Bệnh viện Lao phổi Sơn La: Hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm

27/06/2016 00:00

(TN&MT) - Sở TN&MT Sơn La vừa ban hành Quyết định số 164/QĐ-STNMT ngày 20/6/2016, chứng nhận Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Sơn La đã hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hệ thống lò đốt chất thải rắn công suất 50kg/2 giờ.
Hệ thống lò đốt chất thải rắn công suất 50kg/2 giờ.

Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Sơn La, địa chỉ tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Bệnh viện có quy mô 100 giường bệnh, tổng số cán bộ, nhân viên là 96 người.

Bác sỹ Lương Văn Tuận, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Sơn La được xây dựng từ những năm 1997 và nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân là do đây là bệnh viện truyền nhiễm, chất thải y tế mang tính chất lây nhiễm, độc hại chiếm tỷ lệ cao. Trong khi hệ thống xử lý chất thải được xây dựng từ khi có bệnh viện, công nghệ xử lý đơn giản, chưa đảm bảo yêu cầu theo luật môi trường.

Đến năm 2008, sau một trận bão lớn, hệ thống lò đốt bị thiệt hại, xuống cấp nghiêm trọng, không thể sử dụng tiếp. Bệnh viện phải tiến hành đốt thủ công trong khuôn viên bệnh viện, gây ảnh hưởng nhiều tới đời sống người dân xung quanh. Nước thải chỉ được chứa vào bể và xử lý đơn giản bằng thuốc. Khi quá tải, nước thải đã chảy tràn ra môi trường.

Trước thực trạng đó, năm 2013, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã được UBND tỉnh chấp thuận thực hiện dự án “Nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La”. Tổng mức đầu tư dự án hơn 12 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là năm 2013-2014.

Cuối năm 2014, dự án đã hoàn thành và đưa vào chạy thử nghiệm tới nay với các hạng mục: Lò đốt chất thải rắn công suất 50kg/2 giờ và hệ thống thu gom, xử lý nước thải công suất 150m3/ngày đêm. Khu xử lý chất thải có diện tích khoảng 2.000m2, nằm cách biệt với khu dân cư và khu phòng bệnh.

Chất thải nguy hại được lưu giữ trong thùng đông lạnh theo đúng quy định.
Chất thải nguy hại được lưu giữ trong thùng đông lạnh theo đúng quy định.

Bác sỹ Phạm Văn Thoát, Phó Khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La cho biết: Hiện nay, bình quân chất thải sinh hoạt thông thường phát sinh tại Bệnh viện khoảng 120kg/ngày, được hợp đồng với Đội Môi trường đô thị huyện Mai Sơn vận chuyển và xử lý.

Về chất thải độc hại, lây nhiễm, bình quân 30kg/ngày đã được Bệnh viện xử lý tại hệ thống lò đốt theo đúng quy định, với tần suất đốt 2 ngày/lần. Chất thải lây nhiễm, nguy hại đã được chứa trong tủ đông lạnh theo quy định. Riêng với hệ thống thu gom, xử lý nước thải, Bệnh viện đầu tư theo hướng lâu dài, nên công suất luôm đảm bảo. 

Ngoài ra, Bệnh viện đã tiến hành phân loại rác thải ngay từ điểm phát sinh. Tại mỗi khu phòng bệnh, sẽ có bảng hướng dẫn và thùng rác tương ứng với từng loại rác thải. Cụ thể, rác thải sinh hoạt thông thường được chỉ dẫn dựng vào các túi màu xanh; chất thải tái chế đựng trong các túi màu trắng; có thùng riêng đựng vật sắc nhọn, chất thải lây nhiễm.

“Sau khi được Sở TN&MT Sơn La chứng nhận ra khỏi 64, Bệnh viện đang xúc tiến để nghiệm thu, bàn giao công trình. Sau đó, sẽ tiến hành xây dựng Đề án Bảo vệ Môi trường sau khi hệ thống được bàn giao và làm thủ tục xin cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước. Tuy nhiên, do đơn vị tư vấn để lập hồ sơ cấp phép xả thải tại Sơn La không có, nên kinh phí thực hiện việc làm này khá lớn. Đây là một khó khăn với Bệnh viện, do tại đây chủ yếu là bệnh nhân nghèo, thời gian điều trị kéo dài.” – Bác sỹ Lương Văn Tuận cho biết thêm.

Bên cạnh đó, hiện tại loại nước thuốc được sử dụng để tráng rửa phim X Quang chứa nhiều kim loại nặng và chất phóng xạ. Để giảm thiểu việc sử dụng loại nước thuốc này, Bệnh viện rất mong muốn được các cấp chính quyền bổ sung kinh phí thay đổi công nghệ chụp phim sang kỹ thuật số.

Đồng thời, kiến nghị các cơ quan ban ngành sớm đưa ra quy trình xử lý với các loại chất thải như nhiệt kế, huyết áp kế hỏng (có chứa thủy ngân), dầu ô tô, ắc quy... Mỗi năm, lượng rác thải này chỉ phát sinh khoảng 1-2kg/năm, song nếu xử lý không đúng quy trình cũng rất nguy hại. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Sơn La chưa có đơn vị nào xử lý được các loại chất thải này. Nếu thuê các đơn vị tại Hà Nội, chi phí phát sinh sẽ cao.

Ông Nguyễn Quang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La cho biết: Việc chứng nhận Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La đã hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để là bước đầu khi Bệnh viện đã đầu tư xong hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn.

Thời gian tới, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh đang đôn đốc đơn vị tiếp tục thực hiện các thủ tục để kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Đồng thời, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, thường xuyên kiểm tra hoạt động xử lý chất thải tại Bệnh viện; xử lý nghiêm theo quy định nếu có vi phạm.

Bài & ảnh: Nguyễn Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện Lao phổi Sơn La: Hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO