Bình Định: Sản xuất bột mì gây ô nhiễm ở Bình Tân

10/03/2017 00:00

(TN&MT) - Hộ hành nghề sản xuất, chế biến tinh bột mì "ăn nên làm ra". Người sinh sống xung quanh được hít, ngửi "no nê" mùi hôi thối. Vườn tược trở thành "túi"...

 

(TN&MT) - Hộ hành nghề sản xuất, chế biến tinh bột mì “ăn nên làm ra”. Người sinh sống xung quanh được hít, ngửi “no nê” mùi hôi thối. Vườn tược trở thành “túi” đựng nước thải. Đất canh tác nông nghiệp bỏ hoang. Nước sinh hoạt và môi trường không khí ô nhiễm rất nặng... Đó là hệ quả của hoạt động sản xuất, chế biến tinh bột mì đang diễn ra ở thôn Phú Hưng và thôn Mỹ Thạch, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn, Bình Định).

Cánh đồng Phú Ân, thôn Phú Hưng bỏ hoang sau khi bị nước thải mì bao phủ.
Cánh đồng Phú Ân, thôn Phú Hưng bỏ hoang sau khi bị nước thải mì bao phủ.

Ô nhiễm tứ bề

Để tìm hiểu sự việc trên, PV đã liên hệ làm việc với ông Đỗ Văn Diện, Chủ tịch UBND xã Bình Tân và cán bộ địa chính xã, nhưng cả hai đều từ chối trả lời. Tuy vậy để tường minh vấn đề, PV tiếp tục liên hệ với ông Phạm Khắc Phi, Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân. Sau khi nghe PV trao đổi nội dung về tình hình sản xuất, chế biến tinh bột mì đang gây ô nhiễm môi trường ở địa phương, ông Phi cho biết: “Toàn xã Bình Tân hiện có 22 cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột mì đang hoạt động, trong đó ở thôn Phú Hưng có 20 hộ, thôn Mỹ Thạch 2 hộ. Sau thời gian phát triển, tình hình ô nhiễm môi trường từ việc sản xuất, chế biến tinh bột mì ở địa phương, đặc biệt ở thôn Phú Hưng đã ở mức báo động”.  

Vị bí thư này tính toán, 22 cơ sở chế biến mì đều dùng băng chuyền để xay xát, với công suất 10 tấn mì tươi/máy/ngày. Do đó, mỗi ngày các cơ sở chế biến tinh bột mì xả ra khối lượng nước thải rất lớn, trong khi không có bể lắng và không thực hiện các khâu xử lý trước khi thải ra môi trường. Vì vậy, đến thôn Phú Hưng, PV dễ dàng nhận ra mùi hôi thum thủm đặc trưng của mì. Tất cả những cơ sở có chung đặc điểm: Nước thải chảy lênh láng ra xung quanh khu vực sản xuất. Đất trong vườn nhuộm màu đen, nổi bong bóng, bốc mùi hôi. Cây cối chết yểu, thối rửa.

Nước thải mì xả thẳng ra vườn tược, bốc mùi hôi thối.
Nước thải mì xả thẳng ra vườn tược, bốc mùi hôi thối.

Đánh giá về thực trạng này, ông Phạm Khắc Phi nói: “Ô nhiễm vậy làm sao có thể yên dân. Tình thế diễn tiến đến độ này, chính quyền địa phương có phần trách nhiệm. Bởi, công tác xử lý, kiểm tra thời gian qua quá chậm, thiếu kiên quyết, không mang lại hiệu quả. Nước thải dồn ngày này qua tháng nọ, không có hệ thống xử lý bài bản. Nước thải tích tụ lâu ngày tạo nên những ao nước đen ngòm, gây ô nhiễm nguồn nước giếng sinh hoạt và thối đến nhức óc”.

Chưa hết, 2 ha lúa ở cánh đồng Phú Ân, ở xóm 3, thôn Phú Hưng - khu vực giáp ranh với khu vực tập trung các cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột mì - đang trở thành “túi” đựng nước thải. Vùng sản xuất lúa này thường xuyên ngập tràn bởi nước thải. Ngày 7.3, PV có mặt tại đây chứng kiến: Nước trong ruộng sủi bọt, nổi váng đục ngầu, bốc mùi hôi chua. 18 hộ dân có đất được giao quyền canh tác ở cánh đồng đành ngậm ngùi bỏ hoang cả cánh đồng.

Thực trạng trên đã kéo dài nhiều năm nay, thế nhưng ai cũng e ngại không muốn lên tiếng vì hầu như trong thôn đều là bà con dòng họ, làng xóm với nhau, nói ra sợ mất lòng. Có người chẳng có quan hệ dòng tộc gì nhưng cũng chẳng dám phản ứng vì sợ dè bỉu “thấy họ làm ăn được nên ganh ghét”. Vì thế mà cả làng cam chịu sống trong môi trường ô nhiễm. “Cuộc sống của chúng tôi đang bị tra tấn dữ dội bởi mùi hôi thối từ hoạt động xay xát mì rồi. Họ (cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột mì - PV) làm ăn, nhưng chẳng quan tâm tới sức khỏe người dân. Mình nói họ kêu nhiều chuyện “ganh ăn tức ở”. Hàng xóm với nhau nói nhiều sinh ra phiền, cãi cọ; còn đâm đơn lên xã, xã cũng bất lực”, bà T.T.N ở xóm 3, thôn Phú Hưng bức xúc nói.

Cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột mì không có hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn công nhiên hoạt động.
Cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột mì không có hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn công nhiên hoạt động.

Cắt điện chuyển sang dùng máy nổ công suất lớn

Trước thực trạng trên, năm 2015, UBND xã Bình Tân đã làm việc với ngành điện lực và đi đến quyết định tạm ngừng cung cấp điện phục vụ quá trình chế biến đối với các cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột mì. Đồng thời, địa phương đã yêu cầu các hộ xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn mới được phép hoạt động trở lại. Dù không phản đối quyết định này, nhưng sau đó, chủ các cơ sở mua máy nổ công suất lớn để tiếp tục hoạt động và vi phạm.  

Để giảm thiểu ô nhiễm, năm 2015 - 2016, UBND xã Bình Tân đã liên tục cử các tổ công tác đi kiểm tra, ra quyết định xử phạt hành chính; mức phạt bình quân từ 1-5 triệu đồng. Tuy nhiên, hình thức phạt này như “nước đổ lá môn”. Đầu năm 2017, UBND xã Bình Tân cùng phòng TN-MT huyện Tây Sơn tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến mì hoạt động gây ô nhiễm. Qua đó lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường, tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn để xử phạt 3 hộ Nguyễn Hoài Thanh, Huỳnh Đức Hùng, Bùi Vĩnh Tựu (cùng trú thôn Phú Hưng). Trước đó, 3 hộ này đã có hành vi xả nước thải mì qua hệ thống xử lý tự xây dựng không đảm bảo và xả ra khu vực đất canh tác ở đồng Phú Ân.

“Cái khó lúc này là nghề chế biến tinh bột mì tại Phú Hưng, Mỹ Thạch đã tồn tại hàng chục năm qua, hiện nay, nhiều hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại; do vậy, nếu không cho làm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Để xử lý tình trạng ô nhiễm này, ngày 3-3, xã Bình Tân đã thành lập tổ kiểm tra với 13 thành viên có nhiệm vụ kiểm tra từng hộ, xác lập biên bản cụ thể, đề xuất hướng xử lý theo quy định cho UBND xã trước ngày 31-3-2017”, ông Phạm Khắc Phi, Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân, bày tỏ.

Gian nan tìm hướng xử lý

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Tây Sơn - theo giấy phép đăng ký kinh doanh thì các cơ sở này chỉ được phép xay xát mì. Tuy nhiên, những cơ sở hành nghề lại “kiêm” luôn khâu chế biến. Trong khi hệ thống nước thải không được đầu tư, xây dựng. Nên, nước thải trong quá trình xay xát, chế biến mì được xả thẳng ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Về câu hỏi: Để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại thôn Phú Hưng, Mỹ Thạch, giải pháp khả dĩ nhất là xây dựng khu sản xuất, chế biến tinh bột mì tập trung ở xa khu dân cư, với đầy đủ hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn?. Trả lời câu hỏi này, ông Dũng cho rằng, kinh phí để thực hiện việc này là rất lớn; ngân sách xã, huyện không đảm đương được. Trong khi nguồn ngân sách tỉnh có hạn; UBND tỉnh Bình Định đang còn quá nhiều việc phải làm. Trước khó khăn này, UBND huyện Tây Sơn, Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN-MT Bình Định) và UBND xã Bình Tân đang nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp khả dĩ nhất, làm sao vừa đảm bảo quyền lợi người dân, vừa bảo vệ môi trường.

Trong đó các giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm, ông Dũng đưa ra sẽ là kiểm tra xử phạt hành chính, kết hợp đình chỉ hoạt động. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến mì phải khắc phục, đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định. Việc sản xuất, chế biến mì cần tuân thủ theo đúng giấy phép đăng ký kinh doanh. Cơ sở nào chấp hành, đảm bảo các điều kiện về Luật Bảo vệ môi trường quy định sẽ cho phép vận hành trở lại; trường hợp cố tình vi phạm, sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ.

Hoàng Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Sản xuất bột mì gây ô nhiễm ở Bình Tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO