Bình Định: Nỗi lo sạt lở núi trong lòng hồ Vạn Hội

13/10/2017 00:00

  (TN&MT) - Hồ chứa nước Vạn Hội ở xã Ân Tín (huyện Hoài Ân) đưa vào khai thác, sử dụng năm 2003, với dung tích thiết kế 14,5 triệu m3, đảm nhiệm cung cấp...

 

(TN&MT) - Hồ chứa nước Vạn Hội ở xã Ân Tín (huyện Hoài Ân) đưa vào khai thác, sử dụng năm 2003, với dung tích thiết kế 14,5 triệu m3, đảm nhiệm cung cấp nước tưới tiêu cho 1.100 ha đất nông nghiệp. Thế nhưng, hiện nay, tình trạng sạt lở núi trong lòng hồ đang làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động công trình, đe dọa đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân sinh sống dưới vùng hạ lưu chân đập.

Sạt lở núi trong lòng hồ

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa nước Vạn Hội - PV), sáng 17.12.2016, mưa lớn kéo dài đã khiến một phần núi nằm ở phía thượng lưu bờ trái đập lòng hồ Vạn Hội bị nứt, sạt lở. Hàng chục ngàn khối đất, đá đổ vùi xuống lòng hồ, cách cửa tràn xả lũ khoảng 300m, gây ra tiếng nổ lớn, tạo nên cột sóng nước cao khoảng 20m tràn qua đỉnh đập và nhà quản lý công trình. Sự cố này đã làm hư hỏng toàn bộ cổng trục, phai phụ, lan can và hỏng hoàn toàn đường ống dẫn dầu thủy lực cửa tràn số 3. Hệ thống đường dây điện phía hạ lưu cũng bị tê liệt, đồng thời, làm hỏng máy phát điện dự phòng.

Dãy núi nằm trước tràn xả lũ bị sạt lở, nhiều vết nứt, gãy hiện rõ cho thấy hiện tượng sạt lở đất, đá từ núi sẽ còn diễn ra khi có mưa lớn
Dãy núi nằm trước tràn xả lũ bị sạt lở, nhiều vết nứt, gãy hiện rõ cho thấy hiện tượng sạt lở đất, đá từ núi sẽ còn diễn ra khi có mưa lớn

Sau sự cố thiên tai xảy ra, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với chính quyền xã Ân Tín, UBND xã Hoài Ân tổ chức sửa chữa; đến nay, những hỏng hóc kể trên cơ bản được khắc phục. Song đáng lo ở thời điểm này, khoảng 800.000m3 đất, đá từ vách núi đổ vùi dưới lòng hồ Vạn Hội chưa được nạo vét, thu gom để trả lại dung tích chứa cho lòng hồ. “Hầu hết, lượng bùn lỏng sau khi hiện tượng sạt lở núi xảy ra đã đẩy ra tới cửa tràn; khối lượng đất, đá kết tinh nằm cách cửa tràn chừng 200m. Thời gian tới không kịp thu gom, lượng đất, đá này sẽ đẩy ra cửa tràn khi có mưa lớn. Lúc đó, tràn xả lũ sẽ gặp nhiều rủi ro, bất trắc. Để nạo vét, thu gom khối lượng đất, đá này phải mất chừng 10 tỉ đồng, số tiền này công ty khó lòng kham nổi”, ông Phú lo lắng nói.

Theo ghi nhận PV, dãy núi nằm trong khu vực lòng hồ Vạn Hội đã bị sạt lở trên diện tích khá lớn. Các vết nứt, đứt gãy dài chừng 20-30m nằm trước, cách tràn xả lũ chừng 300m còn hiện hữu rõ nét. Theo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, trong mùa mưa lũ sắp tới, nếu xảy ra mưa với lưu lượng từ 400-500mm khả năng núi tiếp tục bị sạt lở là rất lớn. Hiện tượng này xảy ra, cộng dồn với khối lượng đất, đá cũ chưa thu dọn sẽ làm thu hẹp dung tích hồ chứa, đẩy áp lực nước tăng lên, làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành, điều tiết lũ; đặc biệt, là hệ thống tràn xả lũ, tiềm ẩn nguy cơ vỡ hồ.

Chất lượng hoạt động của hệ thống mái thượng lưu, tràn xả lũ của hồ chứa nước Vạn Hội sẽ bị đe dọa khi có mưa lớn, kèm theo hiện tượng sạt lở núi trong lòng hồ
Chất lượng hoạt động của hệ thống mái thượng lưu, tràn xả lũ của hồ chứa nước Vạn Hội sẽ bị đe dọa khi có mưa lớn, kèm theo hiện tượng sạt lở núi trong lòng hồ

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, nhận xét: Tình trạng sạt lở núi trong lòng hồ Vạn Hội là đáng báo động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho công trình. Trường hợp xảy ra sạt lở núi lần nữa, tôi e rằng, nhiều hạng mục hồ Vạn Hội sẽ bị hư hỏng; thậm chí, nguy cơ vỡ hồ cũng có thể xảy ra, đe dọa đến cuộc sống, tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn các xã Ân Tín, Ân Thạnh hay Ân Mỹ. Để kịp thời khắc phục hiện tượng này, UBND huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị tỉnh quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành có liên quan xem xét và có giải pháp khắc phục để ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại.  

Lúng túng tìm cách khắc phục

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, đánh giá: “Hiện tượng sạt lở núi trước tràn xả lũ hồ chứa nước Vạn Hội là hiện tượng chưa từng xảy ra ở công trình hồ chứa trong tỉnh. Để khắc phục hậu quả và phòng ngừa những nguy cơ tiếp theo, Công ty đã đầu tư 2 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp lại các hạng mục hạ tầng, thiết bị máy móc bị hư hỏng. Đến nay, công tác này đã hoàn thành. Riêng hệ thống van côn của cống lấy nước do sử dụng lâu bị hỏng hóc, Công ty đã bỏ ra 400 triệu đồng để sửa chữa, phần việc này sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay”.

Hiện tượng sạt lở núi trong lòng hồ chứa nước Vạn Hội ngoài ảnh hưởng tới hệ thống tiêu, thoát lũ của công trình còn đe dọa đến sinh mạng của hàng trăm hộ dân sinh sống ở hạ lưu chân đập
Hiện tượng sạt lở núi trong lòng hồ chứa nước Vạn Hội ngoài ảnh hưởng tới hệ thống tiêu, thoát lũ của công trình còn đe dọa đến sinh mạng của hàng trăm hộ dân sinh sống ở hạ lưu chân đập

Để khắc phục hiện tượng sạt lở núi, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã khảo sát, tính toán khối lượng đất, đá bị bồi lấp trong lòng hồ, báo cáo Sở NN&PTNT, UBND tỉnh cùng các đơn vị có liên quan xem xét, cho chủ trương nạo vét để trả lại dung tích cho hồ chứa. Tuy nhiên cái khó hiện nay là nguồn kinh phí chưa được đơn vị quản lý hồ tìm ra.

“Trước mắt, chúng tôi sẽ xin ý kiến của Sở NN&PTNT, UBND tỉnh để thực hiện nạo vét khối lượng đất, đá đang bồi lấp trong lòng hồ sau sự cố núi lở xảy ra cuối năm 2016. Về lâu dài, Công ty đề nghị Tổng cục Thủy lợi và các cơ quan chuyên môn có liên quan của tỉnh hỗ trợ đánh giá về mức độ ổn định của vùng trượt, lở này để có giải pháp thích hợp nhằm đảm bảo an toàn cho công trình hồ chứa và hạ du. Đồng thời, xem xét giải pháp có thể để việc điều tiết, xả lũ cửa tràn bình thường trước nguy cơ có khả năng sạt lở tiếp hay không, để từ đó có giải pháp ứng phó”, ông Phú cho hay.

Hoàng Nguyên

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Nỗi lo sạt lở núi trong lòng hồ Vạn Hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO