Biến đổi khí hậu, cảnh báo từ Ninh Thuận

30/08/2016 00:00

(TN&MT) - Ninh Thuận, địa bàn khô hạn bậc nhất cả nước, nơi mùa khô kéo dài 9/12 tháng trong năm, lượng mưa bình quân có vùng chỉ đạt 300- 400 mm/năm. Cùng với biến đổi khí hậu, những năm gần đây, tại địa phương, hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường diễn ra thường xuyên.Bà Victoria Kwakwa-Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương xem Ninh Thuận là vùng đất điển hình về sự biến đổi của khí hậu.

Vào mùa khô, sông suối Ninh Thuận khô kiệt
Vào mùa khô, sông suối Ninh Thuận khô kiệt

Nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan, bất thường

Ba năm liên tiếp 2014- 1016 ở Ninh Thuận, hạn chồng lên hạn. Lượng mưa chỉ đạt 60- 85%, thấp hơn trung bình nhiều năm150 – 262 mm, trong đó số ngày mưa trên 50 mm (lượng mưa có khả năng gây lũ), có xu thế tăng. Dung tích tại các hồ chứa nước trên địa bàn chỉ đạt 60- 70 % thiết kế. Nhiều hồ chứa trong tình trạng hết mùa mưa hết nước. Các sông suối nhỏ đã bị tắt dòng ngay từ giữa tháng Một. Khô hạn, thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt gay gắt diễn ra trên diện rộng, ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh. Số ngày nắng nóng trong mùa khô cũng tăng bất thường với trên 80 ngày.Người dân phải đào giếng dưới lòng hồ, lòng suối để chắt nguồn nước ít ỏi, sử dụng cho sinh hoạt, nước uống gia súc. Trong 3 năm này, tuyệt nhiên không có bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến thời tiết Ninh Thuận.

Mưa ít trong mùa mưa nhưng vẫn xảy ra lũ với tần suất ngày càng cao. Ghi nhận thực tế cho thấy, vào những thập niên 1980, số trận lũ xảy ra trên địa bàn Ninh Thuận là 2,8/ trận lũ/năm (lũ trên mức báo động I ). Những năm gần đây, số trận lũ đã tăng vọt, lên gần gấp đôi, trung bình là 5,2 trận/năm. Mùa mưa năm 2010, xứ sở khô hạn xảy ra một đợt mưa lũ lịch sử. Chỉ trong hai ngày, lượng mưa đạt mức 300- 450 mm. Những hồ chứa nước hầu như chưa bao giờ đầy theo thiết kế, do lượng mưa thiếu hụt, chỉ sau một đợt mưa đã tràn trề, phải xả lũ khẩn cấp với lưu lượng xả lũ lớn nhất. Cả một vùng đất rộng lớn từ Nam Khánh Hòa đến Bắc Ninh Thuận, qua Phan Rang, nước trắng xóa, có nơi ngập sâu 2-4 m.

Trước đó, mùa khô năm 2004- 2005, Ninh Thuận xảy ra trận hạn lịch sử. Nhiều vùng suốt 7- 8 tháng trời không có một giọt mưa. Những cánh đồng trơ trụi, trắng xóa. Trong lịch sử, rừng trồng ở Ninh Thuận chưa bao giờ chết vì khô hạn, nhưng năm đó, rừng trồng chết hàng loạt. Loài cây lâm nghiệp đứng đầu bảng về khả năng chịu hạn vùng nhiệt đới là xoan chịu hạn (cây neem) cũng không “trụ” được, chết hoặc lay lắt. Đàn gia súc mấy trăm ngàn con của địa phương ốm o, gầy giơ xương, trong đó hàng ngàn con đã chết vì suy dinh dưỡng. Đây không phải là trận hạn duy nhất. Các năm gần đây Ninh Thuận liên tiếp hứng chịu những đợt hạn hán nghiêm trọng, ở các năm 1982-1983; 1991-1992; 2004-2006; 2014-2016.

Nhiều số liệu quan trắc thực tế cho thấy diễn biến nhanh chóng, bất thường của khí hậu, trong đó nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng 0,03oC/thập kỷ; lượng mưa năm có xu thế tăng 38 mm/thập kỷ, trong đó lượng mưa một ngày lớn nhất (Rx1day) năm có xu thế tăng khoảng 17,3 mm/thập kỷ. Mực nước biển trung bình tại khu vực Ninh Thuận có xu thế tăng khoảng 5,1 mm/năm.

Hoang mạc, dạng sinh thái đặc trưng của vùng khô hạn Ninh Thuận diễn biến như dầu loang. Thống kê sơ bộ, tổng diện tích đất hoang mạc ở Ninh Thuận là 41.021ha (năm 2014), chiếm 12,21% tổng diện tích đất tự nhiên, tăng đến 700 ha so với mốc 6 năm trước đó và tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Riêng hoang mạc cát ở mức trên 9.100 ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2008.

Lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn
Lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn

Đi liền với hạn, sụt giảm mực nước ngầm là xâm nhập mặn. Theo các số liệu quan trắc độ mặn của Sở Tài nguyên & Môi trường  tỉnh Ninh Thuận, từ năm 2010- 2016, mức độ xâm nhập mặn có chiều hướng gia tăng và xâm nhập mặn đã tiến sâu vào đất liền khoảng 7km trên sông Cái Phan Rang.

Kịch bản về khi hậu ở Ninh Thuận đến cuối thế kỷ, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng tới 3,4oC, lượng mưa trung bình năm có thể tăng trên dưới 10%. Và, mực nước biển dâng từ 0,74 – 1,05 m. Riêng với kịch bản nước biển dâng, khoảng 500 ha đất vùng ven biển của Ninh Thuận sẽ bị ngập; các khu công nghiệp/cụm công nghiệp Tri Hải, Dốc Hầm Cà Ná,.. sẽ ảnh hưởng ngay trong thập kỷ này.

Nhiều thách thức!

Ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã hoạch định một chiến lược bài bản, dài hạn, bao gồm rất nhiều nhóm giải pháp công trình và phi công trình, theo từng giai đoạn cụ thể.

Về giải pháp phi công trình, địa phương chủ trương quản lý và điều phối chặt chẽ, khoa học tài nguyên nước, sử dụng tiết kiệm nước, bảo đảm an ninh nguồn nước; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi sử dụng ít nước, đi đôi với nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nhằm tiết kiệm nước và tăng cường bảo vệ thẩm thực vật, rừng phòng hộ. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng tiết kiệm nước, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mặt khác, xây dựng các cơ chế chính sách, kế hoạch thích ứng với hạn hán; kết nối các nhà tài trợ hỗ trợ giải pháp ứng phó hạn hán bền vững; nâng cao năng lực dự tính, dự báo hạn hán, nhất là dự báo trung hạn và dài hạn để phòng chống nguy cơ sa mạc hóa.

Đối với nhóm giải pháp công trình, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng 7 giải pháp, trong đó xác định phải tiếp tục xây dựng các hồ chứa nước, đi đôi là đầu tư các hệ thống kết nối liên hồ, giúp điều tiết nguồn nước và hạn chế việc phải xả lũ, đầu tư trồng rừng, nâng tỷ lệ che phủ thực vật. Ngoài ra, đẩy mạnh triển khai các dự án tái tạo nguồn nước, chống sa mạc hóa, kết hợp ngăn mặn và chống ngập lụt.

Hạn hán kéo dài và thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp
Hạn hán kéo dài và thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp

Sơ bộ tính, tổng kinh phí cho các hoạt động, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu tại Ninh Thuận đến năm 2020 lên đến khoảng 20.000 tỷ đồng. Hoạch định thì như vậy, tuy nhiên, đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc thực hiện là không đơn giản. Hệ thống các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực biến đổi khí hậu trên bình diện cả nước cũng như tại địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ. Bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực, chưa có cán bộ chuyên trách ở cấp huyện và cấp xã; trong khi nhận thức của người dân về hậu quả của biến đổi khí hậu còn ở chừng mực. Chủ trương xã hội hóa, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân chưa nhiều. Việc điều tra, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế - xã hội của địa phương (trước đây) chưa toàn diện, chính xác dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch ứng phó.

Ngoài ra, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, lĩnh vực của tỉnh chậm hoặc chưa được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến của biến đổi khí hậu. Khả năng cảnh báo, dự báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu vào quá trình hoạch định chính sách và giải pháp trong quá trình lập kế hoạch phát triển các ngành trong tỉnh.

Vấn đề mấu chốt là kinh phí thực hiện, Ninh Thuận là địa phương còn khó khăn, thu ngân sách thấp, trong khi nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu để có thể giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc tại địa phương. Ứng phó với biến đổi khí hậu tại Ninh Thuận có thể nói là đỏi hỏi bức thiết, tuy nhiên đây vẫn là bài toán nan giải, trong điều kiện đặc thù của Ninh Thuận.

Nguyễn Văn– Anh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu, cảnh báo từ Ninh Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO