Bình Dương: Quản lý chất thải nguy hại ngày càng đi vào nề nếp

06/07/2017 00:00

(TN&MT) - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương đã và đang chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đưa công...

 

(TN&MT) - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương đã và đang chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đưa công tác quản lý chất thải nguy hại (CTNH) ngày càng đi vào nề nếp, từng bước kiểm tra, giám sát các nguồn thải lớn… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý CTNH nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Một góc nhà máy xử lý chất thải nguy hại ở Bình Dương
Một góc nhà máy xử lý chất thải nguy hại ở Bình Dương

Thực trạng

Theo số liệu thống kê từ sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH đã cấp đến hết năm 2016 thì tổng khối lượng CTNH đăng ký phát sinh trên địa bàn tỉnh Dương trên 188.107 tấn/năm, tương đương 522 tấn/ngày. Do đặc thù ngành nghề công nghiệp sản xuất nên thành phần CTNH không đa dạng, trong đó trên 50% là có khả năng tái chế, thu hồi.

Theo Sở TN&MT Bình Dương, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh hiện nay diễn biến khá phức tạp. Theo thống kê từ 1.269 Báo cáo quản lý CTNH của các doanh nghiệp nộp về thì có 43 đơn vị có giấy phép tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 7 đơn vị xử lý CTNH do Tổng cục Môi trường cấp phép. Tổng khối lượng CTNH được các đơn vị thu gom, xử lý trong năm 2016 trên 68.866 tấn/năm, trong đó thu gom trong tỉnh Bình Dương trên 35.351 tấn/năm, còn lại thu gom ngoài tỉnh.

Nhìn chung, các đơn vị có trụ sở đặt tại Bình Dương chấp hành tương đối đầy đủ các quy định về quản lý CTNH. Riêng hoạt động của các đơn vị ngoài tỉnh, theo các quy định hiện nay thì các đơn vị này không phải báo cáo về Sở TN&MT, nên Sở TN&MT không có số liệu thống kê thực tế lượng chất thải các đơn vị này thu gom, điều này gây khó khăn trong việc quản lý, thống kê và báo cáo.

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương nhận định: Trong thời gian qua, công tác quản lý CTNH trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực, công tác quản lý ngày càng được chủ động, nhận thức của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.

Hàng năm, thông qua các chương trình tập huấn triển khai các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho tổ chức, công dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Sở TN&MT Bình Dương đều chú trọng lồng ghép hướng dẫn các doanh nghiệp chú trọng công tác quản lý chất thải.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý CTNH, Chi cục Bảo vệ Môi trường Bình Dương đã xem xét và trả lời 100% báo cáo quản lý CTNH định kỳ của các chủ nguồn thải nhằm hướng dẫn giúp doanh nghiệp các nội dung chưa thực hiện đúng theo quy định, chuyển giao chất thải cho các đơn vị có chức năng.

Song song đó, để tăng cường nhắc nhở việc quản lý CTNH và báo cáo quản lý CTNH, hàng năm Sở TN&MT Bình Dương đều có văn bản nhắc nhở và hướng dẫn doanh nghiệp lập báo cáo quản lý CTNH định kỳ theo đúng quy định.

Công tác cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải cũng đã ngày càng chú trọng, chất lượng thẩm định hồ sơ đăng ký đã được nâng lên, lũy kế đến hết năm 2016, Sở TN&MT Bình Dương đã cấp 3.230 sổ đăng ký chủ nguồn thải cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra định kỳ, Sở TN&MT Bình Dương cũng luôn lồng ghép, kiểm tra công tác quản lý, lưu giữ CNTH và giám sát số liệu cấp sổ và số liệu báo cáo quản lý CTNH của các doanh nghiệp để kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở.

Chất thải nguy hại được doanh nghiệp lưu giữ đúng quy định
Chất thải nguy hại được doanh nghiệp lưu giữ đúng quy định

Giải pháp

Cũng theo Sở TN&MT Bình Dương, trong quá trình triển khai thực hiện quản lý CTNH cho thấy có một số khó khăn vướng mắc như: Sự không thống nhất về tên gọi và mã CTNH giữa Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT gây khó khăn trong việc áp mã CTNH của ngành Y tế, công tác quản lý CTNH và công tác thống kê, báo cáo.

Bên cạnh đó, quy định về số mẫu phải lấy để phân tích, phân định CTNH tại QCVN 07:2009/BTNMT, QCVN 50:2013/BTNMT hiện nay chưa rõ và hiện đang được hiểu khác nhau giữa các địa phương và giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp, điều này gây khó khăn trong công tác quản lý.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành thì số lượng CTNH của các chủ nguồn thải sẽ được cập nhật theo báo cáo quản lý CTNH và số liệu này sẽ là số liệu quản lý. Tuy nhiên với số lượng doanh nghiệp nhiều thì công tác nhập số liệu để quản lý là không thể với số lượng nhân sự hiện nay.

Mặt khác, theo quy định thu gom, xử lý chất thải nguy hại liên tỉnh như hiện nay; cũng như thực trạng thu gom, xử lý CTNH và chất thải rắn thông thường hiện nay diễn biến rất phức tạp, dẫn đến cơ quan quản lý địa phương không nắm được thông tin về các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH của các chủ xử lý thu gom trên địa bàn tỉnh nhưng có cơ sở đặt tại địa phương khác…

Để công tác quản lý CTNH tại địa phương ngày càng hiệu quả hơn, Sở TN&MT Bình Dương kiến nghị Bộ TN&MT có hướng dẫn đối với trường hợp điều chỉnh sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH, mã CTNH trong trường hợp bản chất chất thải đã đăng ký trong sổ chủ nguồn thải CTNH không phải là CTNH; có phát sinh thêm CTNH mới.

Có hướng dẫn xử lý các tồn tại, bất cập đối với các sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH đã đăng ký trước đây; hướng dẫn cụ thể về việc lấy mẫu để chứng minh CTNH có ngưỡng nguy hại là không phải là CTNH; thống nhất với Bộ Y tế để có hướng dẫn cho địa phương thực hiện việc áp mã CTNH của ngành Y tế.

Có hướng dẫn hoặc quy định để quản lý đối với các trường hợp có tổng khối lượng CTNH dưới 600 kg/năm. Sớm xây dựng và triển khai phần mềm quản lý CTNH, trong đó cần đầy đủ cả quy trình đăng ký, lập chứng từ chuyển giao và lập báo cáo quản lý, để thuận tiện cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong công tác quản lý CTNH.

Có quy định các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH có trụ sở ngoài tỉnh nhưng tiến hành thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh, định kỳ hàng năm lập báo cáo quản lý CTNH gửi về Sở TN&MT, nơi các đơn vị này có hoạt động thu gom, vận chuyển CTNH để theo dõi.

Để công tác quản lý được toàn diện và thuận lợi hơn, Sở TN&MT Bình Dương cũng kiến nghị Bộ TN&MT xem xét lại việc cấp giấy phép xử lý CTNH liên tỉnh vì thực tế đang gây khó khăn cho công tác quản lý chất thải rắn tại địa phương, bởi trước đây quy định việc cấp phép cho các đơn vị thu gom, xử lý CTNH tại địa phương nào thì địa phương đó cấp phép, các đơn vị từ địa phương khác đến thu gom, xử lý phải liên hệ với địa phương, qua đó sẽ quản lý tốt được việc thu gom đem CTNH ra khỏi địa phương.

Mặc khác, quan điểm xử lý chất thải liên vùng trước đây là cho rằng kinh phí đầu tư xử lý CTNH là rất lớn, các địa phương khó thực hiện. Do vậy, sẽ quy hoạch 1, 2 khu tập trung xử lý CTNH liên tỉnh, tuy nhiên thực tế quy hoạch này không triển khai được do hầu hết các địa phương hiện nay đều đầu tư khu xử lý chất thải rắn tập trung, bao gồm xử lý CTNH, nhằm giải quyết yêu cầu xử lý chất thải cho địa phương mình.

Từ lý do nêu trên cho thấy, việc quy hoạch xử lý chất thải liên vùng hiện nay là không phù hợp, dễ dẫn đến tình trạng luân chuyển chất thải phức tạp, khó quản lý. Về vấn đề này, Sở TN&MT Bình Dương kiến nghị Bộ TN&MT xem xét và định hướng cho phù hợp với thực tế.

 

Kiểm tra, xử lý theo quy định

Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Trong năm 2016, Sở TN&MT Bình Dương đã phối hợp với Tổng cục Môi trường tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường 06 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý CTNH. Kết quả kiểm tra cho thấy các chủ hành nghề quản lý chất thải, chủ hành nghề quản lý CTNH, chủ vận chuyển, chủ xử lý, tiêu hủy CTNH đều thực hiện tương đối đầy đủ các quy định về quản lý chất thải.

Sở TN&MT Bình Dương cũng đã tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của 115 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện tương đối đầy đủ các quy định về quản lý chất thải, một số doanh nghiệp còn tồn tại một số vấn đề như: chưa bố trí khu vực an toàn để lưu giữ tạm thời CTNH, phân loại, dán nhãn, dán biển cảnh báo thì Sở TN&MT nhắc nhở, một số trường hợp tái phạm đã bị xử lý theo quy định.

 

Tường Tú

 

                                                                                                                               

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Quản lý chất thải nguy hại ngày càng đi vào nề nếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO