Biến đổi khí hậu vào trường học

22/07/2014 00:00

(TN&MT) - Khái niệm biến đổi khí hậu bắt đầu “du nhập” vào Việt Nam khoảng hơn 20 năm và thực sự trở thành một vấn đề thời sự nóng từ khoảng 7-8 năm nay.

   
(TN&MT) - Khái niệm biến đổi khí hậu bắt đầu “du nhập” vào Việt Nam khoảng hơn 20 năm và thực sự trở thành một vấn đề thời sự nóng từ khoảng 7-8 năm nay. Việc đưa kiến thức về biến đổi khí hậu vào các trường học thực sự cần thiết để các trí thức trẻ - những nhà quản lý đất nước trong tương lai - có được nhận thức đầy đủ, tầm nhìn bao quát trong công cuộc ứng phó với BĐKH còn lâu dài.
   
3 trường đại học đầu tiên có môn biến đổi khí hậu
   
  Đó là ĐH Lâm nghiệp, ĐH Vinh và ĐH Đà Lạt. Đây là 3 trong số 12 trường ĐH ở vùng sông Mê Công được chọn thực hiện Dự án “Lồng ghép giảng dạy về biến đổi khí hậu (BĐKH) trong Chương trình đào tạo trình độ đại học”. Dự án do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
   
  Chương trình giảng dạy về BĐKH do Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ (USFS), Chương trình giảm phát thải khí nhà kính khu vực châu Á (LEAF) và hơn 100 nhà khoa học của các nước biên soạn. Chương trình gồm 4 hợp phần: Kiến thức chung về BĐKH; Các khía cạnh xã hội và môi trường của BĐKH; Lập kế hoạch sử dụng đất nhằm giảm phát thải; Đo tính và giám sát Carbon.
   
  Tùy theo cách vận dụng của nhà trường và ngành đào tạo, 4 học phần này sẽ được tích hợp vào các chương trình đào tạo chính quy và không chính quy; cũng như các chương trình đào tạo cho các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách về quản lý tài nguyên. Các chủ đề đào tạo bằng lý thuyết và thực tế, được lựa chọn phù hợp với các khóa đào tạo ngắn hạn cho các chuyên gia và lãnh đạo quan tâm tới BĐKH.
   
Đào tạo chuyên sâu về biến đổi khí hậu
   
  Chương trình đào tạo chuyên sâu về biến đổi khí hậu được thực hiện sớm hơn. Chương trình đào tạo thạc sĩ biến đổi khí hậu được tổ chức ở Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu từ năm 2011. Đây là lĩnh vực học thuật có tính liên ngành cao, nội dung hàm chứa kiến thức tổng hợp của nhiều ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, lần đầu tiên được tổ chức đào tạo ở Việt Nam. Chương trình thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tượng từ các cơ quan, ban ngành, địa phương khác nhau.
   
  Tốt nghiệp khóa thạc sĩ về biến đổi khí hậu, học viên có thể giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến chuyên môn, chuyên ngành biến đổi khí hậu; làm công tác quản lí, hoạch định chính sách ở các bộ ngành có liên quan và các địa phương; công tác tại các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển, sinh kế và cộng đồng; hoặc nghiên cứu, quản lí tại các khu vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu du lịch, sinh thái, khu dự trữ sinh quyển...
   
  Chương trình đào tạo tiến sĩ ở Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường đã có chuyên đề về biến đổi khí hậu. Các nội dung chính của chương trình này tập trung vào cơ sở khoa học của Biến đổi Khí hậu, mô hình hóa khí hậu, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; kịch bản BĐKH và nước Biển dâng cho Việt Nam; đánh giá tác động của BĐKH và xây dựng Kế hoạch hành động; Tích hợp vấn đề BĐKH vào kế hoạch phát triển Kinh tế xã hội; Giảm nhẹ BĐKH và Đàm phán Quốc tế về BĐKH…
   
Để biến đổi khí hậu thành môn học phổ thông
   
  Từ cách đây 3 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính đến việc đưa vấn đề biến đổi khí hậu thành môn học chính trong trường phổ thông vào năm 2015.
   
  Theo dự kiến, bộ môn Giáo dục môi trường sẽ được giảng dạy linh hoạt phù hợp đối với từng cấp học. Cụ thể với cấp mầm non sẽ tuyển tập các bài thơ, bài hát, trò chơi... với nội dung liên quan BĐKH. Ở cấp tiểu học, THCS, THPT, các trung tâm GDTX sẽ biên soạn tài liệu tích hợp với các môn học, các modun về ứng phó với BĐKH... Các trường ĐH, CĐ khối sư phạm, nội dung này sẽ đưa thành một chương riêng trong học phần "Con người và Môi trường" hoặc "Khoa học môi trường", "Môi trường và phát triển bền vững".
   
BĐKH là một khái niệm rộng, vậy dạy dỗ trẻ em thế nào để các em hiểu và góp phần cải thiện tình hình này?
   
  Vấn đề mà nhiều phụ huynh, giáo viên quan tâm là BĐKH là một khái niệm rộng, vậy dạy dỗ trẻ em thế nào để các em hiểu và góp phần cải thiện tình hình này? Một số tỉnh đã thực hiện thí điểm với hình thức ngoại khóa.
   
  Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa BĐKH thành môn học chính là điều rất khó thực hiện vì chương trình giáo dục đã rất nặng và quá tải. Ngoài ra, chương trình phải xây dựng thế nào để môn học về BĐKH không trở nên khô cứng mà thực sự thu hút được các em học sinh.
   
  Nhiều người đồng tình nên đưa vào tiết học ngoại khóa theo hình thức vừa giảng dạy vừa vui sẽ làm tăng hiệu quả của giáo dục về BĐKH. Tuy nhiên, nếu lồng ghép thì cần phải có những biện pháp cụ thể giúp các em tiếp thu một cách dễ dàng, tránh tình trạng giáo viên xem đây không phải là môn học đinh, môn học chính thống mà lờ nó đi.
   
Bảo Châu
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu vào trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO