Bỉm Sơn – Thanh Hóa: Xúc tan cả đồi đất để làm gạch

08/03/2017 00:00

(TN&MT) - Ai "chống lưng" cho ông Nguyễn Quang Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sản xuất thương mại Lam Sơn khai thác đất trái phép? 

 

(TN&MT) - Ai “chống lưng” cho ông Nguyễn Quang Quý, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sản xuất thương mại Lam Sơn, có địa chỉ tại khu phố 9, phường Lam Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá khai thác khoáng sản (đất) trái phép? Có hay không việc “ăn dơ” giữa UBND phường Lam Sơn (đơn vị quản lý hành chính) với doanh nghiệp này?. Vai trò trách nhiệm của Phòng Tài nguyên & Môi trường Thị xã Bỉm Sơn, lực lượng Cảnh sát môi trường đến đâu khi để mặc cho doanh nghiệp “đục khoét” tài nguyên khoáng sản trên diện tích hàng ngàn m2 đất?…

Khu đồi đã bị xúc gần bằng
Khu đồi đã bị xúc gần bằng

Đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm của cả các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng như xử lý nghiêm hoạt động “ăn cắp” khoáng sản của Cty CP sản xuất và thương mại Lam Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) khi suốt một thời gian dài, doanh nghiệp này công khai, ngang nhiên “ăn cắp” đất, xúc cả quả đồi phía sau nhà máy gạch Tuy-nel của mình để làm nguyên liệu đóng gạch. Không chỉ “trộm cắp” khoáng sản, doanh nghiệp này còn “xì khói” hàng ngày gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Bà con nhân dân tổ 1 khu 9, phường Lam Sơn không khỏi bàng hoàng mỗi khi nhắc đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây. Kiến nghị nhiều, kêu nhiều, nhưng chỉ nhận được sự im lặng từ phía chính quyền địa phương.

Khu đồi đã bị xúc gần bằng
Khu đồi đã bị xúc gần bằng

Vì sao "con voi chui lọt lỗ kim"?

Ông Đ, một người dân sinh sống ở tổ 1 cho biết: gia đình ông dọn về khu này số từ những năm 80 rồi. Lúc trước toàn là đồi sim, hoang hóa, cỏ sậy. Bà con chuyển đến đây ở, phát quang, xây dựng nhà cửa để sinh sống. Không khí, trong lành. Cách đây mấy năm, mọc ra các nhà máy gạch của “ông Quý” này, không khí ô nhiễm lại trầm trọng hơn. Hàng ngày, cứ hết mùi khét của nhà máy gạch bốc sang, lại đến nhà máy may Huệ Anh. Ông D. bộc bạch, chẳng biết lãnh đạo mấy doanh nghiệp này họ có biết nghĩ không. Chứ tra tấn như vậy thì chúng tôi chỉ có nước…. chết. Đã thế trẻ em, người già đều ốm yếu, ho hen hết lượt. Kiến nghị mãi mà không được.

Anh H, nhà ngay đây bức xúc tố cáo: Nhà tôi chẳng gần đường, nhưng bụi, khói từ nhà máy gạch Lam Sơn cứ hàng ngày xả và bay về đây. Chả hiểu họ làm công nghệ lò gạch kiểu gì mà lại “ma quái” đến vậy. Cây cối chả ra quả, hoa vừa đơm đã rụng. Anh H còn dẫn phóng viên lên mái nhà mình để chỉ ranh giới hàng rào cũng như mức độ ô nhiễm mà do 2 nhà máy Huệ Anh và Lam Sơn đang “tra tấn” nhân dân.

Cánh cổng còn in dấu vết chở đất vào nhà máy gạch
Cánh cổng còn in dấu vết chở đất vào nhà máy gạch

Được sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình của bà con nhân dân tổ 1, khối 9, phường Lam Sơn, phóng viên đã thâm nhập vào khu đồi mà Công ty CP thương mại và sản xuất Lam Sơn đang khai thác. Tại hiện trường, phóng viên thấy cả một vạt đồi lớn đã bị xúc tung hết. Đất đồi được chở qua lối cổng sau của nhà máy, vết đất, vết xe chạy vẫn còn nguyên vết. Đám khoáng sản “ăn cắp” được tập kết về đây vẫn còn khá nhiều. Đoàn xe tải chở đất sét từ bờ sông về cũng rầm rộ, vãi đất ra đường, gây ô nhiễm nặng, nguy hiểm cho người qua lại.

Bà Nguyễn Thị Thôn, tổ trưởng tổ 1 chỉ hiện trạng những cái bẫy mà doanh nghiệp gạch Lam Sơn gây ra
Bà Nguyễn Thị Thôn, tổ trưởng tổ 1 chỉ hiện trạng những cái bẫy mà doanh nghiệp gạch Lam Sơn gây ra

Qua điều tra, phóng viên được biết: nạn khai thác đất đồi từ quả đồi ngay cạnh nhà máy gạch Lam Sơn chủ yếu là do chính Công ty CP Lam Sơn chỉ đạo và khai thác. Đến nay, số lượng đất khai thác lên đến cả vạn khối, nhưng về phía chính quyền địa phương mới chỉ biết…. lập biên bản, chứ chưa có chế tài nào xử lý cả. Bởi vậy khiến nhân dân địa phương nghi ngờ có sự ăn dơ giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp. Vai trò, trách nhiệm của ông Lê Anh Tuấn, chủ tịch UBND phường Lam Sơn đến đâu? Khi để tình trạng khai thác khoáng sản diễn ra trong suốt 1 thời gian dài. Có hay không việc móc ngoặc, chia nhau tiền bán số lượng khoáng sản này cho nhà máy gạch Lam Sơn để rồi buông lỏng quản lý… (?)

Trụ sở doanh nghiệp gạch Lam Sơn
Trụ sở doanh nghiệp gạch Lam Sơn

 

Trụ sở doanh nghiệp may Huệ Anh
Trụ sở doanh nghiệp may Huệ Anh

Xử lý nửa vời, lơ cho sai phạm?

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thôn, giáo viên nghỉ hưu, tổ trưởng tổ 1, khu phố 9 bức xúc cho biết: cả tổ 1 có 17 hộ dân, ai khi nhắc đến vẫn đề ô nhiễm môi trường, nạn đào xúc đất ở đây, bà con đều bức xúc. Họ đề nghị bà đi họp phải có ý kiến, sự thật phải được phơi bày. Với vai trò, trách nhiệm của người tổ trưởng dân phố, bà đi họp đều có ý kiến. Thậm chí, bà Thôn còn kể lại, lúc trước đi bầu Hội đồng nhân dân 2 cấp, lãnh đạo nhà máy gạch Lam Sơn còn đi “vận động hành lang” bầu cho họ vào HĐND. Và họ hứa sẽ lấp khu vũng mà trước đây họ đào lên, để cho đỡ nguy hiểm cho bà con. Nhưng khi bầu cử xong, công bố kết quả thì vị ứng cử này bị trượt là “gã” cũng lờ luôn. Kể từ đó đến nay, sự việc vẫn nguyên si. Những hố lớn do đào đất sâu xuống vẫn đầy nước và là cái bẫy đối với dân tổ 1, bà Thôn khẳng khái tố cáo.

 Kho nguyên liệu đất phục vụ cho sản xuất gạch Lam Sơn
Kho nguyên liệu đất phục vụ cho sản xuất gạch Lam Sơn

Làm việc với ông Tống Văn Ninh, Phó chủ tịch UBND phường Lam Sơn về việc khai thác khoáng sản trái phép, ông Ninh thừa nhận có việc đó, nhưng địa phương đã lập biên bản rồi. Khi hỏi đến việc xử lý như thế nào khi doanh nghiệp này “ăn cắp” mà chỉ lập biên bản thì ông Ninh cũng không trả lời với lý do doanh nghiệp này đang xin khu đó làm mỏ (!?).

Trao đổi với phóng viên, ông Mai Quang Bính, Trưởng phòng TN&MT Thị xã Bỉm Sơn thẳng thắn cho biết: Việc Cty CP sản xuất và thương mại Lam Sơn do ông Nguyễn Quang Quý làm chủ tịch HĐQT khai thác đất đồi khi chưa được cấp phép là sai pháp luật, cũng có thể gọi là…. “trộm cắp” khoáng sản. Sau khi biết được tin đó, cán bộ đội quy tắc đã xuống lập biên bản rồi. Hiện tại chúng tôi đã đình chỉ mọi hoạt động khai thác khoáng sản ở đây và báo cáo lên cấp trên. Khi được hỏi, các anh có hướng xử lý ra sao khi lượng khoáng sản lớn đã lọt vào…. kho của doanh nghiệp, thì ông Bính chưa trả lời được. Ông Bính cũng cho biết, cũng vì là mục tiêu phát triển kinh tế nên Thị xã Bỉm Sơn luôn “nóng” tình trạng ô nhiễm, khói bụi là khá phổ biến.

Về phía doanh nghiệp may Huệ Anh, ông Bính cho biết: Đúng là có chuyện nước thải, ống khói xả ra, gây ảnh hưởng đến đời sống bà con nhân dân. Phòng TN&MT đã có kiểm tra, lãnh đạo thị xã đã nhắc nhở doanh nghiệp này phải tuân thủ các quy định của pháp luật và bà Dung, đại diện doanh nghiệp “có hứa” sẽ tuân thủ tốt.

Hiện trạng nơi sản xuất gạch Lam Sơn
Hiện trạng nơi sản xuất gạch Lam Sơn

Chia sẻ với phóng viên, luật sư Hà Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Việc khai thác khoáng sản nói chung (đất cũng là một loại khoáng sản) phải được các cơ quan chức năng cho phép. Ở đây, muốn khai thác khoáng sản phải được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép. Còn các cơ quan chức năng khác là phải giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật. Đằng này, các cơ quan chức năng địa phương thì “ngớ lơ” cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vậy lực lượng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Thanh Hóa ở đâu khi để xảy ra tình trạng trên?. Và rồi, khoáng sản cứ bị chảy máu và lợi ích “chui tọt” vào túi của những ông chủ tham lam, thiếu tinh thần trách nhiệm với đất nước.

Bài & ảnh: Hà Nhật Lam

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỉm Sơn – Thanh Hóa: Xúc tan cả đồi đất để làm gạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO