Bình Định: Người nuôi tôm đối diện muôn vàn khó khăn

23/02/2017 00:00

(TN&MT) - Thời điểm này, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bình Định đang tích cực cải tạo ao, hồ, chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới. Tuy nhiên, những thiệt hại nặng...

 

(TN&MT) - Thời điểm này, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bình Định đang tích cực cải tạo ao, hồ, chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới. Tuy nhiên, những thiệt hại nặng nề do các đợt lũ lụt hồi cuối năm 2016 đã làm không ít hộ nuôi tôm đang gặp khó khăn để khắc phục cơ sở hạ tầng, cải tạo ao nuôi, mua con giống, thức ăn.

Nhiều hồ nuôi tôm tại thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) chưa được bà con cải tạo thả nuôi do gặp khó khăn về vốn.
Nhiều hồ nuôi tôm tại thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) chưa được bà con cải tạo thả nuôi do gặp khó khăn về vốn.

Thiếu vốn sản xuất

Theo lịch thời vụ, từ đầu tháng 3-2017, các vùng nuôi tôm tại 4 xã khu Đông của huyện Tuy Phước sẽ bước vào vụ mới; tuy nhiên do khó khăn về vốn nên không khí vào vụ hiện nay khá trầm lắng. Ông Huỳnh Thanh Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết: “Vụ nuôi tôm năm nay, người dân trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn do liên tiếp các đợt lũ lụt hồi cuối năm 2016 gây sạt lở bờ ao, phần lớn bà con hiện "đói" vốn để cải tạo hồ, đắp bờ, mua con giống. Hiện lịch thời vụ thả tôm đã cận kề mà hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ cho nuôi tôm vẫn chưa được sửa chữa hoàn chỉnh, nhiều ao vẫn còn “treo” chưa được cải tạo. Kế hoạch đề ra của xã là đưa vào sản xuất trên 326 ha mặt nước nuôi tôm nhưng với khó khăn đang gặp phải rất khó đạt được kết quả”.

Nói đến công tác chuẩn bị cho vụ nuôi mới, ông Lê Văn Thành - một chủ hồ đã nhiều năm gắn bó với con tôm ở thôn Kim Đông - xã Phước Hòa, buồn buồn nói: "Gia đình tôi có hơn 1 ha ao nuôi tôm, nhưng đã bị lũ lụt làm hư hại, sạt lở nặng. Tôi đang huy động nhân lực trong gia đình để cải tạo ao nuôi, đắp lại bờ bao, lắp đặt lại giàn đập nước để kịp bước vào vụ. Vừa lo cải tạo ao vừa lo tìm nguồn vốn để mua tôm giống... vã mồ hôi, nhưng vẫn chưa đủ tiền đầu tư mua giống. Vụ tôm này, xoay xở được bao nhiêu, tôi đầu tư bấy nhiêu chứ không dám làm mạnh. Cầu mong năm nay con tôm được mùa để bà con bớt khổ!".

Tại vùng nuôi tôm bán thâm canh thuộc thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, không khí chuẩn bị bước vào vụ cũng khá buồn tẻ. Ông Huỳnh Văn Cẩn, cán bộ khuyến ngư xã Phước Sơn, cho biết: Trước vụ nuôi tôm này, bên cạnh việc thiếu vốn đầu tư, vấn đề dịch bệnh tôm nuôi cũng làm cho bà con rất lo lắng. Từ đầu năm đến nay, thời tiết bất lợi, mưa lạnh kéo dài, nguồn nước tại các ao nuôi bị ngọt hóa nên người nuôi tôm chưa mặn mà cho vụ mới. Chúng tôi đang vận động bà con tập trung đắp lại bờ bao, cải tạo ao hồ để chuẩn bị bước vào vụ mới theo lịch thời vụ quy định.

Tại xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ), các đợt lũ lớn cuối năm 2016 đã làm cho 320 ha ao, đìa nuôi tôm, cá bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng; tổng thiệt hại ước tính về hạ tầng hơn 12 tỉ đồng. Hiện nay, dù đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng bà con nuôi tôm ở Mỹ Chánh đang tập trung khắc phục, gia cố ao, đìa để vào vụ nuôi mới kịp thời vụ. Ông Lê Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, kiến nghị: Khó khăn lớn nhất bây giờ là vốn, đề nghị huyện và các ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ, giúp người dân được vay vốn ưu đãi để đầu tư phục hồi nuôi trồng thủy sản. 

Theo ông Man Thống Nhất, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT Bình Định , vụ này, toàn tỉnh đưa vào nuôi tôm 2.234 ha mặt nước, tập trung tại các huyện Tuy Phước 971 ha, Phù Mỹ 522 ha, Phù Cát, 295 ha, Hoài Nhơn 238 ha, TP Quy Nhơn 208 ha. Trong đó, nuôi tôm trên cát 229 ha. Theo lịch thời vụ được tỉnh ban hành, bắt đầu từ 1.2, các vùng nuôi tôm trên cát bắt đầu thả con giống; các vùng cao triều, cơ sở hạ tầng tốt, lịch thời vụ thả tôm từ giữa tháng 2; những vùng còn lại bắt đầu từ tháng 3. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng tại nhiều vùng nuôi bị thiệt hại, khó khăn về nguồn vốn nên tiến độ thả tôm giống khá chậm. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ thả nuôi được 66 ha, tập trung tại các vùng nuôi tôm trên cát tại Phù Mỹ và Phù Cát. Chi cục Thủy sản đang tập trung vận động người nuôi tôm đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao hồ, hỗ trợ tìm nguồn giống chất lượng, tăng cường công tác kiểm dịch… để vào vụ nuôi tôm mới.

 Nuôi tôm trên cát tại xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ).
Nuôi tôm trên cát tại xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ).

Tăng cường hỗ trợ người nuôi tôm

Nhằm hỗ trợ người nuôi tôm khắc phục khó khăn bước vào vụ sản xuất mới, trong thời gian qua, Chi cục Thủy sản Bình Định đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - Thú y, chính quyền các địa phương tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý ao hồ trước khi thả con giống. Từ nguồn hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt của Chính phủ, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã xuất cấp hỗ trợ cho người nuôi tôm trong tỉnh trên 27,3 tấn hóa chất Chlorin B để sát trùng ao nuôi. Trong đó, Tuy Phước gần 11 tấn, Phù Mỹ trên 8,5 tấn, Hoài Nhơn trên 6,5 tấn, Phù Cát 1,6 tấn. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản tỉnh đang có tờ trình đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng từ nguồn vốn của Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) để mua giống tôm sú, cá rô phi cấp cho người dân thôn Đông Điền, xã Phước Thắng, thôn Vinh Quang, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) và thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn).

Ông Man Thống Nhất cho biết: Chi cục Thủy sản đang tổng hợp tình hình thiệt hại tại các vùng nuôi tôm để đề xuất Sở NN&PTNT, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người nuôi tôm. Chi cục lưu ý một số giải pháp kỹ thuật nuôi tôm trong vụ nuôi này như: Các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thường xuyên bị dịch bệnh, người nuôi cần tiến hành cải tạo kỹ ao - hồ trước khi thả nuôi hoặc chuyển sang nuôi chuyên tôm sú, nuôi cá - tôm tổng hợp. Đối với các hộ mua con giống tôm thẻ chân trắng từ ngoài tỉnh, ngành chức năng khuyến cáo cần phải kiểm dịch chặt chẽ. Về mật độ nuôi, tùy theo điều kiện hạ tầng cụ thể từng vùng mà điều chỉnh phù hợp. Khi có dịch bệnh xảy ra, người nuôi tôm phải kịp thời báo cáo cho khuyến ngư viên và cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý, bao vây dập tắt; phải thực hiện “ba không” (không giấu bệnh, không xả thải nước ao khi chưa được xử lý và không xả xác tôm chết do nhiễm bệnh ra môi trường). Chấp hành tốt quy định xử lý, tiêu diệt mầm bệnh theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Hoàng Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Người nuôi tôm đối diện muôn vàn khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO