Bình Dương: Tích cực thực hiện các giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường

05/10/2017 00:00

(TN&MT) - Sau 01 năm tích cực thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; Bình Dương đã thực hiện cơ bản đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Bình Dương đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường
Bình Dương đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường

Chủ động phòng ngừa

Chủ trương của tỉnh Bình Dương là tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng đặc biệt là hạ tầng thu gom và xử lý chất thải; hạn chế hoặc không thu hút các dự án đầu tư vào các khu vực đô thị đông dân cư hoặc thuộc các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong những năm qua cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, các dự án được thu hút đã góp phần thúc đẩy nhiều ngành nghề cùng phát triển, hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần đưa Bình Dương thành một địa phương có nền công nghiệp và dịch vụ phát triển.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, dẫn đến nhiều ngành nghề thu hút có tính chất, mức độ, lưu lượng, tải lượng phát thải cao hoặc không sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường hoặc trong quá trình hoạt động thường xuyên bị phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, kết quả quan trắc, giám sát diễn biến chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho thấy có một số vùng, khu vực, lưu vực sông suối đang có nguy cơ suy giảm chất lượng, có dấu hiệu bị ô nhiễm, thường xuyên bị người dân phản ánh trở thành các điểm nóng về môi trường.

Vì vậy, Bình Dương đã xác lập danh mục các ngành nghề, các vùng, địa điểm có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường để tập trung kiểm soát, giám sát nhằm chủ động phòng ngừa ô nhiễm, hạn chế tối đa các tổn thất, thiệt hại cho môi trường và con người. Các danh mục này cũng vừa mới được UBND tỉnh Bình Dương ban hành vào cuối tháng 9/2017.

Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg, Bình Dương cũng đã rà soát lại việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường của các dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Kết quả rà soát cho thấy trên địa bàn tỉnh có 600 dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc đối tượng phải thực hiện yêu cầu xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường trước khi đi vào vận hành chính thức và hiện có 160 dự án chưa thực hiện yêu cầu này.

Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương đã có các văn bản nhắc nhở và yêu cầu các chủ dự án phải nhanh chóng nộp hồ sơ để Sở kiểm tra, xác nhận theo quy định. Đến nay, 27/160 dự án đã khắc phục, nộp hồ sơ và được Sở TN&MT kiểm tra cấp giấy xác nhận. Trong thời gian tới, sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các dự án cố tình không thực hiện lập hồ sơ theo yêu cầu.

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Sau 01 năm tích cực thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngoài việc thực hiện cơ bản đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị; Bình Dương cũng đã ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch, dự án, đề tài về bảo vệ môi trường để xây dựng Bình Dương thành nơi có môi trường sống tốt, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.

Bình Dương cũng chú trọng phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
Bình Dương cũng chú trọng phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Kiểm soát chặt chẽ

Trong những năm qua, Bình Dương đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Bình Dương đã triển khai xây dựng Đề án nâng cao năng lực giám sát và phát hiện các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đề án thành phố thông minh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh - kiểm tra, nhất là các doanh nghiệp có lưu lượng từ 200 m3/ngày trở lên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong 6 tháng đầu năm 2017, đã thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường được 453 doanh nghiệp, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 202 doanh nghiệp với số tiền gần 10 tỷ đồng.

Mặt khác, triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động cho các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 500 m3/ngày trở lên. Đến nay, đã có 62/93 nguồn thải đã lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động, kiểm soát được 78% tổng lưu lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bình Dương còn hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải đô thị Thuận An với công suất xử lý 17.000 m3/ngày; đang triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải cho đô thị Dĩ An. Hiện nay, 27 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường.

Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003, Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị và xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Bình Dương không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tuy nhiên, thông qua công tác thanh - kiểm tra hàng năm, Bình Dương đều phân loại và ban hành sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để tập trung xử lý. Đến nay, 268/269 cơ sở đã hoàn thành việc khắc phục, chỉ còn 01 cơ sở chưa hoàn thành việc khắc phục ô nhiễm, tuy nhiên cơ sở này cũng đã cải tạo nâng cấp công trình xử lý nước thải và đang vận hành thử nghiệm.

Đối với việc kiểm soát ô nhiễm chất thải rắn, Bình Dương đã ban hành Quy hoạch tổng thể quản lý xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030; Đề án kiện toàn mô hình hệ thống quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Bình Dương cũng đã ban hành Kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để phân loại các chất thải rắn, hạn chế các chất thải ra môi trường và thu gom các chất thải còn giá trị để tái chế.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương và UBND thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, Dĩ An và Bến Cát đang thực hiện triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn tại một số khu vực đông dân cư trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương nhận định: Với những kết quả đạt được như trên cho thấy Bình Dương đã chủ động hơn trong việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; kiểm soát được các hoạt động xả thải vào nguồn nước; cải thiện được chất lượng môi trường; đầu tư đồng bộ, hiệu quả các dự án về môi trường…, từ đó giải quyết kịp thời các bức xúc về môi trường tại địa phương.

Giải pháp trọng tâm

Để thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm: Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 30/CT-UBND ngày 28/12/2016 của UBND tỉnh Bình Dương về việc đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg đến các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực giám sát và phát hiện các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh - kiểm tra, nhất là các doanh nghiệp có lưu lượng từ 200 m3/ngày trở lên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; tiếp tục điều tra, thống kê các nguồn thải và cập nhật, nâng cấp cơ sở dữ liệu các nguồn thải thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng và triển khai Chương trình thực hiện Đề án thành phố thông minh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định của UBND tỉnh Bình Dương về việc ban hành Danh mục các dự án đầu tư, các vùng, các địa điểm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường và Quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp mới trên địa bàn tỉnh.

Tập trung hoàn thành Kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2018 và tổ chức nhân rộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện Đề án xử lý chất thải y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được phê; hoàn thành báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Bình Dương - chuyên đề về chất thải rắn...

Để công tác bảo vệ môi trường ở địa phương đạt hiệu quả cao hơn, Sở TN&MT Bình Dương kiến nghị Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đảm bảo tính thống nhất, rõ ràng, không bị chồng chéo, phân cấp mạnh các nhiệm vụ về cho các địa phương thực hiện.

Song song đó, sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải đảm bảo tính thống nhất để các địa phương cập nhật thông tin các nguồn thải có hoạt động sản xuất đóng trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, không bị lãng phí vì hiện nay một số địa phương đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu của địa phương và có thể không đồng bộ dữ liệu về hệ thống cơ sở dữ liệu chung của quốc gia.

Ngoài ra, đề xuất cơ quan có thẩm quyền tăng cường biên chế cho các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở địa phương, mục đích là để tăng cường đội ngũ giám sát việc triển khai thực hiện các dự án tại từng công đoạn nhất là công đoạn xây dựng, vận hành thử nghiệm; ban hành và cụ thể hóa các chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư vào khu - cụm công nghiệp, nhất là đối với đầu tư vào cụm công nghiệp. 

Sở TN&MT Bình Dương cũng kiến nghị Bộ TN&MT xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm như miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi, hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn, thực hiện quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14000, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý ô nhiễm...

Tường Tú

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Tích cực thực hiện các giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO