Ngày 15/6/2018, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch số 205 và Quyết định số 253 thành lập Đoàn giám sát “Công tác quản lý, kiểm tra, xử lý việc khai thác cát trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2017 và 06 tháng năm 2018” do bà Hồ Thị Kim Thu- Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định làm Trưởng đoàn.
Qua làm việc trực tiếp với các địa phương, đơn vị được giám sát, Đoàn giám sát kết luận và báo cáo kết quả hoạt động khai thác cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Định chủ yếu tập trung trên 4 con sông chính: Sông Hà Thanh, sông Kôn, sông La Tinh, sông Lại Giang.
Tính đến ngày 15/6/2018, có 55 giấy phép được cấp khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường cho 51 doanh nghiệp với tổng diện tích được cấp phép 148,48ha, trữ lượng cấp phép đạt 3.632.450m3, công suất khai thác hằng năm đạt 768.991m3/năm, trung bình quy mô mỗi mỏ khoảng 2,7ha, trữ lượng 66.044m3/mỏ, công suất trung bình 13.982m3/năm/mỏ.
Cụ thể, sông Hà Thanh số lượng mỏ quy hoạch 06, diện tích 960,5ha, trữ lượng quy hoạch là 2,463 triệu m3. Có 13 giấy phép được cấp (diện tích 34,61ha, trữ lượng cấp phép 1.016.209m3); trong đó huyện Vân Canh 8 giấy phép, huyện Tuy Phước 4 giấy phép và thành phố Quy Nhơn 01 giấy phép. Sông Kôn số lượng mỏ quy hoạch là 10, diện tích 4.693ha, trữ lượng quy hoạch 6,15 triệu m3. Có 24 giấy phép được cấp (diện tích 66,54ha, trữ lượng cấp phép là 1.648.825m3); trong đó, huyện Tây Sơn 12 giấy phép, thị xã An Nhơn 10 giấy phép, huyện Tuy Phước 02 giấy phép. Sông La Tinh số lượng mỏ quy hoạch 06, diện tích 2.861,24ha, trữ lượng quy hoạch là 14,234 triệu m3. Có 4 giấy phép được cấp (diện tích 5,86ha, trữ lượng cấp phép 102.680m3); trong đó, huyện Phù Mỹ 03 giấy phép, huyện Phù Cát 01 giấy phép. Sông Lại Giang gồm 2 nhánh sông chính là sông Kim Sơn và sông An Lão, số lượng mỏ quy hoạch 22, diện tích 1.569,93ha, trữ lượng quy hoạch 6,944 triệu m3. Có 14 giấy phép được cấp (diện tích 40,67ha, trữ lượng cấp phép 864.736m3); trong đó, huyện Hoài Ân 02 giấy phép, huyện Hoài Nhơn 12 giấy phép.
Qua thống kê và dự báo nhu cầu sử dụng cát xây dựng năm 2017 khoảng 800.000m3 cát, năm 2018 khoảng 1.250.000m3 cát, năm 2019 khoảng 1.606.000m3 cát. Hiện có 30/51 doanh nghiệp được cấp phép đang thực hiện khai thác, có 24/55 điểm mỏ được cấp phép đã ngưng việc khai thác hoặc chưa đi vào hoạt động khai thác.
Việc khai thác cát trái phép vẫn thường xuyên diễn ra tại hầu hết các địa phương có điểm mỏ cát, chủ yếu là người dân địa phương khai thác phục vụ dân sinh. Bên cạnh đó một số đơn vị, doanh nghiệp lợi dụng thi công công trình đã khai thác cát trái phép để bán, có nơi còn cung cấp, vận chuyển ra khỏi địa phương; một số đơn vị được cấp phép thực hiện không đúng quy trình, quy định trong quá trình khai thác như: vượt độ sâu cho phép, sát bờ đê, kè, khai thác không đồng đều tạo hố sâu, không có khu tập trung cát, vận chuyển không đảm bảo về môi trường dẫn đến nguy cơ gây sạt lở bờ sông, đất sản xuất của bà con, làm thay đổi dòng chảy, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống của người dân, làm cho người dân có tâm lý lo lắng bức xúc phát sinh đơn thư phản ánh, cản trở hoạt động khai thác cát, gây mất an ninh trật tự, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông; một số doanh nghiệp được cấp phép kê khai sản lượng không đúng thực tế khai thác, gây thất thoát ảnh hưởng đến nguồn thu của địa phương, của tỉnh.
Năm 2017 và đầu năm 2018 các ngành chức năng của tỉnh Bình Định và chính quyền địa phương đã xử lý 182 vụ vi phạm khai thác cát sỏi trái phép, tổng số tiền xử phạt 34.500.000 đồng, 01 trường hợp thu hồi chủ trương cho phép lập hồ sơ thăm dò, khai thác cát.