Bình Định: Dân mất ruộng vì mỏ đá

15/02/2017 00:00

(TN&MT) - Dù được tỉnh cấp phép khai thác mỏ đá ở khu vực Núi Bà, thôn Liên Trì, xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát, Bình Định), song Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite...

 

(TN&MT) - Dù được tỉnh cấp phép khai thác mỏ đá ở khu vực Núi Bà, thôn Liên Trì, xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát, Bình Định), song Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite (trụ sở tại khu vực Tân Hòa, phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) chưa làm tròn trách nhiệm trong việc đảm bảo môi trường, gây tác động tiêu cực đến sản xuất của người dân ở địa phương.

Khu vực mỏ đá của Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite đang hoạt động.
Khu vực mỏ đá của Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite đang hoạt động.

Bỏ ruộng

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau một thời gian Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite triển khai hoạt động khai thác đá, hàng ngàn mét vuông thảm thực vật và cây cối tại khu vực Núi Bà đã bị “xóa sổ”. Nhiều vách núi bị đào bới tung tóe, còn trơ đất, đá. Đáng nói trong quá trình hoạt động, công ty chưa xây dựng kè chắn, nên mỗi khi trời mưa, đất, đá, sỏi từ mỏ theo nước tràn xuống cánh đồng Hóc Ông Phong (ở thôn Liên Trì, xã Cát Nhơn) làm bồi lấp nhiều héc ta đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Đáng kể nhất là trong đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 12 đến 17-12-2016, hàng ngàn mét khối đất, đá, sỏi trên khu vực mỏ khai thác đá của công ty này đã ồ ạt đổ xuống, bồi lấp 3 ha đất sản xuất lúa, khiến 20 hộ dân có ruộng ở khu vực này không gieo sạ được vụ sản xuất Đông Xuân 2016 - 2017.

Dẫn chúng tôi ra thửa ruộng nhà mình, ông Nguyễn Văn Thạnh, 61 tuổi, ở xóm Đông, thôn Liên Trì, cúi xuống nhặt nhạnh rễ cây, đá, sỏi từ ruộng lên bờ rồi than phiền: “Tôi có 3 đám ruộng nằm ở dưới khu vực mỏ đá của Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite, với tổng diện tích hơn 2.000m2. Thế nhưng, sau đợt mưa lũ cuối tháng 12 vừa qua, đất, đá, sỏi từ mỏ khai thác đá của công ty này theo nước mưa đổ xuống, làm mặt ruộng bị vùi sâu dưới đất, sỏi. Than phiền lắm, đến nay, công ty mới chịu đền bù được 1 sào (300kg lúa/sào - 500m2). Diện tích còn lại công ty yêu cầu chỉ đền bù một phần diện tích, nên tôi chưa đồng ý. Mà có đền cũng chẳng thấm thía gì, khi hàng ngàn mét khối đất, sỏi phủ phía dày trên ruộng thế này thì chỉ máy đào, máy ủi mới có thể hốt dọn sạch. Song, đất cũng khó giữ được độ phì nhiêu. Cây lúa sẽ chậm sinh trưởng”.

Nhiều diện tích ruộng ở cánh đồng Hóc Ông Phong, thôn Liên Trì, xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát) bị đất, đá, sỏi bồi lấp không gieo sạ vụ Đông Xuân 2016 - 2017.
Nhiều diện tích ruộng ở cánh đồng Hóc Ông Phong, thôn Liên Trì, xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát) bị đất, đá, sỏi bồi lấp không gieo sạ vụ Đông Xuân 2016 - 2017.

Theo ông Trần Văn Cư - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Nhơn - trước đây khi có mưa lớn xảy ra thì lượng đất, đá, sỏi từ mỏ khai thác đá của Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite cũng có theo nước mưa tràn xuống suối Hốc Đá rồi bồi lắng một ít diện tích ruộng, nhưng không quá nghiêm trọng. Nhưng đợt mưa lũ vào trung tuần tháng 12-2016 đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con nông dân. Sau khi xảy ra sự cố, xã cùng ngành chức năng có liên quan và các đơn vị khai thác đá đã kiểm tra hiện trường. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 3 ha lúa ở cánh đồng Hóc Ông Phong bị đất, đá, sỏi bồi lấp không thể gieo sạ được vụ Đông Xuân 2016 - 2017.

“Đến nay, trong số 20 hộ bị ảnh hưởng, Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite đã đền bù cho hầu hết cho các hộ dân. Hiện còn 3 hộ là ông Nguyễn Văn Thạnh, Hồ Sĩ Phong và Hồ Phước chưa nhận bồi thường do các bên chưa thỏa thuận được mức giá đền bù thiệt hại”, ông Cư cho biết thêm.

Cần xây dựng kè chắn, mương thoát nước

Theo UBND xã Cát Nhơn, tại buổi lập biên bản vụ việc đất, đá, sỏi từ mỏ đá làm bồi lấp ruộng của dân, xã đã yêu cầu Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite phải giải quyết đền bù thỏa đáng cho các hộ bị ảnh hưởng; đồng thời, Công ty phải đưa phương tiện cơ giới để nạo vét, thu gom hết khối lượng đất, đá bồi lấp trên ruộng Hóc Ông Phong để tạo điều kiện cho bà con kịp sản xuất vụ Hè Thu. Hiện Công ty cũng đã hứa đợi đến khi bà con thu hoạch xong lúa vụ Đông Xuân (phần diện tích không bị ảnh hưởng) vào cuối tháng 3-2017, sẽ tiến hành việc nạo vét, thu gom. Tuy nhiên, ông Trần Văn Cư đề nghị: “Để đảm bảo môi trường xung quanh về lâu dài, Công ty cần xây dựng kè chắn xung quanh mỏ và hệ thống bể lắng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất nạn sa bồi, thủy phá đối với cánh đồng Hóc Ông Phong khi xảy ra mưa, lũ”.

Trao đổi về giải pháp mà chính quyền xã Cát Nhơn yêu cầu, bà Diệp Chi Minh Thi, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite, cho hay: “Cuối năm 2016, phía công ty đã gửi công văn cho UBND xã Cát Nhơn đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ cho đơn vị triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường đến nơi đến chốn; trong đó có việc xây dựng kè, suối thoát nước. Để triển khai biện pháp này, thời gian tới, công ty sẽ làm việc với UBND xã Cát Nhơn cùng ngành chức năng có liên quan của huyện Phù Cát để trao đổi, bàn bạc phương án khắc phục tối ưu nhất, nhằm ngăn chặn, hạn chế các sự cố tương tự nếu có xảy ra”.

Theo UBND xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát): Công ty TNHH Hoàn Cầu - Granite được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác đá trên Núi Bà thuộc địa phận thôn Liên Trì vào ngày 5-5-2016 với thời hạn 30 năm kể từ ngày ký, trên diện tích 5,25 ha.

Bài & ảnh: Hoàng Nguyên

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Dân mất ruộng vì mỏ đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO