Phiên bản CHLB Đức đầu tiên tại Việt Nam
Đó là Nhà máy phân loại, xử lý chất thải rắn, sản xuất điện và phân bón khoáng hữu cơ do Công ty TNHH phát triển dự án Việt Nam là chủ đầu tư, với tổng vốn 1.420 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 8/2016, với tổng diện tích 7ha và đi vào hoạt động từ tháng 3/2018. Nhà máy là tổ hợp xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất tái tạo tổng công suất điện 10MW, sửa dụng 100% thiết bị, công nghệ đồng bộ, khép kín, hiện đại và tiên tiến nhất của CHLB Đức.
Trong đó, một dây chuyền phân loại rác thải của Tập đoàn STADLER 245 tấn/ngày; một dây chuyền khí sinh học và phát điện 2,0 MW; một dây chuyền khí sinh học và phát điện 10 MW; một dây chuyền nhiệt phân và phát điện 2,4 MW; một hệ thống nguồn điện gió và mặt trời với tổng công suất 4,6 MW; một dây chuyền sản xuất đất sạch và phân bón khoáng hữu cơ mang thương hiệu DEPORT-PLAN 10.000 tấn/năm và một khu công nghệ ứng dụng cao.
Dự án nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương; cung cấp phân bón và đất sạch phục vụ nhu cầu nông nghiệp sạch, sản xuất điện thương phẩm và năng lượng tái tạo. Với công nghệ hiện đại của Đức, Nhà máy có công suất phân loại và xử lý 245 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, phát điện công suất 10MW, sản xuất 10.000 tấn đất sạch và phân bón hữu cơ khoáng Depot-Plan/năm.
Đối với rác thải sinh hoạt, phế phẩm nông nghiệp như bã mía, bã ngô, thân cây… sẽ được xử lý lên men ở nhiệt độ cao từ 60 đến 65oC. Phần khí gas sau khi lên men sẽ được đốt trong dây chuyền khép kín để sản xuất ra điện với tổng công xuất là 5,4MW và giúp ngăn chặn các loại khí gây hại phát tán ra môi trường. Phần bã sau khi lên men dùng để sản xuất phân bón khoáng hữu cơ, hai sản phẩm này đều có thể bán được. Phần chất thải cần chôn lấp sẽ chỉ còn nhỏ hơn 7%.
Trao đổi với PV, bà Trần Xuân Dung- Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam, cho biết: “Đây là một tổ hợp gồm 5 đến 6 dây chuyền trong một nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của CHLB Đức. Hiện tại chúng tôi đã thiết kế trong đó có dây chuyền phân loại rác thải công suất là 245 tấn trên một ngày.. nếu có đủ nguyên liệu đầu vào thì chúng tôi có thể đạt công suất 750 đến 1000 tấn một ngày nếu làm 3 ca”.
Không chỉ xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày, rác thải rắn dây chuyền này còn xử lý được các loại rác thải, phụ phẩm nông nghiệp “biến” chúng thành sản phẩm có ích. Rác sau khi tập kết sẽ được phân loại ngay trên dây chuyền, các vật dụng có thể tái chế như nhựa, kim loại sẽ được lọc bỏ. Dự án Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất điện và phân bón khoáng hữu cơ của Công ty TNHH phát triển dự án Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà đánh giá ngang tầm thế giới.
“Biến” rác thải thành hoa
Quảng Bình là địa phương có khi hậu khắc nghiệt, không phải là nơi phù hợp để trồng các loại hoa, đặc biệt là các loài hoa có nguồn gốc từ Châu Âu hay xứ lạnh. Thế nhưng, Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam đã áp dụng và xây dựng thành công mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Không chỉ phát triển được những cây hoa khó trồng như lan hồ điệp, hoa oải hương, cẩm tú cầu mà còn nhiều loại cây trái có giá trị xuất khẩu thuhoạch bằng việc sử dụng nguồn rác, phụ phẩm hữu cơ ở nhà máy phân loại và xử lý rác.
Ông Phan Trung Thông, Kỹ sư, kiêm tổ trưởng quản lý khu mô hình ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi sử dụng mô hình khép kín đó là sử dụng nguồn rác và phụ phẩm hữu cơ ở nhà máy phân loại và xử lý rác, từ cái nguồn rác đó chúng tôi đã ứng dụng công nghệ sinh học mà cụ thể là công nghệ vi sinh, kèm theo công nghệ từ bên nước Đức áp dụng và chúng tôi phân loại, xử lý làm nguồn đầu vào cho các loại hoa và cây. Khi sử dụng các nguồn đầu vào đó thì chúng tôi đã đem đi kiểm định, đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn để cho cây ở đây có thể phát triển tốt. Hiện tại quy mô đã hơn 3,5 ha, sắp tới công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích mô hình ứng dụng công nghệ cao”.
Khu sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của Công ty Phát triển dự án Việt Nam có diện tích hơn 3,5ha, gồm 8 nhà xưởng áp dụng công nghệ nông nghiệp chính xác của Israel, Đài Loan và hệ thống làm mát tiêu chuẩn Châu Âu. Trong mỗi vườn hoa, mỗi kệ hoa đều có một hệ thống cung cấp chất dinh dưỡng thông qua đường nước tưới, một hệ thống tưới nước ấm cho cây vào mùa đông hoặc khi cần nhiệt để kích thích cây ra hoa. Các vấn đề cần phải tính đến như đặc điểm thời tiết, khí hậu và nhiệt độ đã có hệ thống nhà kính, máy điều hòa và máy tạo độ ẩm xử lý. Phần quan trọng của các kỹ sư là nắm rõ đặc điểm, đặc tính của từng loài hoa, loài cây cần trồng.
“Chúng tôi muốn biến rác thải sinh hoạt thành những sản phẩm có ích và đây là mô hình ứng dụng đầu tiên biến rác thành hoa, vừa rồi chúng tôi có trông thử nghiệm các loại hoa và cây ăn quả có giá trị cao như dưa lưới đã trồng một mùa vụ, sung mỹ chúng tôi đang thu hoạch và đã có những khách hàng tiềm năng. Trong tương lai chúng tôi cũng muốn phát triển mô hình này theo đúng nghĩa của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời đại 4.0 và chúng tôi muốn biến đây trở thành không những đây là xử lý rác thải môi trường mà biến nó thành trung tâm, điểm đến của du lịch tỉnh”, bà Trần Xuân Dung, Trưởng phòng TCHC, Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam, cho biết thêm.
Điều kỳ diệu tưởng chừng không thể đã được thực hiện thành công ở Quảng Bình. Thành công trong việc trồng các loại hoa, các loại cây ăn quả có giá trị cao trong bước thực nghiệm đã tạo tiền đề để Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam.