Bí thư Thành ủy Đà Nẵng truy nguyên nhân cây xanh ngã đổ sau bão

23/10/2013 00:00

(TN&MT) - Thiệt hại nhất là nhà cửa và hệ thống cây xanh. Để có được các cây xanh như vậy phải mất hàng chục năm nữa...

   
(TN&MT) – Ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đặt câu hỏi: “Vì sao 95% cây xanh (khoảng 40 ngàn cây) của thành phố ngã đổ sau bão? Tất nhiên đầu tiên là vì bão. Cái đó không ai cãi. Nhưng vì sao ở quận Sơn Trà trồng mấy chục cây không ngã đổ, nhiều nhà dân trồng cũng không ngã đổ trong khi cây xanh trên tất cả các tuyến đường đều bị ngã hết?”.
   
  Bão Nari đi qua, mọi công việc khắc phục vẫn đang diễn ra ở Đà Nẵng nhưng xem ra để khắc phục triệt để còn mất rất nhiều thời gian. "Thiệt hại nhất là nhà cửa và hệ thống cây xanh. Để có được các cây xanh như vậy phải mất hàng chục năm", Ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nói.
   
   
  Không chỉ cây nhỏ, mà cây lớn 6 - 10 năm tuổi cũng chổng gốc lên trời. Cảnh tượng hàng loạt cây xanh to, nhỏ ngã, đổ sạt ven đường sau bão đã biến lá phổi xanh của thành phố hư hỏng nặng. Sau siêu bão 2006 (bão Xangsane), đến nay bão số 11 là cơn bão có cường độ gió mạnh ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, với thời gian dài nhất cho thấy bão ảnh đến mức nào.
   
  Thống kê sơ bộ từ Công ty Công viên Cây xanh TP. Đà Nẵng cho biết, đã có 40.000  cây xanh bị xiêu vẹo hoặc bật gốc, trong đó có 19.500 cây xanh ở các đoạn đường, tuyến phố chính. Đó là chưa tính đến lượng cây bị ngã đổ ở nhà dân, trường học, các Công ty, khách sạn, resort…nằm ngoài khả năng quản lý của Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng. Khả năng để số cây xanh này hồi phục như cũ là rất ít. Cứ tính với giá “mềm” nhất là 2 triệu đồng/cây thì số tiền bị thiệt hại từ 40.000 cây xanh bị ngã đổ sẽ là con số khổng lồ. Ông Đặng Đức Thứ - Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng cho biết thiệt hại cây xanh do bão số 11 gây ra không thể tính ra tiền.
   
   
  Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng quản lý 70.000 cây xanh và hơn một nửa trong số đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau bão. Hiện tại, thành phố đang thực hiện 2 biện pháp khác phục chính là chống đỡ, chăm sóc những cây bị nghiêng, gãy đổ. Đối với các cây bị ngã đổ, trốc gốc tùy theo mức độ mà có thể được  phục hồi hoặc trồng lại cây mới. Đà Nẵng đang ưu tiên triển khai công tác khắc phục ở các tuyến đường trọng điểm bị thiệt hại nặng sau bão như: Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Bạch Đằng, Trần Phú, Ngô Quyền, Quốc lộ 14B... Tuy nhiên, công tác này cũng gặp nhiều vướng mắt một phần vì đường đây điện và cáp ngầm. Trung bình mỗi ngày, Công ty phục hồi được 15 cây lớn trên địa bàn thành phố. Ông Thứ cho biết thêm tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 3.000 cây đã được khôi phục, ngoài ra Công ty đang cố gắng thực hiện khắc phục tình trạng ngã đổ trên các tuyến đường, dự kiến sẽ hoàn thành ở giữa tháng 11.
   
   
  Tại buổi Tổng kết đánh giá về công tác phòng chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 11 chiều 21/10, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu làm rõ vì sao cây xanh bị ngã đổ nhiều. Đối với cây xanh ngã đổ do bão, ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đặt câu hỏi: “Vì sao 95% cây xanh (khoảng 40 ngàn cây) của thành phố ngã đổ sau bão? Tất nhiên đầu tiên là vì bão. Cái đó không ai cãi. Nhưng vì sao ở quận Sơn Trà trồng mấy chục cây không ngã đổ, nhiều nhà dân trồng cũng không ngã đổ trong khi cây xanh trên tất cả các tuyến đường đều bị ngã hết?”.
   
  Đặt câu hỏi xong, ông Thọ cho biết, sau bão ông có nhận được một số tin nhắn của người dân với 3 nội dung về lý do cây ngã đổ nhiều: Thứ nhất là trồng cạn quá, đào không sâu, rễ cây không bám được vào đất. Hai là trước bão không chặt tỉa bớt cành lá, để nhiều quá nên gió mạnh làm ngã đổ. Ba là không chằng chống xung quanh hoặc chằng chống đại khái, qua loa. “Nếu đúng như vậy thì giải pháp khắc phục làm sao? Ai nghiệm thu, ai giám sát?”, ông Thọ hỏi. Ông đề nghị Sở Xây dựng và Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng họp rút kinh nghiệm, tìm hiểu lý do vì sao rồi tìm giải pháp.
   
  Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đặng Đức Thứ cho biết: “Nhiệm vụ chính của đơn vị chúng tôi là duy tu bão dưỡng cây xanh và trồng một phần cây xanh. Nhiều cây xanh ở các tuyến đường lớn hiện nay trong thành phố không do Công ty trồng mà khi có dự án thì tổ chức đấu thầu, đơn vị nào trúng thầu hạng mục cây xanh thì triển khai thực hiện”. Tuy nhiên, theo Thông báo số 104-TB/TU ngày 06/06/2012 của Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng và Công văn số 2028/SXD-QLXD ngày 08/06/2012 v/v liên quan đến công tác trồng cây xanh trong các khu tái định cư; theo đó giao cho Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng là đơn vị trực tiếp thi công. Điều này vi phạm Luật đấu thầu và sai phạm quy trình vì đơn vị thi công vừa là đơn vị trực tiếp quản lý. Còn về vấn đề đề án phát triển, trồng mới lại cây xanh trong thời gian tới, ông Thứ cho rằng đây là việc làm rất khó vì kinh phí thực hiện quá lớn.
   
   
  Theo nhiều người, Đà Nẵng hay xảy ra bão gió thì phải chọn cây để trồng, chứ không phải bạ cây nào trồng cây đó. Chọn cây để chống được bão dựa vào hai yếu tố, cành lá và rễ. Rễ chùm chỉ nơi đất chắc cứng mới trụ được với gió bão, còn đất yếu phải là rễ cọc...Cành lá phải là thứ cây không quá sum suê, không tạo sức cản lớn, thân dẻo dai...Nhưng khi mà nhu cầu bóng mát, thẩm mỹ đang rất lớn, cấp thiết thì cũng rất khó lựa chọn được những cây hội đủ yếu tố trên, đành rằng đó là điều cần phải đề cập tới trong quá trình phát triển cây xanh ở vùng đất gió bão. Thế nhưng sự tổn thất một số lượng cây xanh lớn trong con bão vừa qua đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Việc chọn giống cây cũng như việc quản lý khi trồng đã hợp lý đúng quy trình chưa hay chỉ làm với hình thức qua loa, đại khái.
   
  Từ thực tế cơn bão 11 cho thấy, phát triển độ che phủ cây xanh thành phố, nên chăng có giải pháp hợp lý, bảo đảm độ bền vững. Cần đầu tư, nghiên cứu khoa học hệ thống cây xanh, cây bóng mát với những đô thị như Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung vốn lắm thiên tai, bão lũ cũng là điều cần làm ngay từ bây giờ.
   
  Bài & ảnh: Ni Na - Quỳnh Anh
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng truy nguyên nhân cây xanh ngã đổ sau bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO