Bình Dương: Sơ kết chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn

16/08/2019 16:46

(TN&MT) - Ngày 16/8, Sở TN&MT Bình Dương đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm triển khai chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2017 - 2018, đồng thời thông qua dự thảo Kế hoạch triển khai phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

duong4
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Thanh Quang - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Bình Dương cho biết: Qua 02 năm thực hiện chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2017 - 2018 cho thấy, việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một nhiệm vụ mới được triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nội dung này cũng chưa có văn bản hướng dẫn từ Trung ương nên quá trình triển khai thí điểm gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng của Sở TN&MT Bình Dương, Phòng TN&MT TP Thủ Dầu Một và các TX: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát nên công tác triển khai thí điểm thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã đạt một số kết quả nhất định.

duong3
Ông Trần Thanh Quang - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường báo cáo tại Hội nghị

Trong đó, Bình Dương đã xây dựng được mô hình và cách làm hay của một số địa phương như TX Dĩ An. Theo thống kê lượng rác thải sinh hoạt sau phân loại trên địa bàn TX Dĩ An từ ngày 12/10/2018 đến ngày 28/02/2019 cho thấy, khối lượng chất thải hữu cơ trên 323 tấn tương ứng với 32 chuyến xe, chất thải còn lại trên 130 tấn tương ứng với 15 chuyến xe đã được thu gom và vận chuyển về Khu xử lý chất thải tập trung Nam Bình Dương để xử lý, tái chế. Bên cạnh đó, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý ngày càng tăng. Một số đơn vị đã thực hiện tương đối tốt việc phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt, nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm trong thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ngày càng được nâng cao.

Ông Nguyễn Hồng Nguyên - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương nhận định: Việc thực hiện chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2017 - 2018 trên địa bàn tỉnh Bình Dương chưa đạt được kết quả cao như mong muốn bởi các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện thí điểm cho thấy, địa phương nào nếu có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và từ quá trình thực tiễn nếu có giải pháp thực hiện phù hợp sẽ mang lại hiệu quả nhất định như: TX Dĩ An, TP Thủ Dầu Một. Dựa trên kết quả đó, có thể lựa chọn địa các địa bàn này làm mô hình điểm và trên điều kiện thực tế mỗi địa phương sẽ tham khảo, lựa chọn phương thức thực hiện hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.

duong2
Ông Nguyễn Hồng Nguyên - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương phát biểu tại Hội nghị

Đại diện các Sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tham dự Hội nghị đã đồng ý với Báo cáo Sơ kết 2 năm triển khai kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2018 của Sở TN&MT. Đồng thời, đề xuất các giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong giai đoạn tiếp theo. Các đại biểu cũng đã có ý kiến đóng góp để Sở TN&MT trình UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch triển khai phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” và tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dựng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Sở TN&MT Bình Dương, Phòng TN&MT TP Thủ Dầu Một và các TX: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát trong việc triển khai thực hiện chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2018. Đồng thời, đề nghị Sở TN&MT Bình Dương và các cơ quan, đơn vị liên quan cần đổi mới, sáng tạo, bám sát các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh Bình Dương để có tham mưu, đề xuất những giải pháp thiết thực hơn, cụ thể hơn nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra, nhất là tăng tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại tại nguồn và giảm tối đa tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Sơ kết chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO