Bình Chánh (TP.HCM): Mục tiêu thu gom, xử lý hiệu quả 100% rác thải nông thôn

24/08/2016 00:00

  (TN&MT) -  TP.HCM vừa phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng thực hiện công tác thu gom, xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất, xử lý chất...

 

(TN&MT) -  TP.HCM vừa phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng thực hiện công tác thu gom, xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất, xử lý chất thải chăn nuôi và cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện Bình Chánh giai đoạn 2016 - 2020.

Bình Chánh là huyện ngoại thành của TP.HCM, có tốc độ đô thị hóa, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhanh…nên đang phải đối mặt nhiều áp lực trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo  Đề án trên, Bình Chánh phấn đấu  trong năm 2016, đảm bảo 100% hộ gia đình ở khu vực có thể thu gom rác thực hiện chuyển giao rác cho Tổ thu gom rác và hỗ trợ cho 100% hộ gia đình ở khu vực không thể thực hiện được xử lý rác bằng mô hình ủ phân compost; trồng mới cây xanh trên tất cả các tuyến đường giao thông và vận động ít nhất 10% hộ dân trồng cây xanh dọc các hàng rào; phát triển mới 17,25 km tuyến ống cấp 3 và đầu tư cải tạo 6 trạm cấp nước để cung cấp nước sạch cho 2.062 hộ dân; đảm bảo 100% hộ dân trên địa bàn xã Bình Chánh được cung cấp nước sạch.

Đoàn viên thanh niên huyện Bình Chánh tham gia dọn vệ sinh môi trường
Đoàn viên thanh niên huyện Bình Chánh tham gia dọn vệ sinh môi trường

Năm 2017,  Bình Chánh phấn đấu mỗi xã có ít nhất 25% hộ gia đình ở khu vực không thể thực hiện thu gom rác được xử lý rác bằng mô hình ủ phân compost; di dời ít nhất 25% cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung; nâng tổng số hộ dân sử dụng nước sạch qua phát triển mạng cấp 3, trạm cấp nước, đồng hồ tổng đạt ít nhất 85%; ít nhất 30% vườn tạp trên địa bàn huyện được cải tạo; ít nhất 70% tuyến đường trên địa bàn huyện có cây xanh; tỷ lệ xanh hóa hàng rào đạt ít nhất 20% (riêng xã Bình Chánh đạt ít nhất 30%); nạo vét, xử lý giảm ô nhiễm ít nhất 8 tuyến kênh, rạch.

Năm 2018, mỗi xã  của Bình Chánh có ít nhất 50% hộ gia đình ở khu vực không thể thực hiện thu gom rác được xử lý rác bằng mô hình ủ phân compost; mỗi xã có ít nhất 30% hộ chăn nuôi thực hiện mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap; di dời ít nhất 50% cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung; nâng tổng số hộ dân sử dụng nước sạch qua phát triển mạng cấp 3, trạm cấp nước, đồng hồ tổng đạt ít nhất 95%; ít nhất 50% vườn tạp trên địa bàn huyện được cải tạo; ít nhất 90% tuyến đường trên địa bàn huyện có cây xanh; tỷ lệ xanh hóa hàng rào đạt ít nhất 30%; nạo vét, xử lý giảm ô nhiễm thêm ít nhất 10 tuyến kênh.

Năm 2019, mỗi xã trên địa bàn huyện có ít nhất 75% hộ gia đình ở khu vực không thể thực hiện thu gom rác được xử lý rác bằng mô hình ủ phân compost; mỗi xã có ít nhất 45% hộ chăn nuôi thực hiện mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap; di dời ít nhất 75% cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung; ít nhất 70% vườn tạp trên địa bàn huyện được cải tạo; 100% tuyến đường trên địa bàn huyện có cây xanh; tỷ lệ xanh hóa hàng rào đạt ít nhất 40%; nâng tổng số hộ dân sử dụng nước sạch qua phát triển mạng cấp 3, trạm cấp nước đạt 100%; nạo vét, xử lý giảm ô nhiễm thêm ít nhất 10 tuyến kênh, rạch.

Đến năm 2020, Bình Chánh phấn đấu có 100% hộ gia đình ở khu vực không thể thực hiện thu gom rác được xử lý rác bằng mô hình ủ phân compost; mỗi xã có ít nhất 50% hộ chăn nuôi thực hiện mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap; di dời 100% cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung; 100% vườn tạp trên địa bàn huyện được cải tạo; 100% tuyến đường trên địa bàn huyện có cây xanh; tỷ lệ xanh hóa tường rào đạt ít nhất 50%; nạo vét, xử lý giảm ô nhiễm thêm 7 tuyến kênh; 100% tuyến kênh, rạch ô nhiễm trên địa bàn được cải thiện chất lượng nguồn nước.

Nguyễn Thanh 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Chánh (TP.HCM): Mục tiêu thu gom, xử lý hiệu quả 100% rác thải nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO