Bệnh viện Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm cúm AH5N1

22/01/2014 00:00

Mới chỉ có bằng chứng cúm AH7N9 và H5N1 lây từ gia cầm sang người, chứ chưa phát hiện lây nhiễm từ người sang người.

Mới chỉ có bằng chứng cúm AH7N9 và H5N1 lây từ gia cầm sang người, chứ chưa phát hiện lây nhiễm từ người sang người.
   
  Một người đàn ông 52 tuổi ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước vừa tử vong do cúm AH5N1 đang khiến các cơ quan chức năng lo ngại về việc bùng phát dịch bệnh này trên người.
   
  Theo Cục Thú y, virus cúm AH5N1 đang lưu hành trên đàn gia cầm của nhiều tỉnh thành, mà từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ nhu cầu kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm tăng đột biến nên nguy cơ lây nhiễm virus cúm AH5N1 từ gia cầm sang người là rất lớn.
   
  Đêm qua (20/1), Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 1 bệnh nhân nữ 39 tuổi ở Thanh Oai, Hà Nội bị suy hô hấp nặng phải thở máy. Điều tra dịch tễ học cho thấy tại nhà bệnh nhân này có gà chết không rõ nguyên nhân nên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu xét nghiệm.
   
  Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, sau khi phát hiện trường hợp tử vong do cúm AH5N1 tại Bình Phước, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Bình Phước điều tra dịch tễ và tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh lập đoàn điều tra ca bệnh, kiểm tra các điểm chăn nuôi gia cầm tại địa phương.
   
Bệnh nhân suy hô hấp nặng đang điều trị tại khoa Điều trị tích cực- BV Bệnh nhệt đới TƯ
    
  Bộ Y tế cũng đề nghị Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch cúm gia cầm; đồng thời, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
   
  Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kết quả thu được tại các điểm giám sát cúm trọng điểm quốc gia cho thấy chủng virus cúm lưu hành trên người thời gian qua chủ yếu là cúm AH3N2, H1N1 và cúm B. Tuy nhiên, mới đây xuất hiện chùm ca bệnh gồm hơn 20 học sinh của Trường Trung học phổ thông dân lập Trí Đức (Từ Liêm, Hà Nội) bị sốt và biểu hiện hội chứng cúm. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm vì từ năm 2009 đến nay mới xuất hiện trở lại chùm ca bệnh cúm như vừa nêu.
   
  Trong khi đó dịch cúm AH7N9 tại Trung Quốc đã tiến sát biên giới với Việt Nam. Theo Cục Y tế dự phòng, mới chỉ có bằng chứng cúm AH7N9 và H5N1 lây từ gia cầm sang người, chứ chưa phát hiện lây nhiễm từ người sang người.
   
  Do vậy, người dân cần chủ động phòng tránh bằng cách không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị.
   
Văn Hải/VOV
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm cúm AH5N1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO