Bến Tre: Khó khăn trong xử lý chất thải rắn

06/10/2017 00:00

(TN&MT) – Thời gian qua, tỉnh Bến Tre luôn luôn xác định công tác bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những nhiệm vụ then chốt, quan trọng. Tuy nhiên,...

 

(TN&MT) – Thời gian qua, tỉnh Bến Tre luôn luôn xác định công tác bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những nhiệm vụ then chốt, quan trọng. Tuy nhiên, tình hình triển khai các mô hình xử lý chất thải rắn và bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ của ngành chức năng.

Hiện chất thải rắn người dân còn để lẫn lộn trong rác sinh họat và các loại rác thải khác, khiến nhiều bãi rác lộ thiên trông nhếch nhác.
Hiện chất thải rắn người dân còn để lẫn lộn trong rác sinh họat và các loại rác thải khác, khiến nhiều bãi rác lộ thiên trông nhếch nhác.

Ông Trương Văn Em – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Bến Tre cho biết, hiện nay chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn đã được giao cho đội hoặc tổ vệ sinh thu gom. Tuy nhiên, lượng chất thải rắn khu vực nông thôn hiện nay cũng mới chỉ được thu gom ở trung tâm các xã, khu chợ, nơi tập trung đông dân cư.

Theo ông Trương Văn Em, trong số 147 xã trên địa bàn tỉnh có 107 xã có dịch vụ thu gom rác, rác thải được thu gom, vận chuyển và đổ lộ thiên thành nhiều lớp tại bãi rác của xã hoặc bãi rác huyện. Mùa nắng rác được đốt, mùa mưa để phân hủy tự nhiên có kết hợp phun chế phẩm khử mùi hôi, ruồi nhặng hoặc xử lý theo phương pháp thu hồi phế liệu để tái chế. Còn lại các khu vực khác (hộ gia đình, cơ sở sản xuất, nơi công cộng), chất thải rắn chủ yếu được thu gom đốt, đổ lấp mương, thải vào nơi đất trống,...

Trên địa bàn tỉnh có 09 bãi xử lý chất thải rắn đang hoạt động chủ yếu xử lý cho các khu vực đô thị, có 03 bãi rác có hệ thống thu gom nước rỉ rác, các bãi rác còn lại không có lớp lót đáy và hệ thống thu gom nước rỉ rác. Ngòai ra, tại huyện Giồng Trôm có một lò đốt rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý rác của các xã trên địa bàn huyện.

Về tình hình thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV, theo ông Em, Bến Tre là một tỉnh nông nghiệp (diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 76% diện tích đất tự nhiên), trong quá trình sản xuất, người nông dân thường sử dụng các loại thuốc BVTV, phân bón hoá học,… để giúp cây trồng phát triển tốt và hạn chế các loại sâu bệnh gây hại. Qua đó, đã làm phát sinh một lượng lớn bao gói thuốc BVTV thải ra môi trường.

Hiện tại, lượng bao gói thuốc BVTV chưa được thu gom, xử lý tốt, người dân xử lý các loại chất thải này bằng cách tự thu gom bỏ vào nhà kho hoặc các hố nhỏ để lưu giữ hoặc đem chôn đốt. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người dân sau khi sử dụng bao gói thuốc BVTV thải trực tiếp trên đồng ruộng, kênh mương dẫn thoát nước,... Tuy nhiên, tại một số vùng trồng cây chuyên canh được trang bị bể hoặc hố thu gom bao gói thuốc BVTV theo quy định. Nhưng do trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng nên hiện tại bao gói lưu giữ tại các thùng, hố đã quá tải cần có biện pháp xử lý.

Được biết vào cuối tháng 9 vừa qua, Đoàn khảo sát của Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT về khảo sát mô hình BVMT khu vực nông thôn tỉnh Bến Tre. Qua làm việc, tỉnh Bến Tre đã đề xuất, kiến nghị Trung ương hỗ trợ các mô hình, các giải pháp nhằm giúp địa phương thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và bao gói thuốc BVTV trong thời gian tới được chuẩn hóa, đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn về BVMT.

                                                      Tin, ảnh: Bạch Thanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre: Khó khăn trong xử lý chất thải rắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO