Theo Sở TN&MT Bến Tre, bờ biển tỉnh Bến Tre có chiều dài 65 km, phía Bắc giáp biển tỉnh Tiền Giang, phía Nam giáp biển tỉnh Trà Vinh. Trong những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu, sóng lớn, triều cường, bão lũ... nhiều đoạn bờ biển thường xuyên bị xói lở làm thiệt hại rất lớn đến các hoạt động kinh tế xã hội cũng như đời sống của dân cư ven biển.
Qua thống kê cho thấy, dọc theo bờ biển tỉnh Bến Tre hiện có 15 khu vực xảy ra hiện tượng xói lở vừa và mạnh với tổng chiều dài sạt lở khoảng 42km, có 05 khu vực xảy ra bồi lắng bờ biển với tổng chiều dài bồi lắng khoảng 14km, có 03 khu vực khá ổn định hoặc bị xói bồi xen kẻ theo năm với tổng chiều dài khoảng 6,5km, 03 khu vực kè bê tông chắc chắn với tổng chiều dài khoảng 571m và 01 đoạn kè doanh nghiệp tự bỏ tiền ra xây dựng đã bị sóng đánh sập nay đang trong giai đoạn xây dựng lại với tổng chiều dài khoảng 460m
Sở TN&MT Bến Tre cũng cho biết, quy luật bồi xói tại khu vực ven biển tỉnh Bến Tre là bồi vào mùa Tây Nam và xói vào mùa Đông Bắc (gió chướng). Nhưng lượng xói lở vào mùa Đông Bắc nhiều hơn lượng bồi mùa Tây Nam dẫn tới làm mất cân bằng tại những khu vực này, điều này làm cho bờ biển tại Bến Tre ngày càng bị xói lở mạnh. Do vậy, việc thiết lập và quản lý hiệu quả hành lang bảo vệ bờ biển sẽ đóng góp đáng kể vào việc quản lý bền vững hệ thống ven biển, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, bảo vệ các quần thể trước nguy cơ ngập lụt xói lở, bồi tụ vùng ven biển.
Qua đó, Sở TN&MT Bến Tre đề xuất tổng số có 21 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển từ Cửa Đại đến cửa Sông Cổ Chiên với chiều dài khoảng 50km. Các khu vực này được xác định với mục tiêu chính là nhằm thiết lập hành lang bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên vùng bờ, giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo đảm quyển tiếp cận của người dân với biển.
Vị trí các khu vực cần bảo vệ là khu du lịch bãi biển, phía trên là mảng rừng, đất trồng cây hoa màu và các vuông nuôi trồng thủy sản của người dân. Trong đó, đoạn bờ biển xã Thừa Đức, xã Thới Thuận (huyện Bình Đại) chiều dài 12.265m là khu vực có hiện tượng xói bồi xen kẻ. Đây là khu vực bãi bồi vùng cửa sông, có nhiều bãi nghêu góp phần làm nên thương hiệu nghêu nổi tiếng của Bến Tre, đã tạo công ăn việc và điều kiện kinh tế làm cho hàng ngàn lao động trong khu vực
Đối với địa bàn huyện Ba Tri có chiều dài gần 13.000m, những năm gần đây sóng biển tác động làm xói lở rất mạnh. Mỗi năm sự xâm thực của biển lấn sâu từ 20-30m làm hư hao các công trình phúc lợi xã hội, mất rừng phòng hộ, mất diện tích đất canh tác hoa màu, đất nuôi trồng thủy sản và tác động rất lớn đến đời sống dân sinh. Trong đó, bờ biển khu vực Cồn Ngoài, thuộc xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri có chiều dài sạt lở 4 km gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng phục vụ bố trí sắp xếp dân cư vùng kinh tế mới Cồn Nhàn - Cồn Ngoài; khu vực bãi bắn của Quân sự huyện Ba Tri và mất hàng cây phi lao ven biển.
Riêng bờ biển Thạnh Phú, chiều dài được dự tính thiết lập hành lang bảo vệ là 20.673m thuộc hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải. Nơi đây có nhiều khu du lịch sinh thái, bãi tắm, hệ sinh thái rừng ngập mặn, phòng hộ… Trong những năm gần đây, dưới tác động của sóng biển, bờ biển đoạn này bị sạt lở khá mạnh tình quân mỗi năm từ 10-30m làm mất dần diện tích rừng, đất canh tác hoa màu và có nguy cơ sạt lở sâu vào trong khu du lịch ven biển và đất nuôi trồng thủy sản của người dân.
Ngoài những khu vực cần bảo vệ nêu trên, Sở TN&MT Bến Tre cũng đề xuất không đưa vào danh mục thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển đối với các địa điểm như khu vực bãi bồi xã Thới Thuận (huyện Bình Đại) và khu vực cửa sông Hàm Luông thuộc xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú). Do nơi đây là vùng đất bãi bồi, là khu ưu tiên cho phát triển năng lượng sạch và đã nằm trong quy hoạch các nhà máy điện gió đã phê duyệt.