Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định, trong 06 giờ qua, bão số 5 tiếp tục mạnh lên, đạt cấp 9-10, giật cấp 12. Hồi 14 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên 140km tính từ tâm bão. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Mưa lũ làm ngập nhiều tuyến đường nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định |
Dự báo ngày 30-31/10, khu vực tỉnh Bình Định có mưa rất to, tổng lượng mưa 300-400mm, có nơi 400-600mm, trên các sông trong tỉnh xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông có khả năng đạt mức BĐ2 đến BĐ3, có nơi trên BĐ3. Khu vực tỉnh Bình Định bắt đầu có mưa lớn từ 12 giờ ngày 30/10, lượng mưa bình quân từ 19 giờ ngày 29/10 đến 16 giờ ngày 30/10 là 35mm, lớn nhất 97mm tại Quy Nhơn.
Toàn tỉnh có 165 hồ chứa thủy lợi, dung tích các hồ chứa là 120,20/589,5 triệu m3, đạt 20,4% dung tích thiết kế, bằng 83,4% so cùng kỳ năm 2018 (tăng so với tuần trước 0,5 triệu m3, tăng 0,9% so thiết kế). Tất cả các hồ chứa đã sẵn sàng tích nước; trong đó, có 31 hồ chứa có tràn là cửa van và phai gỗ đã được kéo lên và sẵn sàng tháo lũ. Có 12 hồ chứa tổ chức thi công trong năm 2019, cơ bản vượt lũ, các tràn xả lũ đã hoàn thiện. Có 26 hồ chứa xuống cấp sẽ được theo dõi trong mùa mưa năm nay; trong đó có hồ chứa nước Suối Mây (Vân Canh) không tích nước để thi công trong năm 2020. Các cửa cống hồ chứa đã được kiểm tra và sẵn sàng phục vụ cấp nước cho vụ Đông Xuân 2019-2020.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở |
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, các huyện ven biển và thành phố Quy Nhơn đã phối hợp với gia đình chủ tàu thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Hiện nay, thuyền trưởng các tàu các nằm trong khu vực nguy hiểm đã nắm được thông tin của bão và đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Người dân gia cố nhà cửa phòng chống bão |
UBND tỉnh Bình Định đã cử 5 đoàn công tác về cơ sở kiểm tra an toàn hồ chứa, đê kè, thông thoáng dòng chảy trên sông; kiểm tra công tác di dân vùng triều cường, vùng có khả năng ngập sâu, vùng nguy cơ sạt lở đất; kiểm tra các công trình hạ tầng kỹ thuật đang xây dựng; kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó đối với các Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của các huyện, thị xã, thành phố; kiểm tra thông tin các tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra tàu thuyền được neo đậu an toàn tại các khu neo đậu Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan và nhắc nhở không cho người dân ở lại trên tàu. Yêu cầu di dân vùng có nguy cơ ngập sâu phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 30/10/2019, báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh biết để chỉ đạo kịp thời. Đến nay đã di dời 1.030 hộ (3.572 nhân khẩu) tại các vùng Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng kiểm tra chỉ đạo phòng chống bão số 5 |
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu ngành chức năng và chính quyền các cấp khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Đối với số hộ dân ở những vùng có nguy cơ thiên tai cao, ở vùng thường bị ngập sâu, ngay chiều 30/10 phải huy động lực lượng, phương tiện di dời đến nơi an toàn, đồng thời chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống để hỗ trợ cho dân. Khẩn trương kêu gọi ngư dân di chuyển tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm; bố trí sắp xếp các tàu cá đã vào nơi tránh trú an toàn, hạn chế va đập, gây hư hỏng tài sản của ngư dân. Các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động nắm tình hình để ứng phó bão số 5 theo phương châm “bốn tại chỗ”. Bố trí lực lượng kiểm soát, trực thường xuyên tại các điểm giao thông để hướng dẫn người dân, phương tiện đi lại tại các đoạn đường ngập sâu, nước chảy xiết, vùng nguy hiểm.