Xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động!
Liên quan đến sự việc Báo Tài nguyên & Môi trường phản ánh thực trạng 2 năm qua nhiều hộ gia đình ở thôn Phú Nhơn và Phú Kim (xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) vô cùng khổ sở vì tình trạng khói bụi, mùi hôi nước thải phát sinh từ Cụm công nghiệp Cát Trinh. Ðặc biệt, từ giữa tháng 9 đến nay, người dân trong vùng rất lo lắng trước hiện tượng nước giếng có mùi hôi và hiện tượng cá tại mương Ðồng Ðế chết hàng loạt. Nước trong mương có màu đen đục, bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, quá trình học tập của học sinh tại Trường THCS Cát.
Tại cuộc họp bàn biện pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường tại Cụm công nghiệp Cát Trinh do UBND huyện Phù Cát tổ chức vào ngày 18/10 Sở TN&MT tỉnh Bình Định đã công bố kết quả kiểm tra. Cụ thể, sau khi nhận được tin báo của địa phương, ngày 13/9, Sở TN&MT tỉnh Bình Định đã tổ chức kiểm tra thực tế, lấy mẫu nước thải các đơn vị hoạt động tại Cụm công nghiệp Cát Trinh đi phân tích. Kết quả, mẫu nước thải của Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam (thuộc Công ty Delta Galil Industries Ltd, Israel) có chỉ tiêu BOD5 vượt 1,6 lần và chỉ tiêu COD vượt 1,19 lần so với giấy phép xả thải.
Từ kết quả này, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đã ký quyết định xử phạt hành chính gần 300 triệu đồng về hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực dệt, nhuộm, may - tại Cụm công nghiệp Cát Trinh, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) và buộc công ty này tạm dừng hoạt động 135 ngày để khắc phục hậu quả. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định cũng chỉ đạo UBND huyện Phù Cát phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Bình Định kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây.
Bên cạnh đó, kết quả phân tích chất lượng nước mặt mương Đồng Đế của Sở TN&MT tỉnh Bình Định cũng cho thấy, có 2/8 chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép quy định “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt” là COD vượt 1,26 lần và Amoni vượt 15,5 lần. Do vậy, nguồn nước mặt mương Đồng Đế bị ô nhiễm, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới thực trạng nhiều loại cá trong mương chết hàng loạt. Ngoài Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam bị xử phạt hành chính và tạm đình chỉ hoạt động; 2 đơn vị hoạt động còn lại trong Cụm công nghiệp Cát Trinh, gồm Công ty CP May Phù Cát và Công ty TNHH In Na Nu cũng bị Sở TN&MT xem xét xử phạt hành chính về hành vi xả nước thải vào nguồn nước khi chưa được cấp phép. Riêng chủ đầu tư Cụm công nghiệp Cát Trinh là Tổng Công ty CP May Nhà Bè cũng bị xem xét xử phạt hành chính với hành vi không có văn bản báo cáo cơ quan đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường về việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
Thế nhưng,…(!?)
Tại cuộc họp tìm giải pháp khắc phục ô nhiễm vào chiều 18/10, do UBND huyện Phù Cát chủ trì, đại tá Lương Văn Bình, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) - Công an tỉnh Bình Định, cho rằng, mức độ ô nhiễm chưa tới mức như các nhà báo nói, một số nhà báo nói. “Việc xả thải của Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam có gây ảnh hưởng khá nhiều, phạm vi cũng khá rộng!. Nhưng chưa tới mức… Các nhà báo nói dữ dằn quá, thổi phồng lên. Nhân đây tôi đề nghị các nhà báo phải nói chính xác, cho chuẩn nhen; chứ không tự dưng nói ầm ầm lên. Sở dĩ dư luận quan tâm nhiều, cũng một phần do các ông nhà báo nói,… Nói quá đi (!?)”, vị này nói một cách thản nhiên.
Cũng tại cuộc họp vị Trưởng phòng CSMT này còn mạnh miệng tuyên bố: “Riêng các nhà báo tui nói thế này. Một số vụ việc hổm nay tui khổ sở với các nhà báo. Hổng có mà cứ nói có. Có ít nói nhiều, đau đầu lắm!. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy phải xử mấy ông mà nói không chuẩn này!. Các ổng đói thông tin là cứ nói suốt ngày, đau đầu lắm! Thực ra không có gì hết,…(!?).
Trái ngược với phát ngôn của vị Trưởng phòng Phòng CSMT, những thông tin về sự cố ô nhiễm do xả thải tại Cụm công nghiệp Cát Trinh đều được cơ quan báo chí phản ánh kịp thời, chính xác diễn tiến sự việc và nhận được sự ủng hộ, ghi nhận rất lớn từ cư dân ở địa phương.
Vào cuộc quyết liệt!
Điều đáng mừng, sau khi nhận tin báo của người dân và chính quyền địa phương, Sở TN&MT Bình Định đã gấp rút cử Tổ công tác về kiểm tra hiện trường và lấy mẫu nước phân tích để truy tìm “thủ phạm” gây ra tình trạng ô nhiễm. Sau thời gian làm việc khẩn trương, trách nhiệm Sở đã xác định Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam là đơn vị xả thải ra gây ô nhiễm.
Song song với công việc lấy mẫu nước phân tích, đích thân đồng chí Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng trực tiếp về khu vực xảy ra ô nhiễm để kiểm tra. Tại đây, đồng chí đã xuống tận nhà các hộ dân, trường học,… nơi chịu ảnh hưởng bởi mùi hôi để nắm thêm tình hình, mức độ ô nhiễm và có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tạo được sự đồng thuận, an dân.