Bình Định: Cần khẩn trương sửa chữa, nâng cấp tuyến ĐH 33

01/12/2017 00:00

(TN&MT) -  Tuyến ĐH33 - đoạn từ đập đầu mối hồ thủy lợi Định Bình (xã Vĩnh Hảo) đến UBND xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), sau thời gian “oằn mình” chịu trận bởi những chuyến xe chở keo, vật liệu xây dựng,… trọng tải lớn, cộng với sự “bào mòn” của mưa lũ hiện đang xuống cấp nặng nề. Tuy nhiên, để sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này hiện các đơn vị chức năng chưa thống nhất được phương án bố trí vốn...

Đường xuống cấp nghiêm trọng

Theo ghi nhận của PV, trong suốt chiều dài gần 40 Km của tuyến đường ĐH33, mặt đường bị bong tróc gần như toàn bộ; “ổ gà”, “ổ voi” xuất hiện dày đặc. Ngoài mặt đường bị bong bật, hệ thống mái ta-luy âm và ta-luy dương ở nhiều vị trí cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Đơn cử, đoạn từ cầu Nước Mật đến hết cầu Trà Xom, PV nhẩm tính có đến 10 điểm sạt lở với khối lượng đất, đá bị trượt, bồi lấp lên đến hàng ngàn mét khối.

Mặt đường tuyến ĐH33 đã bong tróc, xuất hiện “ổ gà” “ổ voi”, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, trắc trở
Mặt đường tuyến ĐH33 đã bong tróc, xuất hiện “ổ gà” “ổ voi”, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, trắc trở

Bên cạnh đó, hệ thống cầu bản hay cống thoát nước nằm trên tuyến ĐH33 cũng bị xuống cấp, hoặc bị đất, đá lấp kín. Tại vị trí cầu bản lý trình Km27+500 hiện đã bị xói lở hoàn toàn ở phần chân khay mố; cống tròn lý trình Km36+700 bị đứt gãy, xói lở hoàn toàn phía hạ lưu, âm vào mặt đường bê tông xi măng hoặc cầu bản tại làng K6, xã Vĩnh Kim lý trình Km46+500 cũng bị xói lở nặng. Đáng lo lúc này là cung đường đèo Vĩnh Sơn đang xảy ra 4 điểm sạt lở, toàn bộ rãnh dọc phía ta-luy dương đã bị xói lở, cuốn trôi hoàn toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

Ông Đinh Khư, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), giãi bày: “Trước đây, mặt đường tuyến ĐH33 chưa hư hỏng, người đi xe máy từ trung tâm xã về thị trấn Vĩnh Thạnh chỉ mất hơn 1 giờ. Song, thời điểm hiện nay, cũng quãng đường đó, bà con mất hơn 2 tiếng mới tới thị trấn. Mặt đường chi chít “ổ gà”; mái ta-luy âm và ta-luy dương ở một số vị trí bị sạt lở, âm sâu vào mặt đường nên gây cản trở đến việc đi lại, giao thương của bà con. Chính quyền và bà con nhân dân rất mong UBND huyện và các Sở, ngành chức năng quan tâm đầu tư, sửa chữa lại con đường trọng yếu này”.

Nhiều hệ thống cầu bản, cống thoát nước trên trục đường ĐH33 đã xuống cấp, để cảnh báo phương tiện qua lại, UBND huyện Vĩnh Thạnh phải lắp đặt các biển báo chỉ dẫn, hoặc biển báo cảnh báo về cầu yếu
Nhiều hệ thống cầu bản, cống thoát nước trên trục đường ĐH33 đã xuống cấp, để cảnh báo phương tiện qua lại, UBND huyện Vĩnh Thạnh phải lắp đặt các biển báo chỉ dẫn, hoặc biển báo cảnh báo về cầu yếu

Bao giờ được sửa chữa, nâng cấp?

Theo ông Lê Văn Đính, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh, trước đây, tuyến ĐH33 được thiết kế với nhiệm vụ chủ yếu phục vụ cho việc vận hành thủy điện Vĩnh Sơn và đường dây tải điện 110KV, tải trọng 13 tấn. Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh là đơn vị giữ nhiệm vụ quản lý và sửa chữa, nâng cấp khi xuất hiện hỏng hóc. Sau đó, Công ty CP Đầu tư Vĩnh Sơn, Công ty CP thủy điện Trà Xom và Công ty CP thủy điện Bình Định lần lượt xây dựng nhà máy thủy điện trên địa bàn 2 xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn. Tuyến ĐH33 trở thành cung đường vận chuyển thiết bị, máy móc chung của 4 đơn vị trên. Do vậy, Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh kiến nghị giao tuyến đường lại cho UBND huyện quản lý; đồng thời, đề nghị 3 công ty khác cùng góp vốn để thực hiện duy tu sữa chữa. Tháng 3.2011, tuyến ĐH33 được UBND tỉnh thống nhất giao cho UBND huyện Vĩnh Thạnh thực hiện công tác bảo trì, duy tu sửa chữa, nâng cấp từ nguồn kinh phí đóng góp của 4 công ty thủy điện.

“Từ đó đến năm 2014, cung đường này đều đặn được nâng cấp hàng năm. Song, kể từ sau thời điểm này, nguồn vốn đóng góp giữa các đơn vị có lúc không kịp thời, mưa lũ thường xảy ra làm cho con đường nhanh chóng xuống cấp. Đặc biệt, sau những đợt mưa lũ kéo dài từ cuối năm 2016 và 2017, tuyến ĐH33 gần như bị hư hỏng hoàn toàn, khiến giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Trong khi nguồn vốn để khắc phục tình trạng này là rất lớn”, ông Đính cho biết thêm.

Mưa, lũ trong tháng 11.2017 đã làm nhiều nơi trên tuyến ĐH33 bị sạt lở nghiêm trọng
Mưa, lũ trong tháng 11.2017 đã làm nhiều nơi trên tuyến ĐH33 bị sạt lở nghiêm trọng

Trước thực tế này, ngày 12.9.2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định đã chủ trì cuộc họp liên ngành bàn về cơ chế quản lý, sử dụng, bảo dưỡng tuyến ĐH33. Theo đó, Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh sẽ thực hiện bảo trì, duy tu đoạn đường từ UBND xã Vĩnh Sơn đến cầu Nước Mật; Công ty CP Đầu tư Vĩnh Sơn chịu trách nhiệm sửa chữa đoạn từ cầu Nước Mật đến hết cầu Trà Xom; Công ty CP thủy điện Trà Xom thì cam kết duy tu đoạn từ cầu Trà Xom đến hết cầu suối Lùng Ung và Công ty CP thủy điện Bình Định sửa chữa đoạn từ cầu suối Lùng Ung đến đập đầu mối hồ Định Bình. Tuy nhiên do khó khăn về vốn, nên các đơn vị này vẫn chưa thống nhất về phương án và thời gian sửa chữa.

Ông Trần Quang Hiện, Giám đốc Công ty CP thủy điện Trà Xom, chia sẻ: Đầu năm 2017 đến nay, đơn vị bỏ ra 300 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng mặt đường, đồng thời, xây dựng hệ thống rãnh thoát nước dọc tuyến đang vận hành. Thế nhưng, mưa xuống thì đường lại bị hư hỏng do người khai thác keo mở quá nhiều đường ngang dọc núi, thảm cây thực vật để bảo hành lang tuyến cũng bị phát sạch, nên không ngăn, hạn chế được nước mưa đổ xuống.

“Bên cạnh công tác duy tu, UBND huyện Vĩnh Thạnh cần phải có giải pháp ngăn chặn tình trạng mở đường để khai thác keo cũng như việc bảo vệ thảm thực vật trong hành lang tuyến. Làm được việc này, hạ tầng tuyến đường ĐH33 mới đảm bảo. Trong khi điều kiện sản xuất của nhà máy gặp nhiều khó khăn, hằng năm bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sửa chữa đường thì chúng tôi không kham nổi…”, ông Hiện, bày tỏ.

 

Ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh:

“Đầu tháng 11.2017, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp để giải quyết vấn đề này; yêu cầu các công ty thủy điện phải có trách nhiệm duy tu, sửa chữa tuyến ĐH33. Trước mắt, tỉnh yêu cầu tập trung khắc phục các đoạn bị hư hỏng nặng, đặc biệt là đoạn từ cầu Nước Mật đến hết cầu Trà Xom; kinh phí thực hiện khoảng 4 tỉ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 1 tỉ đồng, còn lại là kinh phí đóng góp của các nhà máy thủy điện; thời gian thực hiện trong năm 2017”.

 

Hoàng nguyên

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Cần khẩn trương sửa chữa, nâng cấp tuyến ĐH 33
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO