Bình Định: UBND xã Phước Hưng tự ý làm trái

Như Quỳnh| 28/11/2019 16:38

(TN&MT) - UBND xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) là chủ đầu tư công trình Đê sông Gò Chàm - Hạng mục sửa chữa cống xả lũ và tường hộ lan nhưng đã tổ chức thi công khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của UBND tỉnh. Thậm chí còn tự ý điều chỉnh một số hạng mục gây cản trở dòng chảy và thoát lũ.

Vi phạm pháp luật về Đê điều

Theo tìm hiểu của PV, tháng 6.2018, UBND xã Phước Hưng xin chủ trương cải tạo và sửa chữa kè đá trên sông Gò Chàm để mở rộng giao thông trục đường chính xã (đoạn từ cổng chào thôn Tân Hội đến cống xả lũ Tân Hội) và được UBND huyện Tuy Phước thống nhất. Đến tháng 11.2018, trên cơ sở hồ sơ khảo sát thiết kế thi công, UBND huyện Tuy Phước đã có công văn gửi Sở NN&PTNT để xin chủ trương thực hiện công trình trên. Sau đó, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND huyện Tuy Phước thống nhất với UBND TX An Nhơn về thi công công trình đảm bảo tiêu thoát lũ như hiện trạng, không gây ngập úng ở thượng lưu để trình Sở xem xét.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc vào ngày 05/01/2019, thì UBND TX An Nhơn không thống nhất với hồ sơ thiết kế và yêu cầu UBND xã Phước Hưng thuê đơn vị tư vấn khảo sát tính toán khả năng thoát lũ của đoạn sông (tần suất 10%), đề xuất giải pháp gia cố bờ đối diện đảm bảo không là tăng thêm ngập úng ở thượng lưu.

Công trình Đê sông Gò Chàm - Hạng mục sửa chữa cống xả lũ Tân Hội và tường hộ lan do UBND xã Phước Hưng làm chủ đầu tư, tổ chức thi công mà chưa có sự chấp thuận bằng văn bản của UBND tỉnh.

Ông Dương Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, phân bua: “Để tính toán tần suất 10% thì nguồn vốn thực hiện lớn mà ngân sách xã còn hạn chế nên việc khảo sát tính toán không thực hiện được.

Thay vào đó, UBND xã đã đầu tư xây dựng công trình Đê sông Gò Chàm - Hạng mục sửa chữa cống xả lũ Tân Hội và tường hộ lan và đã được Phòng NN&PTNT huyện thống nhất kết quả thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình.

Việc xây dựng công trình là vấn đề cấp bách vì các đợt lũ năm 2016 và 2017 các bụi tre bên phía bờ xã Nhơn An ngã xuống lòng sông làm lệnh dòng chảy gây sập cống xả lũ và kè. Hơn nữa, việc xây dựng tường hộ lan tại đoạn cong dọc theo đê sông Gò Chàm sẽ đảm bảo ATGT bởi đây là đoạn đường đường hẹ, nút cổ chai nguy hiểm”.

Tường hộ lan được chủ đầu tư đã điều chỉnh mở rộng về phía sông Gò Chàm từ 0,5 đến 1m, vi phạm Luật Đê điều.

Ngày 19.4.2019, UBND xã Phước Hưng ban hành quyết định về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Sau đó, xã đã tổ chức thực hiện các bước về lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu…và tổ chức thi công xây dựng công trình với kinh phí xây dựng hơn 1,28 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 24.6.2019, UBND TX An Nhơn đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đề nghị xem xét, giải quyết việc xây dựng công trình này của UBND xã Phước Hưng đã làm ảnh hưởng dòng chảy sông Gò Chàm. Ông Nguyễn Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã Nhơn An (TX An Nhơn), cho biết: “Có hơn 200 hộ dân thuộc thôn Tân Dân sống dọc theo đê sông Gò Chàm. Việc UBND xã Phước Hưng xây dựng công trình trên đã ảnh hưởng vấn đề thoát lũ, người dân lo lắng nếu xảy ra lũ sẽ gây xói lở, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản”.

Sau khi chỉ đạo UBND xã Phước Hưng dừng thi công, Sở NN&PTNT đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra đối với công trình này. Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh và các tài liệu trong hồ sơ vụ việc, Sở NN&PTNT kết luận UBND xã Phước Hưng đã tổ chức thi công công trình trên mà chưa có sự chấp thuận bằng văn bản của UBND tỉnh, vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 28 Luật Đê điều. Đồng thời, UBND xã đã tổ chức thi công xây dựng tường hộ lan dọc theo đê sông nhưng có đoạn mở rộng về phía sông Gò Chàm từ 0,5 đến 1m, gây cản trở dòng chảy và thoát lũ, vi phạm quy định tại Khoản 10, Điều 7 Luật Đê điều.

Xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm

Lý giải về việc để xảy ra sai phạm, ông Dương Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, thừa nhận: “Quá trình thi công chúng tôi có điều chỉnh một số đoạn cong, gãy cục bộ, tạo hình dích dắc, gấp khúc gây ảnh hưởng đến ATGT cũng như tính thẩm mĩ của công trình nên tại một số cọc có điều chỉnh về phía đê sông từ 0,5 đến 1m. Thực tế ban đầu địa phương nghĩ là làm trên đường giao thông chứ không có làm trên thân đê. Khi nhận được chỉ đạo dừng thi công thì tường hộ lan đã được xây dựng xong, đoạn đường đã được trải nhựa. Công trình sử dụng vốn ngân sách nên địa phương xin phép cho tồn tại và đề nghị gia cố bờ đê sông bên phía xã Nhơn An. Riêng bản thân tôi xin nhận trách nhiệm về vấn đề này và xin kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.

Kè Tân Dân ở bề đối diện cần sớm được xây dựng kiên cố để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của người dân. Ảnh Kè Tân Dân đang bị xói lở nghiêm trọng.

Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, cho biết: “Vi phạm của UBND xã Phước Hưng đối với vụ việc này là hết sức rõ ràng. Tôi đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, UBND huyện Tuy Phước và UBND TX An Nhơn kiểm tra, tính toán khả năng tiêu thoát lũ của đoạn sông trên sau khi xã Phước Hưng thực hiện công trình. Đồng thời, đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa lũ, không để xảy ra sự cố do ảnh hưởng từ công trình; trường hợp cần thiết thì khôi phục lại như hiện trạng ban đầu. Bên cạnh đó, với các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm, UBND tỉnh giao UBND huyện Tuy Phước căn cứ vào mức độ, tính chất vụ việc và quy định pháp luật để kiểm điểm trách nhiệm”.

Về giải pháp khắc phục, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho hay: “Trong trường hợp buộc khắc phục hậu quả “khôi phục lại tình trạng ban đầu” thì sẽ gây lãng phí nguồn lực nhà nước đã đầu tư, không giải quyết được vấn đề về đảm bảo ATGT trên đoạn đường đã xây dựng tường hộ lan. Do đó, chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh cho phép tồn tại công trình đã thi công xong; đồng thời sớm cho chủ trương đầu tư ngay trong năm 2020 kè Tân Dân (phía bờ đối diện) thuộc xã Nhơn An. Trước mắt, chúng tôi cũng đã chỉ đạo địa phương rà soát những đoạn xung yếu kè Tân Dân và có biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: UBND xã Phước Hưng tự ý làm trái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO