sau đó nhưng không thấy thuyên giảm. Đến 24 giờ khuya 29/6, bệnh nhân thấy mệt mỏi, khó thở, đau ngực, tay chân lạnh và được đưa đến Bệnh viện Thánh Tâm khám, chữa. Tại đây, bệnh nhân vẫn không thuyên giảm mà có dấu hiệu bệnh nặng hơn. Đến chiều 30/6, bệnh nhân được chuyển đến Khoa cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước với triệu chứng mệt, khó thở, sốt, đau bụng, đau ngực. Dù đã được các y, bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng bệnh nhân đã tử vong trong vòng 6 giờ sau khi nhập viện, với chẩn đoán sốc tim.

Trước đó, vào ngày 24/6, em Thị Lai (12 tuổi, dân tộc Stiêng), học sinh Trường THCS Thuận Lợi cũng phát bệnh rất nhanh. Hôm đó, Thị Lai đi học về thấy đau họng, sốt nhẹ, đau đầu, ho nhiều. Sau đó, cha mẹ em mua thuốc tại phòng khám tư cho Lai uống 2 ngày nhưng không bớt. Theo lời người nhà, sau khi Lai phát bệnh được 4 ngày, thấy bệnh tình con gái ngày càng nặng hơn, mẹ Lai đã đưa con lên chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, rồi sau đó là chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng I (TPHCM). Song, bé Lai đã tử vong tại đây sau 2 ngày cấp cứu. V

à người xấu số thứ 3 do dịch bạch hầu gây ra cũng ở huyện Đồng Phú, đó là anh Nguyễn Trường Hậu (24 tuổi, ở ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú), tử vong vào ngày 8/7.

Bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước
Bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước

Quyết liệt dập dịch

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường online, trong hai ngày 16 và 17/7, tại các xã Thuận Lợi, Thuận Phú, cuộc sống của người dân địa phương có thay đổi chút ít. Trong ngày, người đi đường có vẻ ít đi, vì sợ tiếp xúc với người bị bệnh bạch hầu. Ông Lê Văn Sanh, người dân sống lâu năm ở xã Thuận Phú thổ lộ: "Biết nhà trong xóm vừa có đám tang, nhưng sự thật là chúng tôi không dám đến viếng, lỡ xui xẻo lây bệnh thì nguy”. 

Về tình hình dịch bệnh tại địa phương, ông Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết, trong 3 tuần qua, tại xã Thuận Lợi và Thuận Phú đã ghi nhận 47 ca nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Trong đó, có 3 ca tử vong, 6 ca đã xuất viện, 38 ca đang điều trị tại bệnh viện các tuyến và tại Trạm y tế xã Thuận Lợi. Hiện có 4 ca dương tính với bệnh bạch hầu. Hiện tại số người mắc có thể vẫn còn. Ngành y tế địa phương đã khẩn trương vào cuộc; hiện tại cơ bản đã khoanh ổ dịch, khu trú chỉ tại huyện Đồng Phú.

Về phía Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo khẩn Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế xuất 10.000 liều vaccine Td (vaccine uốn ván - bạch hầu) phòng chống dịch bạch hầu cho tỉnh Bình Phước. Số vaccine này được dành cho nhóm đối tượng từ 6 – 16 tuổi tại 2 xã Thuận Lợi, Thuận Phú (huyện Đồng Phú). Nhóm từ 2 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi vẫn được tiêu phòng vaccine miễn phí Quinvaxim và nhóm trẻ 18 – 48 tháng tiếp tục được tiêm phòng vaccine miễn phí DPT (bạch hầu – ho gà - uốn ván) thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng theo lịch tiêm chủng thường xuyên. Như vậy, mọi đối tượng tại 2 xã Thuận Lợi, Thuận Phú (từ 6 – 16 tuổi) sẽ được tiêm phòng vaccine Td trong đợt này để đảm bảo hệ thống miễn dịch mạnh mẽ cho cả cộng đồng.

Trong lúc UBND tỉnh Bình Phước vừa công bố dịch bệnh bạch hầu xuất hiện quy mô cấp huyện, một vấn đề hết sức quan trọng là căn bệnh này phải được các cấp chính quyền và ngành y tế Bình Phước giám sát chặt chẽ, đặc biệt là việc người dân trong vùng dịch uống thuốc dự phòng, tiêm vaccine, cách ly. Bên cạnh ngành y tế, thiết nghĩ vai trò của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh từ tuyến xã, huyện phải vào cuộc tích cực bằng cách vận động các đối tượng đi tiêm chủng, cùng cán bộ y tế kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm vaccine tại địa phương.

 

Tỉnh ủy Bình Phước đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh có liên quan khẩn trương, chủ động thực hiện các biện pháp giám sát, phòng chống, khống chế ổ bệnh bạch hầu trên địa bàn 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú. Đặc biệt, Sở Y tế chủ động dự phòng đủ cơ số trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất cần thiết để phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, phối hợp tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh cho người dân.

 

                                                                              

        Bài & ảnh: Thục Vy

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Phước: Làng quê căng thẳng vì dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO