Bình Định: Siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

16/05/2017 00:00

  (TN&MT) - Thời gian qua, hoạt động khai thác đất sét, đất san nền trái phép trên địa bàn huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã làm thay đổi hiện trạng sử...

 

(TN&MT) - Thời gian qua, hoạt động khai thác đất sét, đất san nền trái phép trên địa bàn huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, kết cấu hạ tầng, trật tự an toàn xã hội, làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn thu ngân sách, gây bức xúc cho nhân dân.

Khai thác đất sét trái phép tại xã Bình Nghi (Tây Sơn) vào năm 2016.
Khai thác đất sét trái phép tại xã Bình Nghi (Tây Sơn) vào năm 2016.

2 năm: phát hiện, xử lý 25 vụ vi phạm

Theo UBND huyện Tây Sơn, để lập lại trật tự trên lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, ngày 6.11.2015, Huyện ủy Tây Sơn đã ban hành Chỉ thị 01 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện; thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác triển khai kế hoạch quản lý tài nguyên khoáng sản. UBND huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập tổ công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại từng địa phương và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Từ đó đến nay, UBND huyện, các xã, thị trấn đã phát hiện, lập biên bản xử phạt 25 vụ (4 tháng đầu năm 2017 có 4 vụ) khai thác khoáng sản trái phép, chủ yếu khai thác đất sét, đất san nền, với số tiền gần 378 triệu đồng. Ngoài ra, tổ công tác của huyện đã kiểm tra, phát hiện 11 trường hợp vi phạm khác và chuyển hồ sơ cho UBND 6 xã, thị trấn để xử lý vi phạm theo thẩm quyền; trong đó, có 5 vụ khai thác cát trái phép xảy ra tại xã Tây Giang, Bình Tường, thị trấn Phú Phong, Bình Hòa và Bình Thành; 2 vụ khai thác đất sét và 4 vụ khai thác đất san lấp trái phép đều diễn ra ở xã Bình Nghi.

Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho rằng, công tác quản lý, kiểm tra nạn khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện bước đầu mang lại một số kết quả. Nhưng khách quan mà nói, công tác quản lý khoáng sản ở một số địa phương trên địa bàn huyện vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể như ở một số địa phương khi phát hiện các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép chưa có biện pháp xử lý kiên quyết, còn lúng túng trong việc xác lập hồ sơ. Một số cấp ủy, địa phương chưa phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bảo vệ tài nguyên khoáng sản như ở xã Bình Tân, Bình Nghi, Tây Xuân,… Một số lãnh đạo xã có tư tưởng khoán trắng cho tổ công tác xã, không thường xuyên kiểm tra, giám sát, nên tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép vẫn xảy ra. Một số chủ hoặc nhà thầu công trình xây dựng cũng đã lợi dụng việc san ủi mặt bằng để khai thác đất sét hoặc cấu kết với một số hộ có diện tích ruộng gần công trình để khai thác đất sét bán lại cho các cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo thống kê, toàn huyện Tây Sơn hiện có 3 điểm mỏ đá, 3 điểm mỏ cát xây dựng, 1 điểm mỏ đất cấp phối được tỉnh cấp phép. Qua rà soát cho thấy, việc cấp phép hoạt động, khai thác khoáng sản đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật khoáng sản, pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản, phù hợp với quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy vậy, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cũng cho rằng, một số doanh nghiệp hoạt động khai thác cát chưa đúng vị trí ở lòng sông còn diễn ra, có nguy cơ gây sạt lở bờ sông, sạt lở đất canh tác bãi bồi ven sông, ảnh hưởng dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ thống đê kè, gây ô nhiễm môi trường khu vực, thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản. Việc sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng chưa đúng quy định, trong khi công tác xử lý chưa nghiêm dẫn đến tình trạng vi phạm, bị xử lý rồi lại tiếp tục tái diễn.

“Lãnh đạo huyện đã phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc, kể cả kỷ luật về mặt Đảng; thu hồi sung công quỹ Nhà nước số tiền từ việc bán khoáng sản trái quy định ở một số địa phương. Điển hình như ở xã Bình Tân, huyện đã tổ chức kiểm điểm, đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân; đồng thời, phê bình, rút kinh nghiệm đối với cán bộ thuộc các bộ phận Địa chính, Tài chính xã về việc đã tự ý hợp đồng với ông Nguyễn Văn Nhiệm (ở thôn Phú Hưng, xã Bình Tân) cải tạo dòng chảy sông Quéo, nhưng thực chất là để ông Nhiệm khai thác cát bán và hai bên ăn chia với nhau”, ông Mỹ khẳng định.

Khai thác đất trái phép tại núi Một, xã Tây Phú (Tây Sơn) vào tháng 4.2017.
Khai thác đất trái phép tại núi Một, xã Tây Phú (Tây Sơn) vào tháng 4.2017.

Giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương

Để khắc phục những tồn tại trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, UBND huyện Tây Sơn yêu cầu UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về hoạt động khoáng sản, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm pháp luật về khoáng sản. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện về hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý; đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với lãnh đạo xã, thị trấn và tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý không hoàn thành nhiệm vụ được giao để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép kéo dài.

Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho hay: “Để tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 01 có hiệu quả và đảm bảo công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lĩnh vực quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tố giác các hành vi khai thác đất sét và cát trái phép để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật. Huyện cũng sớm có giải pháp đưa các mỏ đất được tỉnh quy hoạch đi vào hoạt động để bảo đảm nguyên liệu cho các cơ sở lò Hoffman, nhằm góp phần ngăn chặn, giảm thiểu nạn khai thác đất sét trái phép”.

Hoàng Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO