Bình Dương: Quy hoạch khoáng sản đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững

06/12/2016 00:00

(TN&MT) - Quy hoạch khoáng sản tỉnh Bình Dương đến năm 2015, nhìn chung đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có thể nói là công cụ quản lý hiệu quả, góp phần...

 

(TN&MT) - Quy hoạch khoáng sản tỉnh Bình Dương đến năm 2015, nhìn chung đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có thể nói là công cụ quản lý hiệu quả, góp phần đưa hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản đi vào nề nếp theo quy định của pháp luật, phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương.

Bình Dương cũng vừa tiến hành Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, về cơ bản bảo đảm được nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội không chỉ cho tỉnh Bình Dương mà còn cho một phần khu vực.

Quy hoạch khoáng sản tỉnh Bình Dương bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và một phấn khu vực
Quy hoạch khoáng sản tỉnh Bình Dương bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và một phấn khu vực

Tiềm năng khoáng sản

Theo số liệu từ Sở TN&MT Bình Dương, hiện trên địa bàn tỉnh có 86 điểm mỏ khoáng sản, chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và kaolin, gồm: 7 điểm kaolin, 32 điểm đá xây dựng, 34 điểm sét gạch ngói, 10 điểm cát xây dựng, 3 điểm cuội sỏi. Tổng tiềm năng 6.247.095 triệu m3. Trữ lượng khoáng sản đánh giá trong kỳ quy hoạch đến cuối năm 2015 so với tiềm năng dự báo đạt tỷ lệ khá cao (76%).

Đối với sét gạch ngói, trong kỳ đã đánh giá bổ sung trữ lượng 15,23 triệu m3 đạt 53% tài nguyên dự báo sẽ được đánh giá trong kỳ quy hoạch, tuy nhiên trữ lượng phân bố không đồng đều ở các địa bàn, chủ yếu tập trung ở thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên và Phú Giáo, vùng sâu cần đánh giá trữ lượng để huy động vào khai thác phục vụ nhu cầu tại chỗ của địa phương thì tỷ lệ đạt thấp, cụ thể như ở Dầu Tiếng chỉ đạt 3%.

Đối với đá xây dựng, việc chuẩn bị trữ lượng cho khai thác khá dồi dào, tập trung chủ yếu ở khu vực Thường Tân, Tân Mỹ (Bắc Tân Uyên) đạt tới 327% do quan điểm, chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương cho phép thăm dò xuống sâu, hạn chế việc mở rộng diện tích mỏ nhằm tránh lãng phí tài nguyên khoáng sản và đất đai, cũng như bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác mỏ.

Trong đó, cụm mỏ đá khu vực Dĩ An theo quy hoạch sẽ kết thúc khai thác ở cote -100m vào cuối năm 2015. Tuy nhiên do chất lượng cụm mỏ này được đánh giá có chất lượng tốt nên đã được UBND tỉnh Bình Dương cho phép thăm dò xuống sâu đến cote -120 và thời gian hoạt động đến cuối năm 2017. 

Do đó, phát sinh trữ lượng ngoài dự kiến là 6,08 triệu m3. Các khu vực còn lại là Dầu Tiếng và Phú Giáo thì tỷ lệ trữ lượng được đánh giá so với dự báo tương đối thấp (dưới 50%) do các khu vực này không thuận lợi về đường vận chuyển. Đối với cát xây dựng có trữ lượng nhỏ, chất lượng kém nên trong kỳ quy hoạch không đánh giá thêm được trữ lượng cát để huy động vào khai thác.

Đến năm 2015, sản lượng khai thác sét gạch ngói 2,724 triệu m3, thấp hơn nhiều so với mục tiêu quy hoạch đề ra (đạt khoảng 45%).  Sản lượng thực tế khai thác đá xây dựng 31,266 triệu m3, đạt mục tiêu quy hoạch đề ra (81%). Như vậy, quy hoạch đá xây dựng trong kỳ quy hoạch trước là phù hợp với nhu cầu thực tế.

Riêng sản lượng khai thác cát xây dựng 0,392 triệu m3, thấp hơn nhiều so với quy hoạch (37%), sản lượng này không phản ánh nhu cầu thực tế vì ngoài khối lượng cát khai thác từ các mỏ, còn một lượng tương đối lớn cát được nhập về từ các tỉnh miền Tây. Vì vậy, không thể lấy sản lượng thống kê tại các mỏ để đánh giá việc dự báo nhu cầu cát của tỉnh trong kỳ quy hoạch trước có sát thực tế hay không.

Theo nhận định của Sở TN&MT Bình Dương, công tác thăm dò, khai thác thực hiện trong giai đoạn đến năm 2015 cơ bản đạt các tiêu chí mà giai đoạn quy hoạch trước đã đề ra. Về diện tích đạt 69%, về trữ lượng đạt 76%, đáp ứng được nhu cầu cung cấp nguyên liệu cho thị trường.

Tăng cường quản lý

Trong thời gian qua Sở TN&MT Bình Dương đã chủ động phối hợp với các ngành và các địa phương trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát; thành lập các đoàn kiểm tra, trang bị phương tiện, máy móc, thiết bị để  tuần tra, kiểm soát và xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán và khai thác khoáng sản trái phép… Nhờ vậy các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong thời gian gần đây đã giảm rất nhiều.

Hiện nay, tất cả các mỏ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định, gồm: đóng thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong giai đoạn quy hoạch 2011-2015, tổng nộp ngân sách Nhà nước từ hoạt động khai thác khoáng sản là 1.594,95 tỷ đồng.

Ngoài những khoản thuế kể trên, các tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản phải đóng “tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” vào ngân sách Nhà nước. Tính đến cuối năm 2015, tổng số tiền phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản toàn tỉnh Bình Dương là 605,654 tỷ đồng.

Trong đó, số tiền phải nộp năm 2015 là 158,978 tỷ đồng, số tiền phải nộp năm 2016 là 115,339 tỷ đồng, số còn lại nộp tiếp cho các năm sau. Đến hết năm 2015, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thực hiện công tác nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 109,733 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ đạt được 69%.

Bên cạnh các loại thuế kể trên nộp vào ngân sách Nhà nước. Các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản phải nộp tiền “ký quỹ môi trường”. Trong giai đoạn 2011-2015 các tổ chức, cá nhân đã nộp vào ngân sách Nhà nước cho các năm 2011 đến 2015 số tiền 37,494 tỷ đồng. Song khoản tiền này các tổ chức, cá nhân sẽ được hoàn lại sau khi thực hiện đầy đủ công tác về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra trong quá trình khai thác mỏ, các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản  đều tham gia đóng góp với địa phương nơi có hoạt động khoáng sản để duy tu, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và xây dựng công trình công cộng cũng như các hoạt động xã hội khác. Bên cạnh đó cũng thường xuyên hỗ trợ người dân về thiệt hại hoa mầu, cây trồng bị ảnh hưởng do bụi phát sinh trong quá trình khai thác, chế biến và vận chuyển khoáng sản.

Trong quá trình hoạt động mỏ, hầu hết các doanh nghiệp cũng đã áp dụng các biện pháp khống chế ô nhiễm môi trường và tiến hành giám sát môi trường theo đánh giá tác động môi trường; kê khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải… Có đơn vị đã tiên phong áp dụng công nghệ vận chuyển đá sản phẩm bằng băng tải, góp phần hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, giao thông.

Trong 03 năm 2013, 2014 và 2015, Sở TN&MT Bình Dương, đã kiểm tra, xử lý 60 trường hợp. Trong đó 24 trường hợp vi phạm, đã  xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt là 2,173 tỷ đồng, chủ yếu các hành vi vi phạm như: không ký hợp đồng thuê đất trong hoạt động khoáng sản, khai thác vượt công suất, khai thác ngoài khu vực cấp phép.

Quy hoạch khoáng sản tỉnh Bình Dương phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế của tỉnh
Quy hoạch khoáng sản tỉnh Bình Dương phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế của tỉnh

Khai thác hợp lý

Cũng theo Sở TN&MT Bình Dương, trên cơ sở đánh giá hiện trạng thăm dò, khai thác khoáng sản của tỉnh Bình Dương đã dự báo mức độ tăng trưởng nhu cầu và thị trường sản phẩm, dự báo này cũng đã được kiểm chứng với các số liệu thống kê thực tế và dự báo của ngành xây dựng. Công tác quy hoạch đã chọn lựa các khu vực có ưu thế về tiềm năng, thị trường và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội để khoanh vùng quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng một cách hợp lý, bền vững.

Kết quả, Bình Dương đã quy hoạch được 1.809,83ha đất liền cho thăm dò, khai thác đá xây dựng, sét gạch ngói và 391,14 ha + 21 km mặt nước, sông hồ để thăm dò, khai thác cát xây dựng. Diện tích quy hoạch này mang tính chất tiếp nối các kỳ quy hoạch trước và diễn tiến tới kỳ quy hoạch sau để tạo thành các cụm mỏ khai thác khoáng sản.

Theo số liệu Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, tổng diện tích quy hoạch đá xây dựng 1.090,44ha, gồm khai thác 880,45ha và thăm dò-khai thác 209,99ha; tổng diện tích quy hoạch sét gạch ngói 719,39ha, gồm khai thác 419,85ha và thăm dò-khai thác 299,54ha; tổng diện tích quy hoạch cát xây dựng 391,14ha + 21km, gồm khai thác 131,14ha + 19km và thăm dò-khai thác 260,0ha + 2km.

Còn theo số liệu thống kê, giai đoạn quy hoạch 2011-2015, tổng thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản toàn tỉnh Bình Dương là 1.753,929 tỷ đồng. Dự kiến tổng thu ngân sách từ tiền cấp quyền khai thác, phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên cho các loại khoáng sản đá xây dựng, sét gạch ngói, vật liệu san lấp và cát xây dựng toàn tỉnh Bình Dương giai đoạn quy hoạch 2016-2020 là 906,930 tỷ đồng, giai đoạn tầm nhìn đến 2030 là 2.102,76 tỷ đồng.

Để triển khai thực hiện hoàn thành hiệu quả theo Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030; thời gian tới, Sở TN&MT Bình Dương sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các Sở, ban ngành và địa phương trong tỉnh xây dựng các chương trình liên ngành và phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Theo đó, thực hiện thu hồi, quản lý, sử dụng quỹ đất trong và sau khi kết thúc khai thác theo đúng các quy định của Luật Đất đai; rà soát lại việc thuê đất của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản,  xem xét giải quyết dứt điểm việc cho thuê đất và báo cáo UBND tỉnh Bình Dương xem xét những trường hợp cần điều chỉnh dự án cho phù hợp với năng lực triển khai của doanh nghiệp.

Đối với các điểm quy hoạch dự trữ khoáng sản, Sở TN&MT Bình Dương sẽ cùng UBND cấp huyện và các Sở, ngành có liên quan thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo luật định. Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh Bình Dương để xem xét, bố trí các diện tích dự trữ này cho các dự án, công trình, mục đích sử dụng khác (nếu cần thiết) một cách phù hợp.

Sở TN&MT Bình Dương chủ trì, phối hợp cùng Sở, ngành tăng cường kiểm tra giám sát công tác thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định. Đặc biệt, giám sát chặt chẽ việc khai thác theo thiết kế kỹ thuật đảm bảo đúng quy chuẩn, an toàn trong khai thác, biện pháp bảo vệ môi trường; đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, nếu đơn vị nào cố tình không khắc phục sở sẽ kịp thời báo cáo UBND tỉnh Bình Dương xem xét, xử lý nghiêm theo quy định…

Tường Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Quy hoạch khoáng sản đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO