Biến đổi khí hậu sẽ nhấn chìm 75% diện tích Kiên Giang

01/11/2016 00:00

(TN&MT) - Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2015 đã cập nhật số liệu về khí tượng thủy văn và mực nước biển từ 150 trạm quan trắc của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia và số liệu đo đạc từ vệ tinh. Qua đó đã phát hiện tỉnh Kiên Giang có nguy cơ ngập cao nhất (75% diện tích) do nước biển dâng.

Kiên Giang chịu ảnh hưởng nặng nhất

Phiên bản năm 2015 đã xây dựng kịch bản BĐKH chi tiết đến cấp huyện, kịch bản nước biển dâng đến cấp tỉnh, bản đồ nguy cơ ngập ứng với mực nước biển dâng chi tiết đến cấp xã. Về mực nước biển dâng, số liệu quan trắc cho thấy khu vực ven biển Nam Bộ tăng mạnh nhất: 5,6mm/năm, tiếp theo là ven biển Trung bộ: 4mm/năm, thấp nhất là ven biển vịnh Bắc Bộ: 2,5mm/năm. Như vậy có nghĩa, nếu nước biển dâng 1m, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập cao (39,4% diện tích), trong đó tỉnh Kiên Giang có nguy cơ ngập cao nhất (75% diện tích).

Kiên Giang có nguy cơ ngập 75% diện tích do nước biển dâng. Ảnh: MH
Kiên Giang có nguy cơ ngập 75% diện tích do nước biển dâng. Ảnh: MH

Kiên Giang nằm tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc và thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 200 km bờ biển và có hàng trăm cửa sông, kênh rạch thoát nước ra biển Tây. Địa thế tỉnh Kiên Giang là một hệ thống hở, thấp, chịu tác động của chế độ thủy văn, chịu ảnh hưởng bởi 3 yếu tố: thủy triều vịnh Thái Lan, chế độ thủy văn của sông Hậu và mưa tại chỗ. Các yếu tố này tạo nên sự phức tạp trong môi trường, đặc biệt là vấn đề xâm nhập mặn từ biển Tây.

Xâm nhập mặn ở tỉnh Kiên Giang những năm gần đây trở nên gay gắt hơn và ngày càng ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các vùng ven biển của tỉnh An Biên, An Minh, Hòn Đất… và vùng hải đảo Phú Quốc.

Theo Sở TN&MT Kiên Giang, do bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên vào mùa khô xảy ra hiện tượng thiếu nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Tại TP. Rạch Giá nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền, đẩy nước ngọt trên sông Cái Sắn và kinh Rạch Giá - Hà Tiên ra xa hơn. Các khu vực trồng rau màu dọc theo hai tuyến này đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới tiêu và phải kết thúc sớm mùa vụ. Khu vực trồng rau ở phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá cũng đang gặp khó khăn về nước tưới vì nước mặn đã xâm nhập đến kinh thủy lợi phía Nam.

Tương tự, các vùng trồng màu ở Hòn Đất, Tân Hiệp nhiều nơi phải ngưng xuống giống. Riêng thị xã Hà Tiên, diện tích lúa vừa thu hoạch ở khu vực biên giới gần như phải phơi đất hoàn toàn vì không còn nước tưới tiêu do hạn và xâm nhập mặn.

Với việc chuyển dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, đặc biệt là tại vùng Tứ giác Long Xuyên, nhiều diện tích cây trồng bị phá bỏ đã dẫn đến việc nước mặn dễ xâm nhập hơn, gây nhiễm mặn môi trường đất, nước.

Nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài

Tình trạng xâm nhập mặn cả về nồng độ lẫn chiều sâu vào nội địa ở tỉnh Kiên Giang đang là vấn đề cấp thiết, cần có biện pháp phòng chống để phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở địa phương. Để giải quyết phần nào ảnh hưởng xâm nhập mặn, Kiên Giang đã tập trung thực hiện một số biện pháp cụ thể như: Tạo nguồn nước đủ để đẩy lùi mặn như nạo vét kênh mương và tăng khả năng tiêu thoát; hệ thống công trình thủy lợi như đê bao và cống đập ngăn mặn đồng bộ khép kín; nạo vét khơi thông kênh rạch nội đồng để tăng khả năng chuyển nước; xây dựng các trạm đo mặn ở các cống đầu mối cả phía sông và phía đồng.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Sở TN&MT Kiên Giang cho biết, UBND tỉnh Kiên Giang đã đề ra “Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2013 - 2020”, theo đó, việc ứng phó với BĐKH sẽ được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2013 - 2015, tỉnh tập trung cho các dự án tăng cường nhân lực, nâng cao nhận thức cộng đồng, triển khai các hoạt động truyền thông; đầu tư các công trình thủy lợi, quản lý chống xói mòn, sạt lở ven biển, phục hồi rừng ngập mặn và cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư.

Giai đoạn 2 từ 2016 - 2020, Kiên Giang tập trung cho các chương trình, dự án nghiên cứu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện BĐKH; phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, củng cố nâng cấp các đoạn đê biển; nâng cấp mạng lưới quan trắc KTTV để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm các điều kiện khí hậu cực đoan do tác động của BĐKH.

 Giai đoạn 3, sau năm 2020, địa phương sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các dự án theo kế hoạch hành động. Bên cạnh đó, cần đồng bộ các giải pháp, chủ động phòng, tránh, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với các vùng ven biển; nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải ít các bon.

Phạm Thu Hà

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu sẽ nhấn chìm 75% diện tích Kiên Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO