Bình Dương: Quy định mới về quản lý tài nguyên nước

14/03/2019 15:17

(TN&MT) - UBND tỉnh Bình Dương vừa ra Quyết định số 04 ban hành Quy định quản lý tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan đến hoạt động TNN trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

NUOC1
Các đơn vị đã được cấp giấy phép tài nguyên nước phải báo cáo hoạt động hàng năm theo quy định

Quy định quản lý TNN trên địa bàn tỉnh Bình Dương mới này cũng quy định cụ thể về điều tra cơ bản TNN; thẩm quyền khai thác nước dưới đất, cấp phép hoạt động về TNN và phê duyệt tính tiền cấp quyền khai thác TNN; trách nhiệm quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về TNN và các tổ chức, cá nhân hoạt động về TNN trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Trong đó, Sở TN&MT Bình Dương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá TNN theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Tài nguyên nước đối với nguồn nước nội tỉnh, nguồn nước liên tỉnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương; tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá TNN trên các lưu vực sông nội tỉnh, trên địa bàn để báo cáo UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt và gửi kết quả về Bộ TN&MT để tổng hợp.

Quy định còn nêu rõ về trách nhiệm điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước. Theo đó, các Sở: Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Xây dựng; Giao thông Vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ban, ngành có liên quan tổ chức thực hiện điều tra, lập báo cáo tình hình sử dụng nước của ngành, lĩnh vực gửi Sở TN&MT để tổng hợp.

Cùng với đó, Sở TN&MT tổ chức điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các nguồn nước nội tỉnh, nguồn nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương; tổng hợp kết quả điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước trên các lưu vực sông nội tỉnh, trên địa bàn tỉnh để báo cáo UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt và gửi Bộ TN&MT để tổng hợp.

UBND tỉnh Bình Dương cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép, cấp lại giấy phép hoạt động TNN, cho phép chuyển nhượng quyền khai thác TNN và giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất trong các trường hợp: Thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng nhỏ hơn 3.000 m3/ngày đêm; khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng nhỏ hơn 02 m3/giây.

Hoăc xả nước thải với lưu lượng nhỏ hơn 30.000 m3/ngày đêm đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, trừ trường hợp xả nước thải vào phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi… Trường hợp xả nước thải vào phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định 67/2018/NĐ-CP ngày 14/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.

UBND tỉnh Bình Dương ủy quyền cho Sở TN&MT thực hiện các công việc nêu trên đối với một số trường hợp: Thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ 20m3/ngày đêm đến nhỏ hơn 1000 m3/ngày đêm; khai thác, sử dụng nước nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng nhỏ hơn 1 m3/giây; khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy nhỏ hơn 1.000kw.

Hoặc khai thác nước mặt cho mục đích sử dụng khác với lưu lượng nhỏ hơn 20.000m3/ngày đêm; xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm. Ngoài ra, ủy quyền cho UBND cấp huyện cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi, cấp lại và cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng trên 10 m3/ngày đêm đến dưới 20m3/ngày đêm.

NUOC2)
Các công trình xả nước thải vào nguồn nước phải được giám sát chất lượng nước định kỳ theo quy định

Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất (chủ giấy phép) thuộc một trong các trường hợp sau đây phải nộp tiền cấp quyền khai thác TNN. Theo đó, đối với khai thác nước mặt, gồm: Khai thác nước mặt để phát điện; khai thác nước mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi.

Còn đối với khai thác nước dưới đất, gồm: Khai thác nước dưới đất để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi; khai thác nước dưới đất (trừ nước lợ, nước mặn) để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác với quy mô từ 20 m3/ngày đêm trở lên.

Về mức thu, phương pháp tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương được thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Nghị định số 82/2017/NĐ-CP).

UBND tỉnh Bình Dương cũng ủy quyền cho Sở TN&MT phê duyệt, điều chỉnh, thông báo truy thu, hoàn trả tiền cấp quyền khai thai thác TNN đối với quy mô: Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy nhỏ hơn 2.000 kw; khai thác nước mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất, phi nông nghiệp, với lưu lượng nhỏ hơn 50.000m3/ngày đêm.

Hoặc khai thác nước dưới đất để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi; khai thác nước dưới đất (trừ nước lợ, nước mặn) để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác với lưu lượng từ 20m3/ngày đêm đến nhỏ hơn 3.000 m3/ngày đêm.

Bên cạnh đó, ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt, điều chỉnh, thông báo truy thu, hoàn trả tiền cấp quyền khai thai thác TNN đối với quy mô: Khai thác nước dưới đất để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi với lưu lượng trên 10m3/ngày đêm đến nhỏ hơn 20 m3/ngày đêm.

Trình tự, thủ tục tính tiền cấp quyền, điều chỉnh, truy thu, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác TNN được thực hiện theo quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13, Khoản 4 Điều 18 của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP. Tổ chức, cá nhân khi được cấp giấy phép về hoạt động TNN và hành nghề khoan nước dưới đất phải nộp phí cấp phép theo quy định của UBND tỉnh Bình Dương.

Sở TN&MT chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Bình Dương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về TNN trên địa bàn tỉnh Bình Dương; tham mưu UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về TNN; tiếp nhận, thẩm định, quản lý hồ sơ, cấp phép hoạt động TNN, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác TNN và trình UBND tỉnh cấp phép hoạt động TNN theo quy định. 

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh Bình Dương tổ chức thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản, giám sát TNN theo quy định; báo cáo Bộ TN&MT kết quả điều tra cơ bản TNN, tình hình quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã việc cấp phép, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác TNN, đăng ký, quản lý khai thác, sử dụng TNN…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Quy định mới về quản lý tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO