Bình Dương: Quy hoạch sử dụng đất đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

04/05/2018 14:24

(TN&MT) - Bình Dương là một trong các địa phương thực hiện sớm nhất hồ sơ trình điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020). Qua đó, định hướng cho kế hoạch sử dụng đất, làm căn cứ cho việc giao đất, cho thuê đất...; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất thay đổi theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

BD1A
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Dương phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà

Kết quả thực hiện đến năm 2015

Sau khi quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011 - 2015) tỉnh Bình Dương được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 19/6/2014, UBND tỉnh Bình Dương đã thực hiện công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định tại Điều 28 Luật Đất đai năm 2003; Điều 27 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ.

Cùng với đó, ngay sau khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho cấp huyện tạo sự thống nhất từ trên xuống dưới trong quy hoạch sử dụng đất các cấp, tạo điều kiện thuận lợi để quản lý, sử dụng đất đất đai; làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ ngày 01/7/2014 (Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực), UBND tỉnh Bình Dương đã trình HĐND tỉnh Bình Dương thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất và các công trình, dự án cần chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch; kiểm tra, giám sát việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất để triển khai các công trình, dự án…

Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của tỉnh Bình Dương đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 78/NQ-CP. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đến ngày 31/12/2015, theo kế hoạch được duyệt đến năm 2015, diện tích đất nông nghiệp là 182.921ha, kết quả thực hiện đến năm 2015 là 207.613ha, cao hơn 17.692ha so với kế hoạch được duyệt, đạt 109,3%.

Cũng theo kế hoạch được duyệt đến năm 2015, đất phi nông nghiệp có diện tích 79.522ha, thực hiện đến năm 2015 là 61.851ha, thấp hơn 17.671ha so với kế hoạch được duyệt, đạt 77,8% chỉ tiêu kế hoạch. Đối với đất đô thị, kế hoạch được duyệt đến năm 2015 là 73.980ha, thực hiện đến năm 2015 là 51.477ha, đạt 69,6%. Riêng đối với đất du lịch, chỉ tiêu được duyệt đến năm 2015 là 3.157ha, thực hiện đến năm 2015 là 3.157ha, đạt 100%.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương nhận định: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của tỉnh Bình Dương đã tạo khung pháp lý và là công cụ cho quản lý Nhà nước về đất đai, hướng việc sử dụng tài nguyên đất đi vào nề nếp, hiệu quả cao và bền vững. Trên cơ sở đó, đã thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ…, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu cũng đã tạo cơ sở pháp lý xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; giảm thiểu được tình trạng thu hồi đất không theo kế hoạch, từ đó làm giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện trong sử dụng đất, giúp ổn định tình hình an ninh, chính trị ở địa phương.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn là cơ sở để kiểm tra, giám sát thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất; quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; góp phần quan trọng trong bảo vệ diện tích đất trồng lúa, diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Đặc biệt, những thay đổi của Luật Đất đai năm 2013 về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã giúp địa phương hạn chế được tình trạng quy hoạch treo, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Nội dung quy hoạch sử dụng đất thực hiện phân bổ chỉ tiêu các loại đất theo từng cấp quy hoạch để vừa đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học, vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý của từng cấp.

BD2A
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Dương cũng đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất thay đổi theo quy định của Luật Đất đai năm 2013

Xây dựng 04 nhóm giải pháp chính

Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011 - 2015) tỉnh Bình Dương đã được Chính phủ phê duyệt, Bình Dương cũng đã sớm hoàn thành hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Bình Dương, hiện đang chờ Chính phủ phê duyệt. Bình Dương còn tổ chức thẩm định hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của cấp huyện, thị xã…

Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh Bình Dương, Bình Dương đã xây dựng 04 nhóm giải pháp chính: về cơ chế, chính sách; về nguồn lực và khoa học công nghệ; về quản lý, giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về bảo vệ, cải tạo đất đai và bảo vệ môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo đó, đối với nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, Bình Dương triển khai xây dựng và hoàn thiện cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, cơ chế huy động vốn để các tổ chức phát triển quỹ đất hoạt động có hiệu quả, đảm bảo đủ quỹ đất sạch phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục hoàn thiện cơ chế quy định công khai các dự án đầu tư để cộng đồng và mọi người dân cùng kiểm tra giám sát.

Đồng thời, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông từ nguồn ngân sách Nhà nước; vận dụng các chính sách của Nhà nước như Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao để huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế vào thực hiện dự án mang tính đột phá.

Đối với nhóm giải pháp về nguồn lực và khoa học công nghệ, Bình Dương tập trung triển khai xây dựng giải pháp và lộ trình nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và quy hoạch sử dụng đất các cấp, để có đủ khả năng thực hiện việc lập, giám sát, thanh kiểm tra và xử lý những vi phạm trong lĩnh vực quản lý quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Song song đó, bố trí đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai cho các cấp, nhất là nhân lực thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Riêng với cán bộ Tài nguyên và Môi trường cấp xã, sẽ có chính sách ổn định để tăng tính chuyên nghiệp, hạn chế tình trạng biến động lớn như hiện nay; hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin về đất đai.

Đối với nhóm giải pháp về quản lý, giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Bình Dương xây dựng và ban hành các chế tài xử lý các vi phạm trong việc quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt; sử dụng hiệu quả đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác thông qua việc công khai, minh bạch quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất; đảm bảo các quyền cơ bản theo luật định của các nhà đầu tư đối với đất đai.

Và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên gắn với xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường; quản lý chặt chẽ quỹ đất trồng lúa, quỹ đất dự trữ cho phát triển đô thị, công nghiệp, khu công nghệ cao,… theo quy hoạch được duyệt; tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gắn với thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Đối với nhóm giải pháp về bảo vệ, cải tạo đất đai và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Bình Dương tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực quản lý về môi trường thông qua các hoạt động như hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; xây dựng chương trình quản lý môi trường, quản lý đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, nghiên cứu thành lập bản đồ cote nền xây dựng toàn tỉnh để quản lý, giám sát việc xây dựng nhằm hạn chế ngập lũ đô thị; phát triển nhiều mảng xanh lớn tại những vùng đất thấp và tận dụng tối đa những phần đất trống để tạo mảng xanh cho đô thị, tạo hành lang thực vật, bảo tồn đa dạng sinh học, nhằm tạo vùng đệm chứa nước, kiểm soát lũ và làm giảm nhiệt độ đô thị…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Quy hoạch sử dụng đất đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO