Bình Định: Thoát tim qua đập tràn

21/03/2017 00:00

(TN&MT) - Người dân thôn Tân Kiều và Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn, Bình Định) hằng ngày qua lại con đập Bình Thạnh nhỏ hẹp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một chiếc...

 

(TN&MT) - Người dân thôn Tân Kiều và Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn, Bình Định) hằng ngày qua lại con đập Bình Thạnh nhỏ hẹp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một chiếc cầu vững chắc bắc qua sông luôn là ước mơ đối với bà con nơi đây.

 Hàng trăm hộ dân thôn Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ phải theo đập thủy lợi Bình Thạnh để qua sông.
Hàng trăm hộ dân thôn Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ phải theo đập thủy lợi Bình Thạnh để qua sông.

Gần nhà xa gõ

Người dân ở đây cho biết, đã có nhiều người bị trượt chân té ngã, thậm chí đuối nước khi rơi xuống con đập này. Dù nhiều lần phản ảnh, kiến nghị lên chính quyền địa phương, đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhưng chưa thấy giải quyết, dù nhu cầu đi lại của khoảng 3.000 dân nơi đây rất bức thiết.

Anh Nguyễn Xuân Quang, một người dân sống ở thôn Hòa Phong, cho biết: “Đập thủy lợi Bình Thạnh có bề mặt thân đập rộng chừng 0,8m. Do đó, việc qua lại đập luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước. Từ năm 2005 đến nay, đã có nhiều người bỏ mạng dưới chân đập vì té ngã. Nhiều xe máy, xe đạp, tài sản của người qua lại cũng bị “Hà bá” cuốn trôi”.

Vì chưa có cầu bắc qua sông, nên dù chỉ cách trung tâm xã chưa đầy 2 cây số, nhưng hằng ngày người dân ở 2 thôn này phải đi đường vòng qua xã Nhơn Hậu, mất khoảng 30 phút. Gặp những lúc đau ốm, sinh đẻ, cấp cứu cần lên Trạm Y tế xã, hoặc thị xã, nhiều người không biết làm thế nào để rút ngắn được thời gian. Khổ nhất là các em học sinh, hàng ngày phải đi cả một quãng đường dài để đến trường tại trung tâm xã, thị xã; hoặc đi liều trên chiếc cầu sạp bằng gỗ, bắc tạm bợ qua sông; hay băng qua đập thủy lợi Bình Thạnh với bao nỗi lo âu.

“Mỗi lần qua đây, tôi phải dắt xe đi rất chậm; bởi, chỉ cần sơ ý một chút rơi xuống nước ngay. Biết là nguy hiểm, nhưng đành đi liều vì đi đường vòng xa lắm, nên bất tiện vô cùng”, bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Hòa Phong), chia sẻ.

Theo thống kê của UBND xã Nhơn Mỹ, 2 thôn Hòa Phong, Tân Kiều có 700 hộ dân với 3.020 nhân khẩu. Trong đó, có hơn 400 học sinh các cấp từ mẫu giáo đến THPT phải qua lại sông Côn bằng đập tràn này và chiếc cầu tạm sông Côn nối hai thôn Tân Kiều - Thiết Tràng.

“Sửa chữa nâng cấp đập Bình Thạnh kết hợp giao thông nông thôn”

Theo ông Đặng Văn Lành, Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ, đập tràn Bình Thạnh được xây dựng từ năm 1971. Khoảng năm 1980, đơn vị khai thác thủy lợi đã nâng cấp, làm các tấm đan bằng bê tông để mở rộng mặt đập. Từ đó, người dân hai thôn Hòa Phong và Tân Kiều sử dụng qua lại vào mùa nắng, còn mùa mưa, nước chảy xiết không thể qua đập tràn nên bà con phải đi vòng xuống cầu Bến Tranh ở xã Nhơn Hậu cách đó 10km.

“Từ trước đến nay có hơn 10 người chết do nước cuốn khi đi qua đập này và nhiều trường hợp rớt xe máy xuống sông. Xã đã nhiều lần kiến nghị việc xây cầu để giải quyết nhu cầu đi lại và đảm bảo an toàn cho dân nhưng chưa được giải quyết” - ông Lành cho hay.

Chiều 19-3, ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết UBND tỉnh đã thống nhất đưa dự án “sửa chữa nâng cấp đập Bình Thạnh kết hợp giao thông nông thôn” vào danh mục dự án sử dụng vốn từ nguồn viện trợ ODA của dự án tái thiết sau thiên tai tỉnh. Đến nay, dự án này đang đến giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành các thủ tục hồ sơ pháp lý có liên quan. “Nếu mọi thứ suôn sẻ, chậm lắm trong năm 2018 dự án sẽ hoàn thành việc thi công theo hướng xây mới mặt đập bằng bê tông cốt thép cao hơn mặt đường liên thôn khoảng 40-50cm, mặt cầu rộng khoảng 3m”, ông Vui cho hay.

Hoàng Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Thoát tim qua đập tràn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO