Bình đẳng giới trong chính sách ứng phó với BĐKH tại Việt Nam

Hoàng Ngân| 28/04/2021 14:12

(TN&MT) - Sáng 28/4, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Chương trình Môi trường của Liên Hợp quốc (UNEP) tổ chức Hội thảo “Thực trạng bình đẳng giới trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”.

TS. Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm hiểu rõ hơn thực trạng lồng ghép giới trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam, đặc biệt trong 4 ngành lựa chọn. Từ đó, trao đổi, chia sẻ về việc sử dụng kết quả nghiên cứu trong thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và quá trình cập nhật Chiến lược quốc gia về BĐKH, và khả năng áp dụng kết quả đánh giá thực trạng lồng ghép giới trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam tại các Bộ ngành và địa phương.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) cho biết: Giới và BĐKH là những vấn đề liên ngành cần sự chung tay của các quốc gia và toàn thể xã hội. Bình đẳng giới và BĐKH đã trở thành các mục tiêu quan trọng của Chương trình Nghị sự 2030, cụ thể, mục tiêu SDG 5 về giới và SDG 13 về ứng phó với BĐKH. Việt Nam được xem là quốc gia chịu tác động nặng nề bởi BĐKH, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tài nguyên nước. Để thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh BĐKH ngày càng diễn biến nhanh và bất thường, việc xem xét những tác động giới của BĐKH cũng như lồng ghép giới trong các chính sách khí hậu ở cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương là rất cần thiết, đặc biệt là chính sách khí hậu của các lĩnh vực về thích ứng như nông nghiệp, tài nguyên nước và các lĩnh vực phát thải khí nhà kính như năng lượng và quản lý chất thải.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 2 bài trình bày về thực trạng bình đẳng giới trong chính sách ứng phó với BĐKH tại Việt Nam và cập nhật Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Chia sẻ báo cáo thực trạng bình đẳng giới trong chính sách ứng phó với BĐKH tại Việt Nam, ông Nguyễn Sỹ Linh, đại diện IPSONRE cho hay, trong ngành nông nghiệp, sự phân công lao động theo giới trong ngành và các trách nhiệm khác do phụ nữ đảm nhận do các chuẩn mực giới đã ngăn chặn họ tham gia tích cực vào việc đưa ra các quyết định trong và ngoài hộ gia đình.

Trong ngành quản lý nước, nhiều chính sách quốc gia coi phụ nữ là một trong những nhóm dễ bị tác động và phần lớn vẫn coi phụ nữ là người thụ hưởng nên các chính sách hiếm khi tập trung vào phụ nữ như những nhân tố tiềm năng của sự thay đổi để bảo tồn tài nguyên nước.

Trong ngành quản lý chất thải, 90% người thu gom và nhặt phế liệu là phụ nữ, những người có công việc không được pháp luật hiện hành công nhận vì họ được coi là một phần của khu vực kinh tế phi chính thức.

Trong ngành năng lượng, hầu hết các công việc trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và kỹ thuật được coi là chỉ phù hợp với nam giới theo truyền thống, do đó sự đóng góp của phụ nữ chiếm tỷ lệ thấp hơn đáng kể.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể theo từng nhóm ngành nghề để có thể cung cấp các chính sách nhằm tăng cường lồng ghép giới trong việc thực hiện NDC và cập nhật Chiến lược Quốc gia về BĐKH ở Việt Nam.

“Chúng tôi hy vọng rằng những phát hiện chính của báo cáo này và các khuyến nghị cho các ngành nghề chính sẽ hữu ích cho các đối tác Chính phủ để đảm bảo việc giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH có đáp ứng giới, đảm bảo nguyên tắc bao trùm và dựa trên quyền để chúng ta có thể cùng xây dựng một tương lai thực sự bền vững cho thế hệ này và các thế hệ mai sau”, ông Mozaharul Alam - Điều phối viên khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về BĐKH của UNEP chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình đẳng giới trong chính sách ứng phó với BĐKH tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO