Bình Định: Bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng

Mỹ Bình| 12/09/2019 09:29

(TN&MT) - Tối 11/9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP. Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 1. Đây là sự kiện chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 3, năm 2019.

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 1, năm 2019
Liên hoan Văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 1, năm 2019

Trong truyền thống văn hóa nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng, Bình Định tự hào là vùng đất có bề dầy lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Là nơi sinh sống của các dân tộc anh em Kinh, Bana, Hre, Chăm. Mỗi dân tộc một bản sắc riêng, góp phần làm nên sự phong phú đa dạng về văn hóa Bình Định.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định tặng hoa, cờ cho các đoàn về tham gia Liên hoan
Lãnh đạo tỉnh Bình Định tặng hoa, cờ cho các đoàn về tham gia Liên hoan

Những năm qua, tỉnh Bình Định triển khai nhiều chương trình, đề án, kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong tỉnh như: Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định; định kỳ hai năm một lần tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi; nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống được tổ chức; thiết chế văn hóa: nhà Rông, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng; các ngành nghề thủ công truyền thống được duy trì, phát triển. Đặc biệt chương trình hỗ trợ cồng chiêng cho các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã tạo thêm điều kiện để bà con phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng phát biểu khai mạc Liên hoan
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng phát biểu khai mạc Liên hoan

Phát biểu khai mạc Liên hoan, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh: Đối với đồng bào miền núi, cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng cao quý, tiếng cồng chiêng từ ngàn đời đi vào máu thịt của người dân miền núi. Từ lúc mới lọt lòng đã được tiếng cồng dẫn dắt gia nhập cộng đồng, lớn lên dựng vợ gả chồng và cả đến khi từ giã cõi đời cũng được tiếng cồng chiêng tiễn biệt về cõi vĩnh hằng. Có thể nói, âm vang cồng chiêng đã bám rễ vào đời sống của từng con người, được ướp hương thiên nhiên của trời đất. Văn hóa cồng chiêng không chỉ là mạch suối nguồn âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của người dân đất đại ngàn, mà còn là niềm vui, niềm tự hào, hồn thiêng của đồng bào các dân tộc.

Đối với đồng bào miền núi, cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng cao quý
Đối với đồng bào miền núi, cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng cao quý

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 1, năm 2019 được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của cộng đồng các dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh. Là dịp để các nghệ nhân cồng chiêng được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong việc phục hồi, truyền dạy và phát huy nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc mình, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, đóng góp tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Âm vang cồng chiêng đã bám rễ vào đời sống của từng con người
Âm vang cồng chiêng đã bám rễ vào đời sống của từng con người

Liên hoan Văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 1 có sự tham gia của 300 nghệ nhân cồng chiêng cùng diễn viên các đoàn đến từ 6 huyện miền núi, trung du: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát và Hoài Ân đã mang đến cho Liên hoan nhiều sắc màu, đậm đà bản sắc dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO